04/04/14 07:09
(GDVN) - Không thực hiện đúng chức năng là mô hình trang trại VAC, một dự án đang có dấu hiệu “biến thái” thành tụ điểm vui chơi của những người “lắm của, nhiều tiền".
“Sân sau” của ai?
Trong đơn gửi Báo Giáo dục Việt Nam, nhiều công dân ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, năm 2004, ông Lý Duy Thanh hiện là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm đã cho em ruột là Lý Duy Thành đứng ra nhận đấu thầu khu đất sát trụ sở UBND xã Ninh Hiệp với diện tích khoảng 3,6ha. Ban đầu khi nhận đấu thầu, dự án này có mục đích làm mô hình VAC (trồng cây, nuôi cá, gà, vịt…) nhưng dần dà, nó bị “biến thái” thành tụ điểm vui chơi với bể bơi, nhà tập thể hình, trung tâm thể thao, gian hàng trưng bày sản phẩm, cho thuê rạp hiếu hỷ, ca hát, kinh doanh du lịch… Rất nhiều công trình kiên cố ngang nhiên mọc lên trong khu đất này.
Bức tượng được cho là "hình mẫu" của bố đẻ ông Thành và ông Thanh trong khuôn viên Cánh buồm xanh. |
Chỉ trong thời gian ngắn, dự án VAC đã được “hô biến” thành khu sinh thái với cái tên rất mỹ miều “Cánh buồm xanh”. Khu sinh thái Cánh buồm xanh hiện được đầu tư nhiều tỷ đồng và trở thành điểm “ăn chơi” thường xuyên của những người “lắm của, nhiều tiền”.
Tuy không có trong hạng mục công trình đã được phê duyệt nhưng chủ dự án Cánh buồm xanh còn dựng cả bức tượng trong khuôn viên. Người dân cho rằng, bức tượng màu đen giữa khuôn viên chính là phác họa bức chân dung của bố ông Thanh và ông Thành. Ngoài việc đúc tượng “vô lối” ở một dự án mang tính cộng đồng, việc đặt tượng ở đây là vi phạm nghiêm trọng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án VAC nhưng lại xây dựng các dãy nhà kiên cố để kinh doanh dịch vụ thể dục thẩm mỹ. |
Một người dân gần khu sinh thái cho biết: “Ban đầu dự án có trồng cây cảnh, sau đó ông Thanh cho đầu tư xây dựng các công trình kiên cố. Loa đài inh ỏi suốt ngày đêm, xóm làng cũng vì thế mất đi sự thanh bình vốn có. Các cơ quan, đoàn thể cũng thường xuyên vào đây ăn uống, tụ tập…”.
Huyện, xã “bưng bít”
Làm việc với phóng viên ngày 3/4/2014, ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Trước đây, thực hiện chủ trương của Thành phố về phát triển kinh tế trang trại, UBND huyện căn cứ vào đề xuất của UBND xã Ninh Hiệp nên phê duyệt phương án chuyển đổi đất 5% thành trang trại VAC (hiện là khu sinh thái Cánh buồm xanh-PV). Em trai đồng chí Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đã trúng thầu và thực hiện các nội dung dự án. Dự án có kết hợp VAC với giới thiệu sản phẩm, đào ao thả cá, chăn nuôi, dịch vụ…”.
Ông Dương Dũng cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã về làm việc với Huyện ủy và yêu cầu đồng chí Thanh giải trình. |
Liên quan đến nội dung tố cáo ông Thanh, ông Dương Dũng khẳng định: “Vừa rồi, cũng có nội dung liên quan đến đơn tố cáo sai phạm của ông Thanh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã về làm việc với Huyện ủy và yêu cầu đồng chí Thanh giải trình. Nội dung giải trình cũng đã gửi lên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và đang chờ kết luận để xử lý”. Khi phóng viên đề nghị UBND huyện cung cấp hồ sơ dự án thì ông Dũng liền “đẩy” cho ông Phùng Xuân Việt, Trưởng phòng Kinh tế cung cấp.
Tuy nhiên, khi làm việc với chúng tôi, lấy lý do cán bộ phụ trách đi họp nên ông Việt đã “từ chối” cung cấp hồ sơ. “Mô hình trang trại trên địa bàn huyện lớn, nhỏ có gần 200 dự án. Người trúng thầu dự án là ông Lý Duy Thành em ruột của ông Thanh. Huyện đã phê duyệt phương án cho thuê 20 năm nhưng UBND xã tổ chức và ký hợp đồng 5 năm/lần”, ông Việt cho biết.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc dự án có thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt không thì ông Việt trả lời “nước đôi”: “Về cơ bản là đúng nhưng cần phải kiểm tra lại”.
Ông Khánh cho biết, năm 2012, thanh tra xây dựng có đi kiểm tra và phát hiện có vi phạm nhưng việc xử lý như thế nào thì ông không rõ. |
Ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết: “Đây là dự án VAC, dự án này cấp huyện phê duyệt đầu tư các hạng mục. Về việc kiểm tra vi phạm trật tự xây dựng thì xã vẫn kiểm tra nhưng cấp nào cấp giấy phép thì cấp đấy xử phạt. Chúng tôi cũng có kiểm tra và báo cáo lên huyện. Thời điểm năm 2012, trên thanh tra xây dựng về kiểm tra và thấy có sai phạm. Việc xử lý ra sao tôi cũng không biết vì khi đó tôi không phụ trách mảng. Nếu không vi phạm thì đã không có báo cáo. Nếu như trong hợp đồng thì đây là dự án VAC nhưng lại có các khu hoạt động thể thao, còn việc cho phép hay không cho phép thì là cấp huyện. Tôi cũng không rõ là huyện có đồng ý hay không bởi họ trình lên cấp trên. Xã cũng có xác nhận vào báo cáo là “xin cấp trên tạo điều kiện, xem xét”… Đối với các dự án trúng thầu trồng cây hàng năm thì UBND xã chỉ có thẩm quyền ký hợp đồng cho thuê 1 năm…”.
Sau nhiều lần ông Khánh yêu cầu văn phòng UBND xã cung cấp hồ sơ dự án Cánh buồm xanh nhưng số cán bộ này nhất quyết “bất tuân lệnh”. Cuối cùng, ông Khánh cũng có lý do từ chối cung cấp hồ sơ dự án Cánh buồm xanh cho phóng viên.
Phải chăng có những khuất tất “động trời” đằng sau dự án Cánh buồm xanh mà những lãnh đạo của huyện và xã lúng túng và cố tình che giấu thông tin? Đề nghị cơ quan chức năng sớm có kết luận làm rõ sự việc.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Ngày 15/5/2013, tại khuôn viên Cánh buồm xanh đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm hai bé Nguyễn Thị Thùy Dương và Nguyễn Thùy Dương ở xóm 7 (xã Ninh Hiệp) thiệt mạng. Người dân cho rằng, do khu sinh thái Cánh buồm xanh có các dịch vụ ăn uống, giải trí, vui chơi, ca hát… việc quản lý lại yếu kém nên để xảy ra tai nạn thương tâm trên.
No comments:
Post a Comment