Người lao động về đến sân bay Tân Sơn Nhất chiều 9.8 |
Không khó để nhận ra 25 lao động bị mắc kẹt ở Libya với khuôn mặt đen sạm, quần áo lem luốc vì phải trải qua những tháng ngày vật vã, thiếu thốn lương thực, nước uống, thuốc men ở khu vực biên giới giáp ranh giữa Ai Cập và Libya.
Vừa bước ra khu vực dành cho hành khách, anh Nguyễn Hữu Bằng (49 tuổi, quê Hà Nội) thốt lên: “Vậy là chúng tôi được cứu sống rồi!”.
Tranh thủ mượn điện thoại báo tin cho gia đình Về đến sân bay Tân Sơn Nhất chiều 9.8 |
Anh Bằng cho biết, trước khi qua Libya lao động, anh làm nghề xây dựng. Chi phí cho chuyến đi là 40 triệu. Nhưng qua làm chưa được 1 năm thì xảy ra chiến sự buộc phải về nước.
Cũng theo anh Bằng, trước khi về lại quê hương, anh cùng nhiều lao động khác phải nằm lại, vật vã ở khu biên giới giữa Ai Cập và Lybia suốt 4 ngày liền. Thiếu thốn lương thực và nước uống, có người còn bị bệnh tiêu chảy nhiều ngày liền mà không có thuốc men chữa trị.
Nghĩ tới cảnh nằm chờ vật vờ trong căn chòi được dựng tạm bợ bằng vải, giấy carton, chia nhau những miếng bánh mì xin được của những lao động người nước khác, mong muốn được trở về đoàn tụ cùng gia đình của các anh ngày càng lớn hơn.
Anh Nguyễn Đức Hậu (quê huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) nói: “Dù những tâm tư nguyện vọng trong chuyến đi chưa được như mình mong muốn nhưng về tới quê hương thấy phấn khởi lắm. Cảm giác như mình sống lại lần thứ hai!”.
Cùng nhau lưu lại số điện thoại để liên lạc |
Khi vừa đặt chân xuống sân bay, anh Nguyễn Văn Tiên (quê Nghệ An) cùng nhiều lao động khác không giấu nổi những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc. Tranh thủ lúc chờ làm thủ tục bay về Hà Nội, nhiều người trong đoàn đã mượn điện thoại của phóng viên để liên lạc với người thân yêu của mình để thông báo.
Lau giọt nước mắt trên mặt, anh Tiên bùi ngùi nói qua điện thoại: “Bố à! Con sống rồi bố ạ. Con về tới Sài Gòn, tối nay về Hà Nội rồi con bắt xe về nhà luôn. Bố mẹ an tâm, con vẫn mạnh khỏe lắm”.
Đẩy hành lý vào làm thủ tục bay về TP.Hà Nội |
Với khuôn mặt mừng rỡ, ông Tô Văn Khẩn (49 tuổi, quê Nam Định) cho biết: “Ở bên đó chúng tôi làm việc mà thấy bom đạn bắn nhau loạn xạ. Anh em ở đây ai cũng sợ khiếp vía!”.
Theo ông Khẩn, hiện trong nhóm lao động của ông có 3 người mất liên lạc. Ba người đó gồm: Trần Văn Thứ (39 tuổi, quê Hòa Bình), Vũ Văn Hiệp (39 tuổi, quê Thái Nguyên), Nguyễn Văn Nhâm (39 tuổi, quê Hà Tĩnh).
Đang trò chuyện với chúng tôi, bỗng anh Khẩn khựng người, giọng nghẹn lại khi nghĩ đến 3 người đồng nghiệp đến bây giờ vẫn chưa thể liên lạc được.
“Thật sự mình rất buồn cho những anh em không may mắn. 28 người cùng ăn cùng uống mà giờ chỉ về được 25 người. Còn 3 anh em kia thì không có tin tức gì. Về đợt này, mình cũng đem cả đồ đạc, quần áo của 3 anh em đó về luôn” - ông Khẩn tâm sự.
Dự kiến, 20 giờ tối nay (9.8), 25 lao động này về tới sân bay Nội Bài (TP.Hà Nội).
Bài, ảnh: Công Nguyên - Đức Tiến
No comments:
Post a Comment