SÀI GÒN (NV) - Sau các loại cà phê “đèn mờ,” cà phê “võng,” cà phê “ôm,” cà phê “vỉa hè,” Sài Gòn đang nở rộ loại cà phê “bệt,” rang, xay cà phê hạt tại chỗ để pha “phin” bán cho khách.
Quán cà phê “bệt” tại Sài Gòn đang phát triển nhanh như phong trào. (Hình: Vietnam Net)
Người ta gọi là cà phê “bệt” vì chủ quán trưng bày loại bàn ghế thấp, sát mặt đất, khiến khách hàng phải ngồi với tư thế không khác “ngồi bệt” trên sàn nhà. Bất ngờ, các quán cà phê “bệt” đông khách không kém quán Starbucks Coffee những ngày đầu mới mở cửa tại Sài Gòn.
Theo báo Zing, quán cà phê “bệt” thu hút khách bình dân nhờ giá rẻ, chỉ vào khoảng từ 10,000 đến 15,000 đồng, tương đương 50 cent đến 75 cent một ly. Dù rẻ, khách hàng tại đây cảm thấy “vững bụng” vì tin chắc rằng cà phê “uống vào bụng” không trộn bột bắp, đậu nành rang, hạt cau, cũng như các loại hoá chất tạo mùi, tạo màu độc hại.
Theo một số khách hàng, tách cà phê mang lại sự hài lòng của khách hàng kiểu cà phê “bệt” được bán tại các quán cà phê “hạng sang” có thể lên tới 35,000 đồng, tức gần 2 đô la. Thời gian vừa qua, nhiều bài ký sự và bản tin trong nước mô tả các loại “cà phê dỏm” được chế biến từ bột bắp rang cháy trộn với hóa chất tạo mùi vị. Chúng được phân phối bán sỉ và lẻ trên rất nhiều tỉnh.
Một nhân viên văn phòng ở quận 1 nói rằng, hầu hết nhân viên công ty ông thường tụ tập tại cà phê “bệt” để nghỉ trưa, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa làm vài ván cờ. Ông này cho rằng cách thức phục vụ và phẩm chất cốc cà phê ở quán “bệt” đáng được tin cậy, so với nhiều quán nước vỉa hè hiện nay. Điều quan trọng hơn nữa, theo giới sinh viên, quán cà phê “bệt” cung cấp wifi miễn phí giúp họ truy cập internet, lướt web… bắt chước Starbucks Coffee nên họ không cần vào Starbucks Coffee.
Có người cho rằng, thật ra hình thức kinh doanh của cà phê “bệt” chỉ khác cà phê vỉa hè ở chỗ người ta xay và dùng bột cà phê xay tại chỗ cho vào “phin” ngay trước mặt khách. Hơn thế nữa, người khách còn có thể mua bột cà phê xay sẵn mang về nhà.
Chủ một quán cà phê “bệt” ở đường Nguyễn Trường Tộ, quận 4 cho hay, khách hàng ở Việt Nam hiện nay thưởng thức mùi vị cà phê khá sành, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quán với nhau. Bà này nói rằng, ly cà phê “dởm” sẽ đẩy khách sang quán khác ngay lập tức.
Bà nói: “Quán cà phê rang xay mọc rất nhiều, nên phải cạnh tranh từng chút một.” Rõ ràng đây là lợi ích chính đáng của người tiêu thụ trong thời buổi kinh tế thị trường. (PL)
No comments:
Post a Comment