Monday, May 19, 2014

Sự ngạo mạn của Trung Quốc và một mưu đồ nguy hiểm

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam

(Soha.vn) - Nói như Trung Quốc thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể đòi sở hữu luôn Ai Cập hay người Nga có thể tuyên bố cả khu vực Trung Á phải thuộc về mình.
 
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) mới đây đã đăng tải bài phân tích của nhà báo, nhà bình luận Philip Bowring chỉ trích thái độ hung hăng và bành trướng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng tại biển Đông. Thậm chí, theo ông Bowring, cách hành xử này mang hơi hướng chủ nghĩa bá quyền Đại Hán.
Dưới đây là tóm lược bài viết của ông Philip Bowring trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng:
Cách hành xử hiện nay của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông bị đánh giá là hung hăng, kiêu ngạo và mang hơi hướng chủ nghĩa bá quyền Đại Hán. Khác hoàn toàn biểu hiện của niềm tự tôn dân tộc, nó thậm chí còn làm xấu đi hình ảnh về lòng yêu nước. Người dân Hong Kong nên sớm nhận ra bản chất thật sự của nó: một mưu đồ nguy hiểm.
Không chỉ nhăm nhe bành trướng sang Việt Nam và Philippines, Bắc Kinh còn khiến Indonesia phải thay đổi lập trường từ vị thế hòa giải trung lập giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ở Biển Đông sang vị thế đối lập. Vài tháng trở lại đây, Indonesia đã hai lần cáo buộc Trung Quốc ra yêu sách đòi chủ quyền đối với một phần quần đảo Natuna của Indonesia. Vậy là quá nhiều cho cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc khi đi gây sự với những người hàng xóm có tổng cộng hơn 400 triệu dân mà Trung Quốc cho là yếu kém.

Tất cả những tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc được gói gọn trong "đường lưỡi bò" kéo dài hơn 1.000 hải lý từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam tới gần Borneo, hòn đảo chung của Malaysia, Indonesia và Brunei, và gần như ôm trọn vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Đường lưỡi bò này chiếm tới hơn 90% diện tích khu vực biển, mặc dù Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) chỉ có 20% đường bờ biển.

Mọi lập luận của Trung Quốc đều vin vào những tuyên bố chủ quyền trong lịch sử có lợi cho mình mà phớt lờ sự tồn tại của các dân tộc khác, phớt lờ hải sử và hoạt động giao thương của những quốc gia này từ 2.000 năm trước, trước khi người Trung Quốc bắt đầu khám phá vùng biển phía nam và xa hơn nữa. Indonesia từng đến châu Phi và biến Madagascar thành thuộc địa trước thời đại của nhà thám hiểm nổi tiếng Trung Quốc, Trịnh Hòa, hơn 500 năm. Ở chiều ngược lại, các dân tộc Đông Nam Á chủ yếu chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và thế giới Hồi giáo hơn là từ Trung Quốc.
Trong vụ việc hiện tại với Việt Nam, xuất phát từ hành động Trung Quốc đặt một giàn khoan (trái phép - PV) trong vùng biển phía đông của Đà Nẵng, Trung Quốc viện lý do đang sở hữu quần đảo Hoàng Sa gần vị trí giàn khoan hơn Việt Nam. Nhưng quần đảo này (của Việt Nam - PV) đã bị Trung Quốc đã vô cớ tấn công chiếm đóng vào năm 1974. Trung Quốc không có lý lẽ gì để tuyên bố chủ quyền ở đây.
Dù sao thì vẫn có cơ hội để giải quyết vấn đề hiện nay. Một số quốc gia khác trong khu vực - Indonesia, Singapore, Malaysia - cũng từng mang vấn đề chủ quyền biển đảo ra Tòa án công lý quốc tế và tuân thủ phán quyết của Tòa. Nhưng Trung Quốc lại không muốn đưa ra trọng tài phân xử.
Đối với trường hợp bãi cạn ngoài khơi Philippines, Trung Quốc vin vào những dữ liệu lịch sử không được kiểm chứng và lập luận rằng mình đưa ra tuyên bố chủ quyền trước, một kiểu lý lẽ nghèo nàn trong bối cảnh Trung Quốc không hiện diện liên tục ở đó còn Philippines lại được thừa hưởng một hiệp ước giữa hai cường quốc thực dân phương Tây từ xa xưa.
Thực tế là những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc viện dẫn từ thời Quốc Dân Đảng đều chẳng có tính liên quan hay ý nghĩa gì. Nó cũng vô lý như lập luận rằng thời xưa, nhiều quốc gia có thể từng phải cống nạp cho Bắc Kinh. Đối với những quốc gia này, vật triều công không khác gì tiền thuế, một loại chi phí phát sinh khi làm ăn với Trung Quốc chứ không có bất kỳ ngụ ý nào về chủ quyền.
Và nếu thi thoảng Trung Quốc có hành xử như thể ta đây là một đế quốc trong khu vực – một hành động gây nhiều mối quan ngại, thì đó cũng không phải là căn cứ để khẳng định quyền thống trị ở vùng biển mà người dân chủ yếu nói tiếng Mã Lai. Nếu không, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đòi sở hữu luôn Ai Cập hay người Nga có thể tuyên bố cả khu vực Trung Á phải thuộc về mình.
Một Trung Quốc đang hồi sinh muốn phô trương sức mạnh và cho thấy ai là ông chủ trong khu vực và muốn nhắc nhở người Mỹ về điểm yếu của mình. Nhưng họ lại miễn cưỡng khi phải đối xử bình đẳng với hàng xóm láng giềng, những người có lịch sử và văn hóa riêng chưa bao giờ chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Trung Quốc có cả một lịch sử tự cho mình là giỏi giang hơn người. Niềm tin vào thuyết ưu sinh và sự cần thiết phải bảo vệ và củng cố đặc tính di truyền từ triều đại nhà Hán vẫn còn rất mạnh mẽ dưới thời Trung Hoa dân quốc. Nó đã bị phương Tây bác bỏ và chỉ trích dưới thời Mao Trạch Đông. Nhưng giờ thì nó lại đang tìm đường trở về đại lục, nơi mà nhiều học giả cảm thấy khó chấp nhận rằng lịch sử loài người hiện đại bắt nguồn từ châu Phi và Trung Quốc vì thế không phải là một cội nguồn riêng và duy nhất của nhân loại.
Hùng Anh - theo Trí Thức Trẻ | 19/05/2014 20:42

No comments:

Post a Comment