Wednesday, April 30, 2014

"Sập bẫy" bởi những chiêu lừa đảo muôn hình vạn trạng

SMO-Trước đây, đạo chích làm việc bằng cách trèo tường, phá khóa, lợi dụng sơ hở của người dân để trộm đồ. Thế nhưng, ngày nay, trộm cắp ngày càng tinh vi hơn với những “quái chiêu” lừa đảo khiến những ai dù đã rất cảnh giác cũng dễ bị “sập bẫy” bởi khi thì chúng dùng tình cảm đánh vào tâm lý người bị hại, lưc lại giấu mặt lừa đảo qua mạng.

Ngày 20/3/2014, cô gái cho một nam thanh niên đi nhờ xe thì bị chính người này cướp xe Attila - Ảnh: Ngôi sao
“Rước họa vào thân” khi giúp đỡ người già, trẻ nhỏ

 Chỉ vì thương hai đứa nhỏ (một đứa khoảng 7,8 tuổi bồng đứa em mới 1,2 tuổi) mà chị Minh đã cho chúng đi nhờ một đoạn và bị mất xe. Sau khi chở được 2 đứa bé đi khoảng 300m thì chị bị một người đàn ông và một người đàn bà chạy lên chặn đầu xe, kêu chị cướp xe và bắt cóc 2 đứa trẻ. Lợi dụng lúc mọi người đứng xem, lộn xộn người đàn ông leo lên xe rồi phóng xe của chị đi mất.

Tương tự, một cô gái thấy bà cụ bị ngã vật xuống đường đã có lòng tốt dừng xe lại xuống đỡ bà cụ. Nhưng cuối cùng lại bị một nhóm la lên nói “hôi của” của bà cụ rồi lao vào đánh hội đồng khiến cô bị ngã rồi bị kẻ gian giật mất chìa khóa xe và cướp xe.


Giả danh người quen, cán bộ


Chiều 3/3/2014, tại Hà Nội, một cô bé tên Nhi đã bị lừa mất chiếc xe đạp điện vì bị kẻ gian lừa đảo một cách tinh vi. Những kẻ lừa đảo này đã tìm hiểu tên, số điện thoại của cha mẹ cô bé rồi xưngkj là bạn bè cha mẹ của Nhi, hòng lấy lòng tin, sau đó lừa mượn xe của cô bé rồi “chạy mất tiêu”.

Ngoài ra, đánh vào tâm lý phun thuốc xịt muỗi của người dân, những kẻ lừa đảo còn ăn mặc lịch sự, xách cặp giả danh làm cán bộ phường đến từng hộ gia đình lừa đảo về việc đóng phí phun thuốc muỗi cho gia đình với mức giá từ 200.000-500.000 đồng/hộ. Thường đối tượng của chúng là những nhà có trẻ nhỏ hoặc người già ở nhà để dễ dụ dỗ.

Lừa đảo qua Facebook


Giả danh diễn viên Diễm Hương lập Facebook lừa tiền người hâm mộ

Facebook đang là mạng xã hội được đông đảo người dân ưa thích. Tuy nhiên, nhiều kẻ gian cũng đã lợi dụng trang mạng này để lừa đảo người dân. Ngày 26/3/2014, một người dùng Facebook đã giả danh diễn viên Diễm Hương để mượn tiền khiến nhiều người hâm mộ bị “vào tròng”. Thủ đoạn của kẻ gian là lập nick tên của người nổi tiếng rồi luôn cập nhật thông tin về gia đình và cuộc sống. Sau đó chúng giả vờ tung tin tạo những tình hướng éo le khiến người hâm mộ, bạn bè bị “sập bẫy”.

Trong khi đó, cũng không ít bà mẹ đã bị lừa đảo qua mạng khi bị dụ dỗ mua các sản phẩm dinh dưỡng và thuốc bổ tốt cho sức khoẻ của con. Lợi dụng tâm lý cha nẹ hay dồn mọi quan tâm cho con cái, nhiều kẻ lừa đảo đã lập nhiều nick trên Facebook để bán loại thuốc giúp con ăn tốt, lớn nhanhnhưng thực chất đây có thể là thuốc gây nguy hiểm tới sức khỏe của con trẻ. Nhiều phụ huynh vì thiếu hiểu biết đã bị mắc lừa.

Chiêu lừa đảo không ngờ tới

Nhiều người vẫn lưu trong danh bạ tên “vợ” hoặc “chồng” khiến khi bị mất điện thoại, kẻ gian lập tức gửi tin nhắn cho “chồng” hoặc “vợ” để hỏi mật khẩu thẻ tín dụng, ATM. Nhiều người vì không nghi ngờ gì nên đã nhắn tin trả lời ngay và khiến số tiền trong tài khoản “không cánh mà bay”. Hay trước đó, vào ngày 2/1/2014, một facebooker đã "đau đớn" kể lại câu chuyện mất xe SH để ngay trong nhà cho cộng đồng biết mà đề phòng. Mai phục thấy nhà chỉ còn người già, bọn trộm đã rải tiền lẻ từ nhà cho tới tận ngoài đường để đánh lạc hướng rồi đột nhập vào nhà chưa đầy 1 phút đã trộm được chiếc xe SH.


Giả bắt cóc, tống tiền thật

 
Trong khi đó, khoảng vào những ngày đầu tháng 3 vừa qua, tại Hà Nội xuất hiện nhiều vụ đối tượng lừa đảo dùng điện thoại đầu số ở nước ngoài gọi điện về Việt Nam báo người thân bị bắt cóc, còn giả giọng người thân của họ kêu cứu khi bị đánh đập. Sau đó, chúng đòi tiền chuộc nhưng khi chuyển tiền thì người dân mới biết mình đã bị lừa. Qua những vụ án như trên thì công an thành phố Hà Nội khuyến cáo đến những người dân nhận các cuộc điện thoại do các đối tượng lạ gọi điện đến thông báo và yêu cầu phải nộp tiền để chuộc người thân thì cần phải bình tĩnh trì hoãn thời gian trò chuyện rồi tìm cách thông báo cho người thân của mình biết để xác minh.

Ngoài ra, vài tháng trước, Hà Nội cũng rộ lên việc người đi đường vì nhiệt tình chỉ đường hoặc giúp đỡ hai người phụ nữ trẻ đeo bịt mặt mà bị vẩy thuốc mê, mất hết cả điện thoại và tư trang. Là một "nạn nhân hụt" trong hoàn cảnh ấy, chị Trang thở phào khi kiên quyết không dừng xe để giúp hai cô gái trẻ bịt mặt đeo bám chị cả một đoạn đường dài để nhờ chị hướng dẫn cách sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, với những chiêu lừa đảo khiến thật giả lẫn lộn này, cũng phần nào khiến cho lòng trắc ẩn, sự giúp đỡ những hoạn nạn ngoài đường ngày càng hiếm đi những tấm lòng tốt.
 30/04/2014 - 08:59

No comments:

Post a Comment