Sunday, February 2, 2014

Về vụ cấm TS Phạm Chí Dũng xuất cảnh



Võ Văn Tạo (Danlambao) - Hàng loạt báo “lề dân” và cơ quan truyền thông quốc tế có uy tín vừa đưa tin 20h35 tối 1-2-2014, nhà báo, nhà nghiên cứu, bloger độc lập - TS Phạm Chí Dũng bị Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh đi Bangkok, tịch thu hộ chiếu và lập biên bản. TS Dũng đã tuyên bố sẽ kiện lên Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ngồi xổm trên pháp luật?

Ảnh chụp biên bản cho thấy, cơ quan lập biên bản là Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất (trực thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an), với dấu đóng và chữ ký của thượng tá Phạm Quốc Hùng - Phó trưởng Đồn công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Biên bản ghi căn cứ Nghị định 136/2007-CP của Chính phủ và theo đề nghị của Công an TP HCM, nhưng không ghi cụ thể do cấm TS Dũng xuất cảnh.

Theo quy định hiện hành tại điều 21 - Nghị định 136/2007, có 7 trường hợp chưa được xuất cảnh:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.

Đối chiếu với 7 trường hợp trên, TS Dũng không nằm trong các trường hợp 1,2,3,4,5 và 7. Vậy chỉ có thể nằm trong trường hợp 6 - theo tập quán lý giải mù mờ lâu nay của an ninh Việt Nam.

Nhưng cứ giả thiết rằng cơ quan an ninh căn cứ trường hợp 6 là đúng đi chăng nữa, thì cái căn cứ “Theo đề nghị của Công an TP HCM” cũng hoàn toàn trái pháp luật.

Bởi mục d, điều 22 của Nghị định 136 (về thẩm quyền quyết định chưa cho công dân VN xuất cảnh) ghi:

d) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này.

Như vậy, việc nội dung biên bản không cho TS Dũng xuất cảnh không thấy dẫn chiếu quyết định nào của Bộ trưởng Bộ Công an về việc này, làm công luận trong và ngoài nước không thể không kết luận Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất ngang nhiên ngồi xổm trên pháp luật.

Dĩ nhiên, giới thạo tin dư biết, có cho ăn gan trời, Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất cũng không dám cấm TS Dũng xuất cảnh và ngang nhiên lập cái biên bản trái luật trên, nếu không chấp hành lệnh từ thượng cấp. Cùng với cái Thông báo đóng dấu treo của UBND TP Hà Nội về việc cấm biểu tình chống Trung Quốc bành trướng năm nào, dường như tập tính “ném đá giấu tay” lại một lần nữa bộc lộ không thể rõ ràng hơn qua vụ việc này.

Còn bằng chứng tố cáo nào đanh thép hơn?


Trước khi xảy ra cái “sự cố” tối 1-2-2014 đối với TS Dũng ở Sân bay Tân Sơn Nhất vài ngày, nhiều báo “lề dân” và cơ quan truyền thông nước ngoài đã đưa tin về việc khả năng ông sẽ bị ngăn cản xuất cảnh, bất chấp ông được UN Watch - một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc - mời đến Genève để tham dự một cuộc hội thảo về dân chủ và nhân quyền, bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền tại Việt Nam diễn ra ngày 05-2-2014. Và ngày 29-01-2014, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc đã gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại diện thường trực của Chính phủ Việt Nam tại Genève và Đại sứ Việt Nam tại Bangkok, đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho chuyến đi của TS Phạm Chí Dũng. Văn thư này cũng nêu rõ một trong những yêu cầu chủ yếu của cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam là sự tham gia của xã hội dân sự, và Liên hiệp quốc khuyến khích các nhóm dân sự và cá nhân Việt Nam tham dự cuộc kiểm điểm này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam tạo thuận lợi cho chuyến đi Genève của TS Phạm Chí Dũng.

Được giới thiệu như một trong những diễn giả chính của cuộc hội thảo trên, tham luận của tiến sĩ Phạm Chí Dũng sẽ đặt vấn đề về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”. Tham luận này là bức tranh phác thảo về hiện tình kinh tế – xã hội – chính trị cùng những tiền đề cho xã hội dân sự tại Việt Nam, đồng thời dự báo năm 2014 và xu hướng những năm sau đó, đặt vấn đề về sự cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy nhân quyền.

Với việc cấm TS Dũng xuất cảnh, thế lực độc tài ở Việt Nam những mong bưng bít thông tin, do TS Dũng không đến được với Hội nghị Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền tại Việt Nam ở Genève. Đó là một toan tính không thể xuẩn ngốc hơn trong thời đại công nghệ thông tin. Chắc chắn, không chỉ bản tham luận của TS Dũng sẽ được các nhóm hoạt động cho nhân quyền ở Việt Nam đang có mặt ở Genève chuyển đến hội nghị, mà thông tin việc ông Dũng bị cấm xuất cảnh một cách trái ngược với ngay cả pháp luật Việt Nam (vốn “không giống ai” trong thế giới văn minh đương đại) cùng những hành ảnh sống động làm minh chứng cũng sẽ được cung cấp đầy đủ.

Còn bằng chứng nào đanh thép và thuyết phục hơn về bức tranh lem luốc về “thành tích” nhân quyền ở Việt Nam? (lẽ ra, các bạn đang có mặt tại Genève để tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ phải có thư cảm ơn công an về “sự cố” này. Vì khi các bạn phát biểu tham luận, người ta có thể xuyên tạc với Hội nghị rằng các bạn vốn định kiến với nhà nước, nên các bạn có thể thiếu khách quan mà thổi phồng “thành tích” nhân quyền của Nhà nước Việt Nam. Việc cấm TS Dũng đi Genève của công an Việt nam có tác dụng tố cáo mạnh chẳng kém tham luận của các bạn).

Không phải ngẫu nhiên khi “sự cố” TS Dũng vừa xảy ra, chỉ trong vài chục phút, hàng loạt trang mạng “lề dân” và cơ quan truyền thông quốc tế có uy tín lập tức đăng tin, bài phản đối. Hoàn toàn không phải quá lời, khi trang “lề dân” Chép sử Việt có bài “Công an Việt Nam vừa tát vào mặt Chủ tịch nước, Thủ tướng”. Bởi mới đây thôi, cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trong lời chúc Tết Nguyên đán Giáp Ngọ) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trong Thông điệp đầu năm 2014) đều nhấn mạnh “dân chủ rộng rãi”, “pháp quyền tiến bộ” và “hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”.

Thực chất vụ cấm TS Dũng xuất cảnh là do “luộm thuộm”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chỉ đạo từ chóp bu, hay chủ trương nhất quán, dùng chiêu “ném đá giấu tay” như những “ảo thuật gia tài ba – nói zậy mà không phải zậy” thì chỉ hai yếu nhân trên mới hiểu! Chừng nào các vị đó chưa lên tiếng giải thích, công luận còn hiểu theo khả năng thứ hai là điều không mấy khó hiểu!

No comments:

Post a Comment