Tuesday, April 15, 2014

Vụ 5 công an nhục hình chết nghi can: “Án bỏ túi” bẻ cong pháp luật

VIẾT CƯỜNG  15/04/14 06:02
(GDVN) - Nói như lời một luật sư ở TP.HCM: "Nội dung trả lời của ông Chánh án tòa Tuy Hòa đã khái quát toàn bộ thực trạng của ngành tòa án hiện nay”.
Liên quan đến vụ 5 công an dùng nhục hình tại Phú Yên, trả lời báo chí trong nước sau bản án “nhẹ hều” của Tòa dành cho 5 bị cáo, ông Lương Quang - Chánh án TAND Tuy Hòa đã thừa nhận “Tòa đã phải chịu rất nhiều áp lực”, khó thẳng tay trừng trị 5 người nguyên là công an Tuy Hòa.
Xung quanh câu chuyện làm thế nào để tòa án luôn giữ được vai trò là cán cân công lý, PV Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
PV: Dưới góc nhìn của một Luật sư, ông đánh giá thế nào về lời phát biểu của ông Chánh án Tòa án Tuy Hòa?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Tôi thấy buồn khi ông Chánh án Tuy Hòa lại so sánh pháp luật, công cụ điều hành quản lý của một Nhà nước với áp lực của một hay một vài cá nhân nào đó. Đặc biệt áp lực, chỉ đạo của một ai đó nặng tới mức ông và Hội đồng xét xử không thể độc lập và không thể tuân theo pháp luật được.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Tuy nhiên nếu bình tĩnh xem xét thì thấy Ông Chánh án nói có phần hợp lý, TAND TP Tuy Hòa đã lựa chọn giải pháp an toàn. Giả sử bản án được tuyên với Tội danh khác hoặc khung hình phạt khác nặng hơn so với bản án sơ thẩm vừa rồi, liệu ông Quang và thẩm phán chủ tọa có cảm thấy an toàn, cảm thấy nhẹ nhõm hơn không? Đây là điều đáng phải suy nghĩ.
Nội dung trả lời báo chí của ông Lương Quang thì không phải là điều lạ lẫm với những người tiến hành tố tụng cũng như với giới Luật sư vì nó đã tồn tại lâu rồi, không phải dễ gì thay đổi được ngay được, nhưng cách ông chia sẻ với cơ quan báo chí khiến không ít người giật mình vì cảm thấy bị “điểm danh”, bởi như lời một luật sư của TPHCM nói: “Nội dung trả lời của ông Chánh án đã khái quát toàn bộ thực trạng của ngành tòa án hiện nay”.
Dư luận nghe đã quen với thuật ngữ “án bỏ túi”, nhưng nếu phân tích mổ xẻ từng trường hợp cụ thể sẽ thấy dù bỏ túi, họp ba ngành hay chỉ đạo thì cũng phải đảm bảo xác định sự thật ở một mức độ nhất định. Chứ “bỏ túi” kiểu bẻ cong pháp luật, chà đạp sự thật khách quan thì đâu còn luật pháp, đâu còn công lý?
Thưa ông, pháp luật trao quyền thế nào cho Hội đồng xét xử ?
Trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND thì nguyên tắc độc lập luôn được đặt lên hàng đầu. Nguyên tắc này là nguyên tắc Hiến
Vụ 5 công an dùng nhục hình tại Phú Yên, dư luận và người thân của nạn nhân bức xúc cho rằng Tòa TP. Tuy Hòa đã xử “thiên vị” đối với 5 bị cáo nguyên là công an. Sau khi xem xét, mới đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch nước kết quả.
định, được cụ thể hóa trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành Tòa án. Cụ thể Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm".
Bộ luật tố tụng hình sự cũng khẳng định: “Khi xét xử thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ”. Tuy nhiên, để xác định được thế nào là “hành vi cản trở” hay “can thiệp” là điều không hề dễ nếu người “bị cản trở” không nói ra.
Còn việc chỉ đạo của cấp trên thì theo tôi, pháp luật hiện hành không hạn chế việc chỉ đạo này, có điều, cần phải hiểu rằng, việc chỉ đạo không phải là duyệt án, duyệt khung, khoản mà là hướng dẫn áp dụng pháp luật cho đúng.
Không có chuyện chỉ đạo xử trái hoặc không có căn cứ pháp luật. Mà ngay cả chỉ đạo trái đi nữa thì quyền quyết định cuối cùng là thuộc về Hội đồng xét xử. Nếu ra bản án, quyết định sai, Hội đồng xét xử mà cụ thể là Thẩm phán chủ tọa phải tự chịu trách nhiệm về phán quyết của mình thôi.
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành hớn hở tại phiên sơ thẩm ngày 10/3. Ảnh NLĐ
Theo ông, sự khác nhau giữa nghề Thẩm phán và nghề Luật sư là như thế nào ?
Nghề thẩm phán là nghề cao quý, được xã hội kính nể bởi kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, lòng dũng cảm, sự vô tư tạo nên nghề Thẩm phán. Về cơ bản, nghề Luật sư cũng phải đảm bảo những phẩm chất như vậy, tuy nhiên có một sự khác biệt rõ nét đó là ở nghề Thẩm phán các Quyết định, bản án do Thẩm phán (HĐXX) ban hành mang tính “quyền lực Nhà nước” và có giá trị bắt buộc thi hành bởi lẽ chúng được bắt đầu bằng: “Nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”
Như nhiều người đã biết, hình tượng người đàn bà bịt kín hai mắt, tay trái cầm cán cân, tay phải nắm thanh kiếm đã là biểu tượng biểu tượng lâu đời nhất của nền tư pháp Thế giới. Biểu tượng có ý nghĩa Tòa án xét xử chỉ tuân theo pháp luật, không cần nhìn đến bất kỳ thế lực nào khác ngoài pháp luật.
Còn chiếc cân tượng trưng cho công việc của các thẩm phán trong quá trình xét xử để thẩm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ, tuyên một bản án khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Thanh kiếm tượng trưng cho quyền lực, khẳng định công lý sẽ được thực thi, đó là để xác định sự thật và trừng phạt.
Theo Luật sư, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của Thẩm phán trong công tác xét xử, đơn cử như trong vụ án công an dung nhục hình?
Trở lại vụ án do TAND TP Tuy Hòa vừa xét sử sơ thẩm, tôi cho rằng đây chỉ là một tình huống cụ thể trong hàng ngàn, thậm chí nhiều hơn nữa trong những vụ án có oan sai, lọt người, lọt tội. Cho nên, đây là thời cơ tốt để Nghị quyết TW 49 của Bộ Chính trị phát huy tác dụng của một phác đồ điều trị hiệu quả cho những căn bệnh, những bất cập còn đang tồn tại ở ngành Tòa nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung. Muốn làm được những công việc cụ thể này thì theo tôi, cần có một số những thay đổi cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Sửa đổi lại cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán theo mô hình của một số nước phương Tây là bổ nhiệm suốt đời.
Thứ hai: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao trình độ, vai trò của Hội thẩm nhân dân.
Thứ ba: Hiện thực hóa nhanh chóng đề án thành lập Tòa án khu vực.
Thứ tư: Cần tuyên truyền, giáo dục cho cả hệ thống chính trị, toàn dân về trách nhiệm, sứ mệnh của Việt Nam khi tham gia các tổ chức của Liên hợp quốc về quyền con người.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Hiện nay, toàn hệ thống chính trị nước ta đang tập trung ưu tiên xây dựng các Luật về quyền con người, quyền công dân cho phù hợp với Hiến pháp sửa đổi. Trong bối cảnh Việt Nam vừa trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và thành viên của Công ước LHQ về chống tra tấn, thì các cơ quan tố tụng của tỉnh Phú Yên và Đảng bộ tỉnh cần phải cân nhắc và quyết định sáng suốt. Không cơ quan, tổ chức hay địa phương nào muốn biến mình thành con thuyền lạc lõng trong “công cuộc cải cách tư pháp” của nước nhà, hay góp phần làm chậm lại xu thế phát triển của một xã hội văn minh và nhân bản. Theo tôi hiểu, đó cũng chính thông điệp chỉ đạo của Chủ tich nước Trương Tấn Sang, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách tư pháp gửi tới người đứng đầu các cơ quan tố tụng ở Trung ương.  (Luật sư Nguyễn Phú Thắng)

No comments:

Post a Comment