Wednesday, April 30, 2014

VIDEO:Dân oan biểu tình "đả đảo cộng sản, đòi nhân quyền quốc tế"

Tâm Dân
(Tác giả gửi cho blog Cùi Các)
Cách đây khoảng 5 năm về trước, mỗi lần đi ngang qua Văn phòng Quốc Hội trên đường Võ Thị Sáu TP.HCM, tôi nhớ những người dân oan tập trung biểu tình khiếu kiện đất đai cầm những băng rôn mang thông điệp như "Đảng ơi, nhà nước ơi, dân khổ quá", "Đảng và Nhà nước ơi cứu dân"...

Nhưng cuộc biểu tình được ghi lại vào ngày 29/4 hôm qua,  khoảng 20 dân oan khiếu kiện đất đai biểu tình trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ, đã cho thấy từ chỗ đi cầu cứu từ Đảng và Nhà nước, thì giờ đây, dân oan đã truyền đi những thông điệp như  "Đả đảo chính quyền", "Đả đảo chế độ Cộng sản", "Đả đảo cái Đảng Cộng sản ăn cướp"...



Đó là hệ quả tất yếu khi nhiều người khiếu kiện chỉ vì đấu tranh đòi lại mảnh đất của mình đã phải trải qua bản án tù vì hành vi "gây rối trật tự công cộng" hay "lợi dụng các quyền tự do dân chủ...".

Trong suốt thời gian đấu tranh, oan sai chồng chất oan sai,  họ bắt đầu nhận ra nguồn gốc oan sai, bất công là do đâu, để họ hiểu rằng nó không phải đến từ cá nhân, hay tổ chức cơ quan chính quyền địa phương, mà nó đã mang tính hệ thống của chế độ, của chính quyền.


Từ chỗ ban đầu chỉ là đấu tranh đòi lợi ích kinh tế cho riêng mình, thì nay các nạn nhân đất đai đã chuyển sang đấu tranh chính trị có ý thức, cho thấy các nạn nhân đất đai đã đánh giá đúng bản chất tạo ra oan sai bất công cho mình.

Từ chỗ chỉ là người đấu tranh giành lại mảnh đất, ngôi nhà của mình, thì nay những nạn nhân này đã chuyển sang đấu tranh đòi quyền con người, đòi "nhân quyền quốc tế".

Từ chỗ biểu tình trước Văn phòng Quốc Hội, thì nay những nạn nhân này chuyển sang biểu tình trước các cơ quan ngoại giao quốc tế.

Từ chỗ thường xuyên chịu trận khi bị tấn công đánh đập từ công đồ, an ninh mật vụ , thì giờ đây họ sẵn sàng quơ lấy bất cứ thứ gì nhặt được trên đường để chống trả lại.

Thực tế đáng buồn

Dù các cuộc biểu đấu tranh đòi quyền lợi đất đai trong thời gian qua đã chuyển sang đấu tranh chính tri có ý thức, vẫn chưa được quan tâm đúng mức để gắn kết hiệu quả với các phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền.

Những người dân oan này vẫn cô đơn và lẻ loi khi đứng trước các cuộc đàn áp, cũng như sự hỗ trợ cần thiết cho họ trên bước đường đi tìm công lý của mình.

Dù đấu tranh mạnh mẽ, bền bỉ và quyết liệt bằng nhiều hình thức đấu tranh pháp lý, cho đến xuống đường biểu tình, nhưng mức độ thành công trong các vụ việc này hầu như không có.

Điển hình như vụ việc ở Văn Giang, vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng , đã phơi bày sự sai trái của cơ quan công quyền trước công luận, nhưng việc đòi lại lợi ích cho các nạn nhân này cũng không thể thành công, thì những vụ việc ít được biết đến hầu như không có một cơ may nào.

Vậy thì lý do nào đã dẫn đến tình trạng này?

Trước tiên, đứng từ phía nhà cầm quyền, những quyết định thu hồi đất đai đều mang lại "siêu lợi nhuận", nên nó có thể được ăn chia, và chung chi sòng phẳng cho mọi cấp, mọi ngành, từ địa phương cho đến Trung ương, từ việc kiện cáo, cho tới việc sẵn sàng thuê côn đồ ra tay.

Nếu ở các cơ quan Trung ương "còn chút lương tâm" thì cũng bất lực, vì nếu giải quyết được một đến hai vụ, thì sẽ kéo theo hàng ngàn vụ khác noi theo, vì một lực lượng oan sai khổng lồ sẽ đấu tranh quyết liệt hơn, không những các vụ án ở hiện tại mà cả trong quá khứ, nó sẽ ra một tiền lệ không tốt cho chính quyền toàn trị, nên đành chọn giải pháp "làm ngơ".

Thứ hai, đứng từ phía những nhà hoạt động bảo vệ cho quyền lợi đất đai, có thể nói họ đã quá tập trung và chỉ dừng lại ở mặt pháp lý trong các quyết định thu hồi và cưỡng chế đất.

Đồng ý là phân tích về các hành vi và quyết định pháp lý là điều không thể thiếu trong việc chỉ ra các sai trái trong các vụ việc thu hồi đất, nhưng đó là điều không đủ để mang lại thành công.

Vì thực tế đã cho thấy, ở một nơi mà tư pháp không độc lập, bị bao trùm và chi phối bởi chính quyền thì không thể xem xét và xử lý cho các quyết định từ chính quyền, mà biểu hiện là hầu hết các khiếu kiện đất đai đều không được tòa án thụ lý, mà nếu có thụ lý thì phần thắng luôn thuộc về chính quyền.

Việc chỉ dừng lại về mặt pháp lý, không thể đẩy vụ án đi xa hơn, thì chỉ làm cho các nạn nhân phải vào thế tranh chấp với một chính quyền hẹp hòi, thì thất bại là điều hiển nhiên.

Đưa ra quốc tế

Trong một một mảnh đất bị thu hồi, ngoài chính quyền ra thì còn có thêm các nhóm lợi ích đứng ở một góc cạnh khác nhau để chia phần.

Cách thức đấu tranh hiệu quả không thể thiếu trong trường hợp này là đẩy vụ việc ra với quốc tế, bằng cách khiếu nại và lôi kéo các tổ chức quốc tế có liên quan vào cuộc.

Để làm được việc này, các nhà bảo vệ đất đai hãy cố gắng tìm hiểu tỉ mỉ về vai trò của các từng nhóm lợi ích trong vụ việc này. Nhóm lợi ích này là ai, có bao nhiêu nhóm được hưởng lợi từ việc này, mỗi nhóm tham gia như thế nào, có mối quan hệ và ràng buộc với với ai... Qua đó để đánh giá được góc cạnh nào cơ hội để các nhà hoạt động có thể đánh vào.

Chẳng hạn, một nhóm lợi ích dễ nhận ra nhất là nhà đầu tư trực tiếp. Thông thường để đầu tư vào một dự án, họ phải đi vay tiền. Hãy xem họ đã vay từ những ai, ai là đối tác của họ... Nếu thấy không đánh trực diện được thì hãy đánh gián tiếp.

Như các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi đất đai ở Cambodia đã rất thành công với hướng đi này. Trong một vụ thu hồi đất bồi thường không thỏa đáng, sử dụng pháp lý với chính quyền không thành công, các nhà hoạt động Cambodia đã tiến hành điều tra và phát hiện ra rằng chủ đầu tư đã đi vay tiền từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư vào dự án này. Ngay lập tức, họ đã nhờ các tổ chức Xã hội dân sự chuyển đơn và báo cáo về vụ việc  để gây sức ép lên Ngân Hàng Thế giới.

Chính quyền và nhà đầu tư có thể "chịu đấm ăn xôi", nhưng đối với các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Quốc tế thì họ rất lo sợ bị ảnh hưởng từ các hoạt động của mình dù là gián tiếp. Thế là Ngân hàng Quốc tế đã tác động ngược trở lại chủ đầu tư và chính quyền, buộc họ phải đối thoại lại giữa các bên có sự tham gia của họ, và mức giá bồi thường cho việc thu hồi đất được nâng lên thỏa đáng, và được người dân trong vùng chấp nhận.

Qua đây cho thấy, để bảo vệ hiểu quả cho quyền lợi đất đai của người dân, đòi hỏi các nhà hoạt động, các luật sư cần hoạt động như một nhà điều tra, và xem xét cả sự chi phối của chính trị bên cạnh pháp lý.

Bên cạnh đó, có thể thực hiện các báo cáo, kiếu nại đến các cơ quan bảo vệ nhân quyền Liên Hiệp Quốc về hành vi vi phạm "quyền nhà ở" của chính quyền trong các trường hợp bị thu hồi đất đai để phù hợp theo Công ước về quyền dân sự và chính trị.

No comments:

Post a Comment