Tuesday, April 15, 2014

Công nghệ Việt ngắc ngoải vì Trung Quốc

04-14-2014 2:59:03 PM
HÀ NỘI 14-4 (NV) - Tuy có hàng loạt qui định để hỗ trợ phát triển công nghiệp nội địa nhằm tạo thêm việc làm và nguồn thu cho công qũy nhưng công nghiệp Việt Nam vẫn chết dần, chết mòn vì… Trung Quốc. 


Bên trong một nhà máy cơ khí ở Việt Nam. Ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói riêng bị các nhà thầu Trung Quốc bóp chết ngay trên lãnh thổ Việt Nam. (Hình: Vinacomin)

Bộ Công thương Việt Nam vừa tổ chức tổng kết mười năm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam”. Theo đó, ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung đang đi đến chỗ lụn bại.

Nếu năm 2006, Việt Nam phải chi 8.7 tỉ Mỹ kim để nhập khẩu thiết bị cơ khí thì đến năm 2013, con số này tăng lên gấp ba (24,8 tỉ Mỹ kim). Điều đó cho thấy, không những không phát triển, ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung chỉ lùi chứ không tiến.

Bộ Công Thương Việt Nam thú nhận, cho đến năm 2012, sản phẩm của ngành cơ khí Việt Nam chỉ đáp ứng được chừng 32,5% nhu cầu. Tại sao ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam lụn bại? Các chuyên gia bảo rằng vì doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu nhiều quá.

Từng có một thống kê cho biết, 90% các “dự án trọng điểm” tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc nhưng tại sao doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu nhiều quá lại làm ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam lụn bại?

Các chuyên gia trả lời vì khi những dự án trọng điểm rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, họ vận chuyển tất cả mọi thứ nguyên liệu, phụ liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam để thi công. Kể cả ốc, vít.

Cũng vì vậy, hết ngàn tỉ đồng này đến ngàn tỉ đồng khác mà công qũy đã chi cho các “dự án trọng điểm” không có chỗ cho các doanh nghiệp cơ khí, các cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam bán hàng. Không bán được hàng thì thua lỗ, hoạt động thoi thóp, công nhân không có việc làm.  

Nhà cầm quyền CSVN từng ban hành nhiều qui định, yêu cầu các nhà thầu đảm nhận các công trình, dự án thực hiện bằng công qũy của Việt Nam phải ưu tiên sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam chế tạo. Ưu tiên này được diễn đạt một cách vắn tắt là “tăng tỷ lệ nội địa hóa”. Trên thực tế, khi các nhà thầu là doanh nghiệp Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa thường ở mức 0% nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn im lặng.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí, kể rằng, hồi cuối thập niên 1980, khi Dự án Mở rộng công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được giao cho một nhà thầu Nhật đảm trách, nhà thầu Nhật đã giao cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện gần như toàn bộ kết cấu thép cho công trình này.

Còn bây giờ, khi các nhà thầu Trung Quốc đang đảm nhận 15/20 dự án phát triển nhiệt điện tại Việt Nam thì sao? Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trong 15 công trình nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận “gần như bằng 0%”.

Các doanh nghiệp cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam có đủ khả năng cung cấp sản phẩm cho những dự án phát triển nhiệt điện hay không? Ông Sáng khẳng định là có. Tại những công trình phát triển nhiệt điện do nhà thầu Việt Nam thực hiện, tỷ lệ nội địa hóa là 30% nhưng nhà thầu Việt Nam chỉ được nhận 2 trong số 20 dự án.

Cũng vì vậy, ông Sáng khẳng định: Vấn đề là cơ chế chứ không phải khả năng. Tình trạng phần lớn “dự án trọng điểm” được giao cho các nhà thầu Trung Quốc và buông tay, để các nhà thầu Trung Quốc đưa vào Việt Nam cả ốc, vít đẩy ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam vào tử địa.

Hệ quả này được ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, cảnh báo là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Hồi tháng 6 năm ngoái, ông Thành than rằng, Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment