Saturday, February 1, 2014

Tha hồ nâng giá ngày đầu năm tại Hà Nội

Năm nay, mùng 1 Tết được coi là đẹp ngày nên nhiều hàng quán tại Hà Nội đã mở cửa từ sáng sớm để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên chỉ số ít hàng quán là bán đúng giá còn lại hầu hết đều được nâng lên gấp từ 2-5 lần so với ngày thường.
Những dịch vụ trông giữ xe đồng loạt tăng giá từ 2-10 lần.
Nếu mọi năm hoạt động buôn bán chỉ thực sự tấp nập từ sau mùng 4 Tết thì năm nay ngay vào ngày mùng 1 hàng quán đã khá nhộn nhịp. Từ những quán trà chén đến những quán vỉa hè bún ốc, xôi chả, miến trộn hay thậm chí cả dịch vụ bảo hành, rửa xe… đều có đủ. Khách đến với những quán hàng ăn uống cũng khá đông đúc.
Mở hàng bình thường
Đường phố ngày mùng 1 Tết vắng tanh cũng chẳng mấy ai có nhu cầu mua sắm nhưng vẫn có lác đác cửa hàng bán quần áo mở cửa, phần lớn là mở hàng để lấy giờ tốt hoặc nhờ khách hợp tuổi xông quán mở hàng…
Tuy nhiên với những dịch vụ ăn uống thì hoạt động lại khá tấp nập. Nhiều quán cà phê mở cửa bình thường từ giao thừa cho đến sáng mùng 1 để phục vụ khách hàng. Một số chủ quán cà phê cho biết dù Tết vẫn cứ mở quán bình thường và giữ giá để phục vụ cho nhiều khách quen.
Chủ một quán bún, miến trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết, cửa hàng mở bán từ đêm 30 và sáng mùng 1 vẫn mở cửa từ 8 giờ. Giá bán vẫn giữ nguyên như ngày thường để phục vụ khách, nhân viên ở cửa hàng cũng vẫn làm việc bình thường. Trong ngày mùng 1 chị cũng bán được khá nhiều do khách cũng quen ở đây và biết hàng không nâng giá lên rủ nhau đến.
Năm nay, nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh như Lotteria, Pepronis… vẫn hoạt động như bình thường trong suốt ngày Tết. Các tiệm bánh Pari Gateaux cũng mở bán ngay từ mùng 1.
Nâng giá gấp nhiều lần
Bên cạnh một số hàng quán vẫn giữ nguyên giá để phục vụ khách hàng thì đa phần những quán hàng mở cửa từ ngày mùng 1 đều nâng giá lên khá cao. Và lý do chung đều là… Tết.
Vốn định lên ăn bún ốc tại phủ Tây Hồ cho đỡ ngán nhưng gia đình anh Lâm ở Hoàng Cầu, Hà Nội lại “ngán” hơn sau khi đi ăn về bởi 8 người anh em ăn 8 bát bún, 2 đĩa ốc luộc, 1 đĩa bánh tôm, trà đá, lavie mà phải thanh toán hết 1.210.000 đồng. Khi thắc mắc thì nhân viên bán hàng cũng chỉ trả lời "tết mà"…. Ấy thế mà khoảng hai chục quán ở quanh Phủ vẫn đông đặc người ăn, thậm chí phải ngồi chờ. Theo nhiều người, giá bán tại Phủ Tây Hồ năm nào cũng bị nâng lên mức “trên trời” như vậy tuy nhiên khách đến thì vẫn khá đông vì lượng  người đến lễ tại đây năm nào cũng đông nghịt.
Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt là những hàng quán ở khu trung tâm, nơi gần các điểm tham quan, hành lễ thì lượng khách đông đúc còn những tuyến phố vùng ven thì rất ít khách đến ăn uống. Không ít cửa hàng mở đến đêm khuya mà cũng chỉ lèo tèo vài khách ghé ăn. Điều này cho thấy bình thường ngày Tết dân không có nhu cầu ăn ngoài hàng, họ chỉ ghé quán ăn khi đang tiện đường đi du xuân hoặc bận bịu tại các nơi hành lễ.
Không chỉ quán hàng ăn uống mà dịch vụ trông giữ xe máy, xe ôtô trong ngày Tết đều tăng vọt từ 3 -10 lần so với ngày thường. Các điểm trông giữ xe tại khu tập thể hay trên phố, ngoài các chùa, đền… có đông người đến cúng lễ thì giá cũng bị đẩy lên chặt chém đến kịch kim. Giá gửi xe tại các khu tập thể tăng từ 5.000đ/xe máy/lượt lên 10.000 đ/xe máy/lượt và ôtô từ 20.000đ/xe/lượt lên 100.000đ/xe/lượt. Phía ngoài chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà… dịch vụ trông giữ xe tăng giá 20.000đ/xe máy và 100.000- 200.000đ/ô tô. Các hàng xe ken nhau không có chỗ để.
Các điểm kinh doanh trước cửa Văn Miếu: viết chữ, vẽ lên đá, bán tranh… đều có giá gấp đôi, gấp ba ngày thường. Các điểm bán vàng mã, đồ lễ trước các đền, chùa hay Phủ Tây Hồ cũng tự động nâng giá lên từ 50-100% so với ngày thường.
Dường như cũng đã quen với sự chặt chém ngày đầu năm nên nhiều người cũng đã chủ động mang đồ lễ chuẩn bị từ nhà đi. Còn những người cúng lễ tới nơi mới mua đồ thì cũng tặc lưỡi cho qua vì đầu năm cũng chẳng thể khác được mà đồ cúng lễ thì mấy ai lại kỳ kèo.
Tuy còn khá nhiều sự “chặt chém” ngày đầu năm nhưng nhìn theo góc độ tích cực thì dường như sự phục vụ của các hàng quán năm nay cũng đã tốt hơn khá nhiều. Nếu những năm trước ngày đầu năm hàng quán vẫn vắng tanh, các quán cho mình cái quyền chảnh, mùng 4 hay mùng 6 mới mở cửa thì năm nay cũng nhất loạt mở cửa sớm hơn. Dường như kinh tế khó khăn thì tính “chảnh” của dân Hà Nội cũng đã giảm đi đáng kể thay vào đó là sự nổ lực thích ứng với hoàn cảnh mới.

No comments:

Post a Comment