Nhằm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2014, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, ngành sẽ đề ra phương châm hành động
“Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa và phát triển hơn nữa”; siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện đồng thời siết chặt quản lý các Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát…. thực hiện tái cơ cấu các Tổng công ty và đẩy mạnh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng.
Xung quanh vấn đề này, trước thềm năm mới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi.
- Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả nổi bật và những mặt còn tồn tại của ngành GTVT trong năm 2013?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Năm 2013, ngành giao thông Vận tải triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự thống nhất cao và nỗ lực khắc phục khó khăn, ngành đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác.
Đặc biệt, năm 2013, năm thứ hai liên tiếp tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí và số người chết dưới 10.000 người. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Trong quản lý đầu tư, đã khắc phục một số tồn tại như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý. Tổng số vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đến năm 2013 đạt khoảng 117.000 tỷ đồng/48 dự án BOT đồng thời cũng đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng/26 dự án, trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỷ đồng (chiếm 43% tổng mức đầu tư).
Ngoài ra, ngành cũng chú trọng vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hoá, tiết giảm chi phí các Tổng công ty. Bộ đã thực hiện cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp có quy mô lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam và 10 Tổng công ty do Bộ quyết định thành lập theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành còn tồn tại nhiều mặt như: công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng dịch vụ vận tải đã được cải thiện nhiều so với các năm trước, tuy nhiên, một số khâu dịch vụ tại các bến xe, nhà ga tiếp tục phải chấn chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách.
Trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, kiềm chế tai nạn giao thông chưa thật sự bền vững. Số người chết vì tai nạn giao thông chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ 2012, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra...
Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước với khối lượng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có chuyển biến tích cực, sản lượng và doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm đủ việc làm cho người lao động, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội vẫn còn...
- Năm 2013, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được đánh giá là có hiệu quả nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã có những biện pháp gì để hạn chế và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm kế tiếp?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong năm 2013, tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, là năm thứ hai liên tiếp có số người chết dưới 10.000 người/năm.
Tuy nhiên, có thể thấy số vụ, số người chết và số người bị thương còn ở mức rất cao. Ở tất cả các vụ tai nạn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đều xác mịnh rõ và tìm ra nguyên nhân cũng như có xử lý nghiêm. Qua đó, có thể thấy rõ rằng, địa phương nào tổ chức tốt việc đảm bảo an toàn giao thông, tuyên truyền vận động tốt người dân, ở đó sẽ thực hiện nghiêm minh.
Nhằm hạn chế và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2014, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để kiềm chế tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2013. Năm an toàn giao thông 2014 sẽ được gắn với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe”.
Do đó, các ngành, cấp chính quyền sẽ chú trọng tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vào các cấp học; tổ chức cưỡng chế, thực thi pháp luật; đưa đầu tư hạ tầng giao thông vào chương trình mục tiêu ưu tiên quốc gia và tổ chức hệ thống cấp cứu trên các quốc lộ để kéo giảm tai nạn giao thông bền vững...
Riêng đối với hai Thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các giải pháp đồng bộ để giảm ùn tắc giao thông vẫn được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ nhằm đạt được hiệu quả rõ rệt và mang tính bền vững cao.
- Năm vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng, siết chặt hoạt động vận tải thông qua các hành động như đích thân Bộ trưởng đốc thúc, “trảm tướng” ở các dự án giao thông; Thứ trưởng Bộ đi “vi hành” 64 tỉnh thành về hoạt động vận tải. Vậy sang năm tới, Bộ sẽ tập trung vào lĩnh vực nào của ngành?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Phương châm hành động của toàn ngành năm 2014 là “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa”.
Vì vậy, toàn ngành sẽ phấn đấu tăng trưởng bình quân 6% về tấn hàng hóa và 7% về lượt hành khách so với năm 2013; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và các dự án trọng điểm.
Cùng với đó, Bộ cũng thực hiện xuyên suốt các chủ đề giao thông 2014 như “Siết chặt quản lý các Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát”, “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”...
- Năm 2014 được dự báo còn có nhiều khó khăn, thách thức. Xin Thứ trưởng cho biết những định hướng, giải pháp lớn của ngành để vượt qua, tiếp tục đưa ngành phát triển?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong năm 2014, ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, triển khai thực hiện tái cấu trúc thị trường vận tải, tăng cường công tác thanh tra quản lý hoạt động vận tải...; tập trung nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả vốn ODA và nguồn vốn vay thương mại ưu đãi để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ công trình, đặc biệt các công trình trọng điểm.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt coi trọng công tác quản lý chất lượng thông qua việc nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia dự án đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm định, kiên quyết xử lý các vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành giao thông vận tải về các mặt: chất lượng công trình giao thông; an toàn thi công, an toàn lao động; chấp hành các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải; công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là lái xe khách và xe tải nặng; chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện.
Ngành giao thông cũng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt tái cơ cấu theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Đặc biệt là tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và Tổng công ty hàng hải Việt Nam. Hoàn tất các thủ tục chuyển 10 Công ty mẹ của các Tổng công ty thuộc Bộ sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần...
-Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi./.
No comments:
Post a Comment