Sunday, February 2, 2014

Coi chừng ung thư khi chọn bát đĩa gốm sứ dịp Tết.


Các chuyên gia cảnh báo, nhiều loại bát đĩa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt loại sản phẩm Trung Quốc có hoa văn, họa tiết màu mè thường chứa chì và cadimi tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
 

Những ngày cuối năm, nhiều gia đình thường có thói quen tìm mua các mẫu bát đĩa đẹp để đón Tết.

Đã thành thông lệ hàng năm, cứ dịp Tết đến xuân sang là chị Nguyễn Thị Huyền (quê Hưng Yên) lại tất bật mua sắm các mặt hàng chuẩn bị đón Tết để đóng gói vận chuyển về quê. Bát đĩa bằng gốm, sứ tuy là đồ dễ vỡ song luôn là mặt hàng không thể thiếu trong danh sách chi tiêu, mua sắm dịp Tết của chị.

Chị chia sẻ: “Ở chợ quê, Tết nhất cũng bày bán nhiều loại bát đĩa lắm, mẫu mã cũng ổn nhưng đa phần là hàng Trung Quốc nên thành thử cứ phải mua sắm bát đĩa ở trên này mang về, vừa để nhà dùng, vừa để làm quà biếu họ hàng thân thiết.

Tuy rằng hơi bận rộn và cũng khó khăn trong việc vận chuyển song được cái là yên tâm sử dụng vì nguồn gốc của nó”. Với quan điểm đó nên chị Huyền rất chú ý đến xuất xứ của sản phẩm, có thời gian rảnh rỗi, chị thường nhờ chồng đưa tới tận làng gốm Bát Tràng để tìm mua những bộ bát đĩa, cốc chén ưng ý nhất. Nếu không, chị cũng chọn mua các sản phẩm gốm sứ đã có thương hiệu của doanh nghiệp trong nước.



Có thể thấy, dịp trước Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp để nhiều bà nội trợ tích cực mua sắm, chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất. Bát đĩa, cốc chén là những mặt hàng thiết yếu mà gia đình nào cũng cần dùng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, bát đĩa gốm ở nước ta có rất nhiều hàng Trung Quốc trôi nổi không rõ nguồn gốc. Đặc điểm chung của chúng là mẫu mã bắt mắt, nhiều bộ sản phẩm có hoa văn, họa tiết cầu kỳ trông rất ưa nhìn, giá thành có khi chỉ bằng 1/3 các loại sản phẩm có nguồn gốc, thương hiệu.

Vì tham rẻ, thấy mẫu mã đẹp, nhiều chị em quyết định mua các sản phẩm bát đĩa này mà không biết rằng chính những sản phẩm bát đĩa gốm, sứ dùng hàng ngày ấy luôn mang trong nó ẩn họa gieo rắc nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Theo ông Lê Duy Hảo, Giám đốc Công ty Gốm sứ NaSon, để làm được gốm sứ thì phải nung sản phẩm đến một nhiệt độ rất cao, đây là công đoạn có chi phí sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong quy trình sản xuất. Để giảm giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm có sức cạnh tranh cao, các đơn vị sản xuất sẽ giảm bớt chi phí ở công đoạn nung bằng cách cho thêm chì vào nguyên liệu làm gốm để hạ nhiệt độ nung mà vẫn tạo ra được gốm sứ.

Do chi phí sản xuất ít nên đương nhiên các mặt hàng này sẽ có giá thành thấp, tuy nhiên chì là một loại hóa chất độc hại, trong quá trình sản xuất, chúng chưa được giải thoát hết khỏi bề mặt sản phẩm, nếu sử dụng các loại bát đĩa vẫn còn hàm lượng chì này trong thời gian dài sẽ vô cùng ảnh hưởng tới sức khỏe, dẫn tới các căn bệnh nguy hiểm.

Do vậy, trong quá trình lựa chọn bát đĩa làm bằng gốm sứ, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với sản phẩm sứ, nên chọn loại có màu men trắng; không nên tham các sản phẩm Trung Quốc có màu sắc bắt mắt, hoa văn, họa tiết cầu kỳ bởi chúng thường sử dụng nhiều chì để tăng độ bám dính, độ sắc nét, màu mè của hoa văn.


Nên chọn các loại bát đĩa sứ có màu men trắng và rõ nguồn gốc

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học - Thực phẩm, ĐH Bách khoa HN) cho biết, các loại bát đĩa sử dụng chì để nung vô cùng độc hại. Khi dùng chúng để đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả..., chì dễ bị thôi nhiễm do tác động của nhiệt độ, axit, gây độc cho người dùng.

Ngoài việc sử dụng chì để giảm nhiệt độ, thời gian nung, để giảm chi phí sản xuất, một vài chất độc hại khác như Cadimi cũng sẽ được sử dụng. Đây là loại chất gây ung thư, người bị nhiễm độc Cadimi sẽ có các biểu hiện như  tiêu chảy, ói mửa, rối loạn thần kinh… lâu dần có thể bị suy gan, tổn thương tim, thận và tuần hoàn.


                                                                                                                              Thanh Thu (Vietq)

No comments:

Post a Comment