|
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear khẳng định Mỹ sẽ xem xét việc bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, |
(TBKTSG Online) - Vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cần được nhìn nhận trong dòng tiến bộ chung của các mối liên hệ Việt - Mỹ từ nay sẽ gắn bó bởi những tương đồng về lợi ích địa-chiến lược trong khu vực.
Để đối phó với các đối tượng tội phạm, có rất nhiều loại vũ khí “phi” sát thương, không gây ra thiệt hại về người. Còn đối với kẻ xâm lược, vũ khí sát thương, ngược lại là phương tiện quân đội các nước thường sử dụng để tự vệ hoặc tấn công kẻ thù bên ngoài mỗi khi có chiến tranh nổ ra.
Để tăng cường sức mạnh phòng thủ đất nước, hệ thống vũ khí của quân đội Việt Nam đã được nâng cấp, hiện đại hóa đối với các loại vũ khí có nguồn gốc từ một số nước ngoài, trong đó nhiều nhất là từ cả hệ của Nga lẫn hệ của Mỹ. Và đấy là các loại vũ khí sát thương. Hệ thống tên lửa bờ Redut là một ví dụ. Sau khi nâng cấp, hệ thống tên lửa bờ Redut được đánh giá đủ khả năng phối hợp cùng những tổ hợp hiện đại hơn như Bastion-P, Bal-E để tạo thành những “lá chắn thép” vững chắc trên bờ Biển Đông.
Vũ khí sát thương là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt-Mỹ. Từ lâu Việt Nam có nhu cầu mua các loại vũ khí sát thương từ Nga, Úc, Israel và nhiều nước khác, riêng với Mỹ, vấn đề này vẫn gặp bế tắc, chưa giải tỏa được.
Mặc dầu Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận và đi vào bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam gần hai thập kỷ nay, nhưng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vẫn còn hiệu lực. Các chính phủ Mỹ, qua ngần ấy năm, vẫn gắn vấn đề này với cái mà Mỹ gọi là tiến triển trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Gần đây, các nhà ngoại giao chuyên nghiệp từ nước Mỹ, hai vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hoa Kỳ, đại sứ đương nhiệm David B. Shear và đại sứ vừa được bổ nhiệm Ted Osius đang chuẩn bị sang Hà Nội là những người đã cổ võ và thông báo việc “bật đèn xanh” bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ cách đây không lâu, ứng viên được đề cử (chuẩn bị thay ông Shear) Ted
Osius cho biết đã đến lúc Washington xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Trước đấy gần một năm, đương kim đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear cũng đã khẳng định Mỹ nghiêm túc xem xét việc bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, sau chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang tháng 7-2013, nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm “đối tác toàn diện”. Theo đại sứ Shear, “đối tác toàn diện” là mối quan hệ có nội hàm rộng khắp, trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đã được cụ thể hoá trên nhiều lĩnh vực như thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ về việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình (còn gọi là Hiệp định 123), hai nước sẽ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đại sứ cho biết, không chỉ kinh tế, đầu tư, giáo dục, hai nước còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự, Mỹ cũng tích cực trong việc hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh như dỡ bỏ bom mìn, vật liệu nổ, tẩy độc dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng.
Vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cần được nhìn nhận trong dòng tiến bộ chung của mối liên hệ giữa hai quốc gia tuy là cựu thù nhưng từ nay sẽ gắn bó bởi những tương đồng về lợi ích địa-chiến lược trong khu vực.
Các nhà lập pháp Mỹ từ trước đến nay vẫn luôn gây sức ép nhằm ngăn chặn các hành vi hung hăng của Trung Quốc tại hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chỉ ít lâu sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua nghị quyết lên án Bắc Kinh, đến lượt Hạ viện sẽ ra nghị quyết theo cùng một chiều hướng. Một dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương đã được hai dân biểu Forbes và Hanabusa đệ trình vào cuối tuần trước để Hạ viện thông qua. Trong các nghị quyết này, đặc biệt có khuyến nghị chính quyền Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Hạ Viện Mỹ sẽ thông qua 17 nghị quyết mà nội dung tập trung lên án các hành vi cưỡng bức, hù dọa hay dùng võ lực để cản trở quyền tự do lưu thông trên không và trên biển ở các vùng biển châu Á. Nghị quyết kêu gọi đích danh Trung Quốc không nên áp dụng các quy định về vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông và không được thiết lập các vùng tương tự ở nơi khác. Đặc biệt trong các khuyến cáo về mặt chính sách, khuyến nghị thứ 13 liên quan đến quan hệ Mỹ-Việt, nội dung bật đèn xanh cho việc bán vũ khí cho Việt Nam.
Nội dung này là một phần của bản dự thảo đối với chính sách của Mỹ trong tương lai. Bản dự thảo cho rằng chính sách của Mỹ phải là: “Thiết lập và thực thi một khuôn khổ chính sách với chính phủ Việt Nam sao cho phản ánh được cả những tiến bộ lẫn thách thức còn tồn tại, cũng như các lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Hoa Kỳ, bằng cách làm sâu sắc thêm và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam thông qua việc bán hoặc chuyển giao thiết bị quốc phòng trong chiều hướng thích hợp với sự phát triển và duy trì khả năng phòng thủ chống ngoại xâm của Việt Nam...”.
No comments:
Post a Comment