Monday, May 19, 2014

Trung Quốc và giàn khoan HD981: Một bước tiến mới để chiếm trọn Biển Đông

TN-Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai trong số các khu vực thường xuyên xảy ra căng thẳng ở Biển Đông do hành vi trái phép của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), không giống như các bộ phận khác của Biển Đông, hai khu vực này lại không có trữ lượng lớn về tài nguyên dầu khí. Vậy vì sao Trung Quốc lại “cố sống, cố chết” đưa giàn khoan HD 981 đến khu vực ít tiềm năng dầu khí này?
Theo ước tính, Biển Đông có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối (7 nghìn tỷ m3) khí đốt tự nhiên. Con số này tương đương với trữ lượng dầu của Mexico và bằng 2/3 trữ lượng khí đốt của Châu Âu, không kể Nga. 

 
Trung Quốc và âm mưu độc chiếm Biển Đông...?























Tuy nhiên, theo EIA, không giống như các bộ phận khác của Biển Đông, hai khu vực Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa lại không có trữ lượng lớn về tài nguyên dầu khí. Nguồn tin cho thấy hầu như không có dầu và chưa đầy 100 tỷ feet khối (4 tỷ m3) khí đốt tự nhiên ở các khu vực gần quần đảo Trường Sa. Thậm chí, quần đảo Hoàng Sa chỉ có một ít khi đốt tự nhiên và hoàn toàn không có dầu mỏ.
Vậy nếu dự báo của EIA là chính xác, người ta tự hỏi vì sao Trung Quốc lại “cố sống, cố chết” đưa giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) đến khu vực ít tiềm năng dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa và nằm trên thềm lục địa Việt Nam, bất chấp chi phí vận hành, bảo vệ vô cùng tốn kém cũng như vấp phải phản ứng dữ dội của Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế?

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, ý đồ đầu tiên của Trung Quốc trong vụ đưa giàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam là để “phản ứng lại với chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama”, đồng thời thăm dò thái độ cụ thể của ASEAN và thái độ của Việt Nam… trong lúc tình hình thế giới đang có rất nhiều xáo trộn và biến động.
Ý đồ thứ hai của Trung Quốc là một bước tiến mới trong quá trình hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Theo phân tích của Tiến sỹ Trần Công Trục – Nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ, đây là một cái bẫy mà Trung Quốc muốn giăng ra để họ đạt được yêu sách lớn nhất mà họ không bao giờ từ bỏ đó là đường biên giới chữ U (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Trung Quốc ngang ngược tuyên bố việc hạ đặt HD-981 là “hợp pháp” vì họ lấy đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa làm cơ sở để tính ra các vùng biển mà họ nói là “thuộc vùng đặc quyền kinh tế” của quần đảo này.

Đây có lẽ là bước thăm dò đầu tiên trong mưu đồ “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc. Nếu bước đầu tiên này không bị ngăn chặn, một ngày nào đó Trung Quốc sẽ ngang nhiên tiến hành khoan thăm dò và khai thác (với sự tháp tùng của tàu chiến) ở những khu vực không có tranh chấp và gần bờ của các nước ven Biển Đông, với mưu đồ thay đổi hiện trạng “ biến không có tranh chấp thành tranh chấp và biến cái của người khác thành cái của mình”.

Thứ hai, 19/5/2014 16:36 GMT+7

Vũ Tiến

No comments:

Post a Comment