Theo một ký sự của hãng tin Bloomberg, thủy thủ đoàn của hai tàu cảnh sát biển Việt Nam số hiệu CSB 8003 và CSB 2007 bắt tay, chụp hình kỷ niệm với thủy thủ đoàn hai tàu hải giám Trung Quốc khi hai bên cùng tuần tra chung theo sự thỏa thuận về tuần tra chung biên giới trên biển ở trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) xịt vòi rồng tàu cảnh sát biển Việt Nam trên khu vực tranh chấp trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. (Hình: AP Photo/Vietnam Coast Guard)
Hai bên trao đổi các khay trái cây và cùng nâng ly rượu chúc mừng tình hữu nghị. Bây giờ họ đang ở hai phía đối diện nhau vì cái giàn khoan HD981. Một trong hai tàu hải giám đó được nhận ra khi cùng các tàu hải giám và hải cảnh khác phối hợp với các tàu khác ngăn chặn các tàu của Việt Nam trong đó có tàu CSB 8003 muốn tiến về phía giàn khoan để đòi hỏi phải ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Cả hai bên đều vui vẻ và đoàn kết,” Trung Tá Phan Duy Cường, tư lệnh phó Lực Lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, kể lại chuyện đã diễn ra ngày 15 Tháng Tư, và kéo dài suốt ba ngày trên Vịnh Bắc Bộ. “Chúng tôi nâng ly rượu chúc mừng nhau. Họ lên tàu chúng tôi, chúng tôi lên tàu họ.”
Giàn khoan HD981 được đặt tại tọa độ chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam 200 hải lý theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên ký cam kết công nhận.
Những tranh cãi về vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1974 phản ảnh sự lạnh nhạt giữa hai nước Cộng Sản anh em từng có những cố gắng xáp lại gần nhau hơn nữa những năm gần đây. Cả hai từng có những dấu hiệu, qua những cam kết bằng cả văn kiện đối tác chiến lược, trở thành đối tác tiềm năng mọi mặt hầu gia tăng ảnh hưởng chung ở khu vực.
“Chúng tôi đã hợp tác với nhau chỉ ít ngày trước mà bây giờ có một lằn ranh ngăn cách nhau,” ông Cường nói với ký giả trên tàu CSB 8003. Tàu này có thủy thủ đoàn 50 người, ở phía sau có cái chuồng nuôi 100 con gà làm thực phẩm tươi sống. “Tôi rất buồn,” ông nói. Cả hai tàu tuần tra chung đã từng kiểm tra các tàu đánh cá của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Phan Duy Cường được lệnh đi theo tàu CSB 8003 từ ngày 5 Tháng Năm, rời cảng Hải Phòng để tuần tiễu vùng biển phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Trong ba ngày, tàu của ông bị một số tàu hải giám Trung Quốc đuổi chạy năm lần khi tàu của ông định vượt qua vòng đai bảo vệ của lực lượng tàu Trung Quốc, tiến tới giàn khoan HD981.
Tàu Trung Quốc đến gần tàu của ông, lúc gần nhất chỉ khoảng 400 mét, hú còi thật lớn và ra lệnh phải đi khỏi. Theo ông cho biết, một số tàu khác của Việt Nam đã bị đâm hư hại và bị xịt vòi rồng khi muốn vượt qua. Ông cho biết cả hai bên đều dùng vòi rồng.
Theo ý kiến của ông Tan See Seng, một giáo sư tại trường đại học S. Rajatatnam Scholl of International Studies ở Singapore, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội xấu đi chính yếu không phải vì Bắc Kinh lựa chọn đấu đá với Việt Nam, nhiều phần là Bắc Kinh muốn cảnh cáo Hoa Kỳ đừng lấn ảnh hưởng sâu vào khu vực.
Theo ông dự đoán, cách cư xử bất bình thường của Trung Quốc là lo ngại Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sẽ ngăn cản đường hải hành thương mại chiến lược của họ xuyên qua Biển Ðông.
Trung Quốc và Việt Nam đã có cuộc xung đột biên giới năm 1979 sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc VNCH năm 1974, làm thiệt mạng 74 binh sĩ miền Nam Việt Nam. Sau đó, lại chiếm một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa năm 1988, làm thiệt mạng 64 lính Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma mà Trung Quốc đang có dấu hiệu biến thành một căn cứ quân sự quan trọng nổi trên biển. Một số nguồn tin đặt nghi vấn Bắc Kinh có ý định xây phi trường quân sự tại đây.
Hồi tuần trước, theo lời ông Cường, radar của tàu CSB 8003 thấy có tới 60 tàu Trung Quốc trong khi phía Việt Nam chỉ có sáu tàu. Tàu của ông tiến gần đến khu vực cách giàn khoan khoảng 3 hải lý thì phải quay ngược trở ra và sau đó không còn dịp nào tới gần hơn.
“Lần đó, chúng tôi thấy tất cả những tàu đó đều bật đèn sáng choang,” ông Bùi Sơn, sĩ quan phụ trách súng đại bác của tàu, kể lại. “Ðèn nhiều như của một thành phố. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên tại sao lại có một số lượng tàu nhiều đến như thế trên vùng biển Việt Nam. Chúng tôi bị sốc.”
Trong khi ông Sơn nói, nhìn sang phía giàn khoan HD981 từ xa, người ta thấy nó như một tòa nhà vĩ đại với các tầng nổi có nhiều cần cẩu. Ban đêm, nó sáng choang và có thể nhìn từ khoảng cách xa đến 12 hải lý.
Tàu CSB 8003 từng nhìn thấy hai chiến hạm Trung Quốc trang bị hỏa tiễn chạy lòng vòng trong khu vực, trong khi máy bay Trung Quốc bay thấp trên đầu. Báo chí Việt Nam cho hay còn có cả tàu ngầm Trung Quốc được nhìn thấy ở khu vực. (TN)
5-18-2014 7:43:24 PM
No comments:
Post a Comment