Wednesday, April 30, 2014

Huỳnh Thục Vy : 'Xã hội dân sự đáp ứng khát vọng dân chủ'

LTS: Khoảng hai năm trở lại đây, người ta thấy có một số hội đoàn dân sự độc lập xuất hiện tại Việt Nam. Họ không nằm trong hệ thống Hội đoàn do nhà nước CSVN thành lập phục vụ nhu cầu chính trị và tuyên truyền của nhà cầm quyền qua cái dù “Mặt Trận Tổ Quốc”.

Một số hội đoàn độc lập nổi bật như Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Hội Dân Oan, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền v.v...  Tất cả đều bị sức ép rất mạnh từ nhà cầm quyền nhằm vô hiệu hóa các tổ chức độc lập nhưng không dập tắt được.

Mới đây, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương Mại CSVN, nêu ý kiến trong một phiên họp về cải cách thể chế tại Việt Nam là “đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”. Ông Tuyển dùng từ “quan liêu” thay cho nhóm từ “độc tài”, “đảng trị” hiện nay tại Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng tôi phỏng vấn cô Huỳnh Thục Vy, một trong những thành viên thành lập và điều hành Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam về hoạt động của một hội đoàn dân sự trong hoàn cảnh rất khó khăn và nhận định về ý kiến của ông cựu bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển.

Huỳnh Thục Vy, 28 tuổi, con gái ông Huỳnh Ngọc Tuấn ở Hội An, là một trong những blogger nổi tiếng tại Việt Nam. Cô có nhiều bài viết liên quan tới thời sự Việt Nam được nhiều báo mạng đăng tải những năm gần đây, vì vậy thường xuyên bị nhà cầm quyền CSVN sách nhiễu, đàn áp. Bố của cô từng bị Công an đánh đập dã man rất nhiều lần, nhà bị công an vào lục soát, tịch thu tài sản gồm cả tiền bạc.

 Hình trên: Đại diện Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam đến thăm gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lía (dang ở tù). Hình dưới: thăm tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm (cựu tù nhân lương tâm) ở huyện Chợ Mới, An Giang hồi giữa Tháng Tư vừa qua. (Hình: PNNQVN)

Người Việt: Xin cô cho biết Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (PNNQVN) thành lập được bao lâu rồi? Được nhiều thành viên không?

Huỳnh Thục Vy: Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam được thành lập vào ngày 25 tháng 11 năm 2013 đúng vào ngày đầu tiên của loạt 16 ngày Hành động chống bạo hành phụ nữ trên toàn thế giới. Chúng tôi có khoảng hơn một 100 thành viên.

NV: Vậy lý do dẫn đến việc thành lập Hội Phụ nữ Nhân Quyền là gì?

HTV: Có nhiều lý do khiến chị em chúng tôi ngồi lại với nhau. Thứ nhất, vì nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích cho những nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của chế độ cộng sản như Các tù nhân lưong tâm, các nhà hoạt động Nhân quyền, Dân oan và những nạn nhân bị công an đánh chết...Thứ hai, trong cuộc đấu tranh cho Dân chủ tự do hiện nay, vai trò của phụ nữ rất quan trọng và không kém phần nổi bật so với nam giới nhưng lại chưa có một tổ chức xã hội dân sự nào của riêng phụ nữ, để vinh danh vai trò của chúng tôi. Thứ ba, là tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam không có dấu hiệu được cải thiện nên chúng tôi muốn các nhà hoạt động nữ góp sức vào công cuộc bảo vệ Nhân quyền bằng cách hoạt động trong một tổ chức, vì hoạt động cá nhân chưa hiệu quả như mong muốn. Và cái lý cớ để chúng tôi ra mắt thời điểm đó là vì cuối năm 2013 Việt Nam trở thành Thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ bất chấp hồ sơ Nhân quyền tội tệ của họ. Chúng tôi muốn Hội này làm chứng nhân sống động cho sự giải trá của chính quyền Việt Nam.

NV: Cô có thể cho biết phản ứng của phía chính quyền và của dư luận ra sao?

HTV: Chính quyền tất nhiên là phản ứng rất tiêu cực. Trước tiên, họ cho hàng trăm công an bao vây, ngăn chặn mọi người tham dự buổi họp mặt đầu tiên của chúng tôi tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn. Tiếp theo, họ cho an ninh đến tận nhà các thành viên để áp lực họ rút khỏi Hội PNNQVN. Thứ nữa, họ liên tục sách nhiều, đánh đập các thành viên của chúng tôi như chị Trần Thị Nga ở Hà Nam, cô Trần Thị Hài ở Bình Dương, chị Nguyễn Ngọc Lụa ở An Giang, và họ đuổi vợ chồng tôi khỏi chỗ ở trọ của mình tại Sài Gòn. Họ còn cho dư luận viên bôi nhọ, xuyên tạc các hoạt động của chúng tôi và chụp mũ chúng tôi là một tổ chức ngoại vi của Việt Tân dù thực chất chúng tôi là một tổ chức vô vị lợi và độc lập. Tất nhiên. những động thái này nhằm bóp chết chúng tôi từ những ngày đầu. Nhưng chúng tôi đã tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay bất chấp mọi khó khăn.

Còn từ phía dư luận tất nhiên cũng có nhiều ý kiến. Có nhiều cá nhận và tổ chức NGO rất vui mừng trước sự ra đời và phát triển của chúng tôi. Nhưng cũng có không ít người có cái nhìn không thiện cảm với chúng tôi, vì họ nghĩ chúng tôi đánh mất không gian hoạt động và ảnh hưởng của họ. Nhưng thiết nghĩ rằng, tình hình Nhân quyền Việt Nam hiện nay rất tồi tệ, Đảng cộng sản có nhiều thủ đoạn để đánh phá Phong trào Dân chủ và các nạn nhân của chế độ ngày càng nhiều; vậy nên càng có nhiều tổ chức xã hội dân sự thực sự ra đời càng nhiều càng tốt. Thay vì tranh giành ảnh hưởng và bôi nhọ nhau, chúng ta nên kết hợp và hỗ trợ nhau để hoạt động chúng hiệu quả hơn và mục tiêu Dân chủ Tự do của chúng ta sớm thành công.

NV: Hội có xin phép chính quyền không? Nếu không thì tại sao?

HTV: Chúng tôi không xin phép chính quyền. Vì chúng tôi biết rằng nếu làm theo đúng thủ tục và trông chờ vào chính quyền, chúng tôi sẽ không bao giờ thành lập được tổ chức vì chính quyền sẽ ngâm hồ sơ mà không xem xét. Chúng tôi thiết nghĩ sự thành lập và hoạt động của Hội PNNQVN, dù không được chính quyền Việt Nam công nhận, vẫn nằm trong khuôn khổ điều chính của Công pháp Quốc tế và phù hợp với Nguyên tắc về Quyền tự do lập hội theo Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền LHQ và các Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.


NV: Những người vận động lập hội ban đầu và các thành viên có bị nhân viên an ninh sách nhiễu, đe dọa không? Họ có theo dõi không? Nói chung xin cô cho biết khó khăn đang gặp phải.

HTV: Ngoài sự sách nhiễu từ chính quyền như tôi đã nói ở trên, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn khác như: Thiếu tài chính để hoạt động, các thành viên chưa có đủ bản lĩnh và điều kiện để dấn thân cho công việc của Hội, các chị em chưa có nhiều kiến thức về tổ chức và các thành viên Ban điều hành của Hội như cô Dương Thị Tân  do sức khoẻ kém và chị Lê Thị Công Nhân do bận công việc gia đình nên chưa đóng góp nhiều cho việc quản lý Hội.


Logo của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam thành lập từ Tháng 11-2013. (Hình Hội PNNQVN)

NV:  Liệu những lời phát biểu có tính cá nhân của ông Trương Đình Tuyển có được những kẻ đang nắm vận mệnh đất nước nghe theo không? Và cô ước mong gì?

HTV: Những phát biểu của ông Tuyển tất nhiên hữu lý và thức thời. Nhưng trong một chế độ độc tài đã tồn tại khá lâu và hệ thống chân rết của các nhóm lợi ích đã bám chặt vào hệ thống chính trị và kinh tế như ở Việt Nam, những nhận thức thức thời của một vài cá nhân lãnh đạo không giúp thay đổi chế độ. Nhiều lắm, nó chỉ giúp người dân thức tỉnh phần nào và cổ vũ những nỗ lực dân thân của các nhà hoạt động của chúng ta. Tôi không trông cậy gì vào chính quyền này, tôi chỉ hy vọng vào giới trí thức quốc nội cũng như hải ngoại có thể quan sát chặt chẽ các diễn biến phát triển của xã hội dân sự và hô trợ cho các hội đoàn này phát triển.

Tôi mong rằng ngày càng có nhiều nhà hoạt động bước ra khỏi sợ hãi để góp sức vào cuộc vận động phát triển của xã hội dân sự. Chúng ta cần nhiều người trẻ có tri thức, bản lĩnh và lương tâm để nâng đỡ cho sự phát triển của xã hội dân sự.

NV: Theo cô, làm thế nào để có một xã hội dân sự trong tình thế này?

HTV: Dù chính quyền có muốn hay không, xu hướng tập hợp lại với nhau trong các hội đoàn dân sự là điều tự nhiên. Và điều đó khiến sự tồn tại và phát triển của các hội đoàn này là phù hợp với nguyện vọng của người dân cũng như khuynh hướng phát triển đa nguyên của nhân loại. Một xã hội dân sự được xác định như một xã hội mà trong đó có thể chế chính trị dân chủ, tôn trọng Nhân quyền, nền kinh tế tự do và chú trọng phúc lợi xã hội và một nền văn hoá giáo dục khai minh, sáng tạo đáp ứng được xu hướng "người dân tự lo liệu cho cuộc sống của mình còn Nhà nước chỉ có vai trò làm trọng tài, điều phối và áp dụng pháp luật pháp công bằng. Nói chung một xã hội dân sự thực sự đáp ứng các khát vọng Dân chủ, đa nguyên, đa đảng, công lý  và thịnh vượng.

Còn làm sao để có thể xây dựng được nó là một câu hỏi lớn, một vấn đề nghiêm túc cần nghiên cứu chứ không thể trả lời được trong một vài câu. Nhưng tựu trung, chúng ta phải phát triển được các hội đoàn dân sự độc lập và phi chính trị để đặt nền móng cho Dân chủ.

NV: Cảm ơn Huỳnh Thục Vy đã dành cho báo Người Việt cuộc phỏng vấn này.

04-30-2014 2:08:42 PM

No comments:

Post a Comment