Thursday, June 26, 2014

Trung Quốc mua gen quý: Dân thấy được giá là bán



(Tin tức thời sự) - Thương lái Trung Quốc thực hiện hành vi thu mua các loại cây trồng quý hiếm, cây dược liệu với giá cao tại nhiều địa phương trên cả nước.

Theo đó, thương lái Trung Quốc trả giá rất cao cho mỗi sản phẩm thu mua khiến người dân đổ xô đi chặt phá, thu gom bán cho thương lái. Trong khi đó, việc tuyên truyền đến người dân cũng như việc giám sát, quản lý vẫn lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng một số loại cây đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Không tuyên truyền cho người dân
Tại Lạng Sơn, tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua các cây dược liệu như hoàng đằng là thực vật quý hiếm thuộc nhóm IIA, cần phải bảo vệ (theo nghị định 32/2006/NĐ- CP, quy định về quản lý động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm) hay các loại nấm lim, nấm chẹo ... đều có tác dụng chữa bệnh khiến người dân đổ xô đi tìm để bán. Tình trạng đã diễn ra trong thời gian dài khiến các loài cây đều đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tăng – nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Lạng Sơn cho biết, đây là những cây mà Việt Nam không bao giờ thu mua trong khi thương lái Trung Quốc thu mua từ gốc đến rễ sẽ khiến các loài cây rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Nguyễn Ngọc Tăng cho biết, hầu hết các loài cây dược liệu quý hiếm nhà nước đều không quan tâm trong khi chính sách của Trung Quốc, có nhiều tiền, họ thu mua một cách tàn bạo, mua cả gốc, cả rễ.
“Chính sách bảo tồn không có, việc tuyên truyền cho người dân về việc đây là những cây dược liệu quý cũng không có. Cũng không hỗ trợ cho người nông dân trong khi đa số người dân miền núi nghèo vì vậy thấy người Trung Quốc đến mua là bán”, ông Nguyễn Ngọc Tăng nói.
Người dân địa phương hầu như không được tuyên truyền về các loại cây quý hiếm, cây dược liệu
Người dân địa phương hầu như không được tuyên truyền về các loại cây quý hiếm, cây dược liệu
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tăng thông tin, tình trạng người dân tìm những cây dược liệu quý còn diễn ra nhiều tại địa phương.
“Dân mình được giá thì cứ bán, không coi những cây này là gì cả”, ông Nguyễn Ngọc Tăng nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Nghệ An khi người dân tại huyện Kỳ Sơn kéo nhau vào rừng thuộc Khu dữ trữ sinh quyển Tây Nghệ An tìm chặt thân cây kim mao cẩu tích (còn gọi là cây cu li, cây lông khỉ) để bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc. Cây này được xem là vị thuốc chuyên trị đau lưng, gân xương nhức mỏi…
Trao đổi với báo Đất Việt, ông ông Nguyễn Quốc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, cho biết, dựa vào Nghị định 157/2013 của Chính phủ kiểm lâm đã xử lý được việc người dân vào rừng khai thác, chặt phá, thu mua cây cu li.
“Chúng tôi đã tuyên truyền, xử phạt những trường hợp sai phạm trong khi trước đó không thể xử phạt do không có chế tài cụ thể. Theo đó, mức phạt tùy thuộc khối lượng, giá trị”, ông Minh nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Minh, khó khăn trong việc xử phạt người dân vì có trường hợp người dân tận dụng trên rừng, trên rẫy nên không thể xử phạt. Tuy nhiên từ những gùng nhỏ thu gom thường xuyên sẽ khiến khối lượng nhiều hơn.
“Chúng tôi phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền đến người dân để ngăn chặn nạn thu mua lậu và tự ý khai thác cây cu li”, ông Nguyễn Quốc Minh nói.
Các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) thời gian vừa qua cũng “sốt” trước tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom dược liệu chủ yếu lá chua ke - một loại cây chứa dược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất.
Khi thương lái Trung Quốc lên đặt vấn đề thu mua lá cây chua ke, người dân không biết họ thu mua làm gì, chỉ biết rằng thương phẩm thu về được họ thu mua, trả tiền ngay và cho xe đến chở đi, đi đâu và để làm gì chẳng ai quan tâm.
Theo đó, 1 kg lá chua ke khô, thương lái thu mua với giá từ 7.000 – 8.000 đồng, lá tươi có giá khoảng 2.000 đồng. Mỗi ngày, một người vào rừng cũng kiếm được từ 100.000 – 150.000 đồng. Sau hơn 4 tháng “tận diệt”, loài cây này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt.
Lực lượng mỏng
Không những ra sức thu mua những loại cây quý hiếm, cây dược liệu, thương lái Trung Quốc còn thu mua những loại cây khiến người dân phải trạng triệt hạ rừng phòng hộ.
Cụ thể, tình trạng đang diễn ra tại Quảng Ngãi, người dân đổ xô vào rừng phòng hộ ở các huyện Sơn Hà, Tây Trà và Sơn Tây cưa chặt cả cây cổ thụ, thu hoạch quả ươi non bán cho thương lái Trung Quốc. Theo đó, có ít nhất 13 cây ươi cổ thụ hơn 40 năm tuổi ở các khu rừng đầu nguồn của Quảng Ngãi bị triệt hạ.
Chiều 25/6, trao đổi với PV báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Hân, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết, đã xử lý một số trường hợp nhưng chỉ xử lý hành chính những người khai thác, chặt phá còn hái lượm thì dừng lại ở việc khuyên ngăn.
Nhiều cây ươi cổ thụ ở  khu rừng phòng hộ các tỉnh miền Trung bị cưa hạ để thu hoạch quả ươi non bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: VNE
Nhiều cây ươi cổ thụ ở khu rừng phòng hộ các tỉnh miền Trung bị cưa hạ để thu hoạch quả ươi non bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: VNE
Theo ông Nguyễn Văn Hân, hầu hết cây này đều ở các rừng phòng hộ xa dân cư, việc khai thác rộ lên ở từng thời điểm nên đối với những khu vực xâm hại lớn, phải chốt ngày đêm.
Ông Nguyên Văn Hân cho biết, thời gian vừa qua phải làm ngày đêm vì tình trạng chặt phá này diễn ra cả vào ban đêm trong khi lực lượng mỏng khó kiểm soát.
Ông Hân cũng cho biết, người dân tại vùng này có đặc tính cho rằng đây bất kể loài cây nào từ những cây dược liệu, cây quý đến những cây bình thường hay rừng đều là của trời, của núi cho nên ai cũng có quyền chặt phá để mang bán.
“Chúng tôi có văn bản chỉ đạo kết hợp với địa phương để ngăn chặn tình trạng tiếp diễn đồng thời phải vận động tuyên truyền cho người dân hiểu”, ông Hân nói.
Mới đây, UBND Quảng Ninh là một trong số những địa phương đầu tiên đã ra văn bản chính thức nghiêm cấm tất cả các hành vi thu mua, vận chuyển các loại giống cây trồng thuộc danh mục cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu, bao gồm cả cây trồng đặc sản, cây chủ lực của Quảng Ninh đang xây dựng thương hiệu.
GSVS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam ủng hộ cách làm của tỉnh Quảng Ninh, theo đó GSVS Trần Đình Long cũng cho rằng, đây không chỉ là việc các địa phương phải làm một cách nghiêm khắc mà các bộ ban ngành cũng phải vào cuộc, dứt khoát xử lý những đối tượng vi phạm và đặt ra những điều kiện, ràng buộc khắt khe hơn cũng như sự giám sát chặt chẽ hơn.
Tâm An

No comments:

Post a Comment