Saturday, July 12, 2014

Ai chủ trương bơm nghịch tử thành anh hùng?

HÀ NỘI - Nguyễn Quốc Ðức, “thiếu gia” của một tỷ phú ở Hà Nội, chỉ là nghịch tử, không phải là “tấm gương về tình yêu tổ quốc” như nhiều tờ báo ở Việt Nam ca ngợi trong thời gian vừa qua.

Trong vài tuần qua, nhiều tờ báo tại Việt Nam liên tục đưa tin, viết bài về Nguyễn Quốc Ðức, 18 tuổi, từng được cha mẹ gửi đi du học ở New Zealand 5 năm và ở Úc hai năm song từ chối tiếp tục ở lại ngoại quốc học đại học mà quay về Việt Nam, tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự tại một đơn vị hải quân bảo vệ Trường Sa.


Hình ảnh “anh hùng” Nguyễn Quốc Ðức trên báo “Quân Ðội Nhân Dân,” báo tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN. (Hình: QÐND)

Những tin, bài đó vẽ ra một thanh niên không chỉ ái quốc mà còn rất kiên định, giàu ý chí, nghị lực và khuyến khích thanh niên Việt Nam nên lấy đó làm “gương” vì “tổ quốc cần lắm những con người như thế”!

Mới đây, tờ Người Cao Tuổi thực hiện một phóng sự điều tra mà theo đó, Nguyễn Quốc Ðức chỉ là một nghịch tử.

Nguyễn Quốc Ðức là con ông Nguyễn Quốc Thanh, người trở thành tỷ phú nhờ buôn bán phế liệu. Ông Thanh trở thành một “nhân vật đình đám” vì bỏ hơn 70 tỉ xây dựng một “lâu đài” ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Lâu đài này được ca ngợi là “độc đáo” vì trên nóc gắn năm con gà dát vàng, trị giá khoảng 4 tỉ.

Tờ Người Cao tuổi nêu thắc mắc, vì sao một cậu bé 11 tuổi, trong 7 năm du học ngoại quốc lại phải liên tục chuyển trường, “mỗi năm chuyển một trường.” Việc phải liên tục chuyển trường như thế có phải do học lực quá kém?

Nguyễn Quốc Ðức khoe với báo giới “chuyển trường nhiều như vậy nhưng thành tích học tập của cháu năm nào cũng tốt.” Tờ Người Cao tuổi dẫn lại một chi tiết trong một bài viết về Nguyễn Quốc Ðức, theo đó, cũng đương sự tâm sự, khi ở nước ngoài, chuyện học hành của thiếu gia này “sa sút dần vào những năm cuối cấp” do “được gia đình chu cấp đầy đủ, lại đang tuổi ăn, tuổi chơi nên lơ là học tập.”

Trong một phóng sự do đài truyền hình Việt Nam thực hiện cũng về Nguyễn Quốc Ðức hồi Tết Âm Lịch năm nay, Nguyễn Quốc Ðức tâm sự rằng, trước khi nhập ngũ, suốt ngày cậu chỉ “đi ăn, đi chơi, tụ tập bạn bè hát hò, rồi đến bar.” Phóng sự này ghi lại hình ảnh, Nguyễn Quốc Ðức xăm trổ đầy mình. Việc tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự không phải do ái quốc, muốn “góp một phần công sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc” mà vì “làm bố mẹ phải lo lắng, làm bố mẹ rất buồn trong một thời gian tương đối dài.”

Cũng theo tờ Người Cao Tuổi, Nguyễn Quốc Ðức hiện là binh nhì, thuộc phân đội Pháo PK37 tại đảo Trường Sa Lớn và sự có mặt của thanh niên này tại đơn vị đó đang làm các sĩ quan nhức đầu. Một người ra thăm đảo Trường Sa Lớn hồi tháng 5 viết trên facebook về Nguyễn Quốc Ðức như thế này: “Cu này và mình nhậu hết hai chai ballantine 17 của nó... Bố mẹ nó ra thăm như đi chợ.”

Vợ một sĩ quan đang đóng trên đảo Trường Sa Lớn kể với tờ Người Cao Tuổi rằng chồng của bà và đồng đội rất bất bình về lối sống, lối xử sự của thiếu gia này. Nguyễn Quốc Ðức cậy gia đình lắm tiền nhiều của, có nhiều “hỗ trợ” cho đơn vị nên thường xuyên say rượu, quậy phá. Vì thiếu gia này, phân đội trưởng của cậu ta vừa bị kỷ luật.

Tuy nhiên khi các nhà báo ra Trường Sa Lớn, ai cũng nằng nặc xin được phỏng vấn thiếu gia. Thậm chí đài truyền hình quốc gia còn soạn sẵn một kịch bản, yêu cầu đơn vị hải quân tại đó thực hiện theo để ca ngợi Nguyễn Quốc Ðức.

Một nhà báo từng ra đảo Trường Sa Lớn kể với tờ Người Cao Tuổi, tuy con đóng ở Trường Sa nhưng cha của Nguyễn Quốc Ðức thường xuyên đi tàu ra thăm, còn mẹ của thiếu gia này thì dùng... trực thăng. Tuy ở giữa Thái Bình Dương nhưng thiếu gia này khẳng định, cả phân đội của cậu chỉ uống Chivas 18.

Tờ Người Cao Tuổi còn nêu lên một điểm đáng chú ý khác. Trong khi trước nay, việc tuyển quân ở Việt Nam chỉ được thực hiện theo đợt thì không rõ vì sao, tuy không phải là cá nhân có khả năng đặc biệt, Nguyễn Quốc Ðức lại được tuyển chọn riêng lẻ, không theo đợt nào cả. Theo các quy định hiện hành, ngoài yếu tố có khả năng đặc biệt, việc tuyển chọn riêng lẻ như vậy phải do tổng tham mưu trưởng quyết định.

Tờ Người Cao Tuổi còn tiết lộ thêm, có tin cho rằng, những năm gần đây, nhờ gia đình có quan hệ nào đó, một số thanh niên nghiện ma túy đã được đưa vào các đơn vị đóng ở quần đảo Trường Sa để cai nghiện, rèn luyện. Nguyễn Quốc Ðức khẳng định với báo giới, sau 15 tháng ở đảo Trường Sa Lớn, khi quay về đất liền, thiếu gia này sẽ xin đi học sĩ quan vì muốn trở thành... chính trị viên.

Chi tiết mới nhất liên quan đến sự kiện này là tờ Người Cao Tuổi vừa “tự ý đục bỏ” phóng sự điều tra “Sự thật về công tử Hà thành ra Trường Sa.” (G.Ð)
07-11-2014 5:22:18 PM

No comments:

Post a Comment