ĐĂNG BỞI  - 
Chỉ cần làm cỡ một vài tháng thôi sẽ gặp đủ loại người. Người lao động có, buôn bán có, trí thức có, dân đại gia cũng có và cả những “ông anh” chức to cũng không thiếu. Mỗi tầng lớp sẽ có một văn hóa nhậu khác nhau.
Trong vai một nữ sinh viên mới ra trường đang thất nghiệp, tôi gọi điện đến vài công ty đăng tuyển nhân viên tiếp thị bia có hiện thông tin liên lạc trên Google Search (đa phần là công ty môi giới việc làm). 
Sau một vài câu hỏi thông thường như có kinh nghiệm chưa, chiều cao thế nào... thì nếu nghe người gọi đến nói là sinh viên, đa phần đều rất thích. Bởi: “Sinh viên các em chịu khó mà mức lương cũng có thể là cao so với tụi em. Nên cứ về đây làm đi, mấy hôm là quen việc thôi”, một nhân viên phỏng vấn nói.
Đúng hẹn vào hôm sau, tôi đem hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu đến và phải đợi hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến lượt  phỏng vấn do quá đông. Tuy nhiên đa phần đều "trúng tuyển" và vào làm ngay buổi tối cùng ngày, không cần hướng dẫn trước. Cái chúng tôi "được" là đọc tại chỗ những điều khoản trong hợp đồng, phát một bộ áo - váy đồng phục, đóng 100.000 đồng phí thế chân và không… được giữ bản sao của hợp đồng đã ký.
Tôi bắt đầu làm PG bia tại một quán nhậu trên đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh, TP.HCM), từ 17 giờ đến 22 giờ mỗi ngày.
Tiếp được 1.000 két thưởng... 1 triệu đồng
Theo hợp đồng, mức lương căn bản là 2.600.000 đồng nếu không vi phạm các lỗi như đến trễ, ngồi nói chuyện với khách quá 5 phút… Còn về mức thưởng, tiếp thị 50 két bia trở lênđược thưởng 120.000 đồng, nghĩa là dù có bán được 49 két cũng không được thưởng đồng nào. 
Thực tế làm việc, ngày đầu tiên tôi bán được hơn 3 két, ngày thứ hai được 5 két và cho tới hết tuần thì tổng cộng được 28 két. Như vậy, để đạt con số 50 két đã là khá khó khăn, chứ chưa nói đến 1.000 két không phải là chuyện dễ dàng trong vòng 1 tháng. Trường hợp khả năng bán hàng kém quá sẽ "được" quản lý nhắc nhở liên tục với những câu cảnh cáo về nguy cơ nghỉ việc cao. 
Câu nói mở đầu của công việc làm PG mà tôi được người quản lý nhóm tại quán dạy khi khách vào quán là: “Anh ơi, em bên hãng bia ABC. Hôm nay anh trai đã gọi bia gì chưa, nếu chưa thì anh trai uống ủng hộ em gái nha. Bên em đang có nhiều chương trình khuyến mãi thú vị, anh uống giúp em gái nha anh….”. 
Trước đó, những động tác tay, mắt, cách cầm bia như thế nào với khách cũng được cầm tay chỉ việc. Họ dặn trừ những khách hàng khó tính, không quen uống loại bia khách thì thông thường khách sẽ đồng ý uống ủng hộ mình. Tuy nhiên, mời được khách uống một chai rồi thì phải có bí kíp mời như nào để họ phải uống luôn cả két. Một trong những "bí kíp" là nhập cuộc vui với họ. 
Để nhập cuộc được, nguyên tắc đầu tiên là phải biết uống bia. Nguyên tắc thứ hai không kém phần quan trọng là uống không say. Nghĩa là PG bia phải "tửu lượng" tốt để có thể đứng suốt 5 tiếng đồng hồ vừa tiếp thị, vừa chung vui với khách. Những PG khôn ngoan thường từ chối khéo hoặc nhận lời uống “nhấp môi” rồi xin phép chạm ly mà không cạn ly. 



Khách là dân kinh doanh thường không thích có người đứng bên khi đang nói chuyện. Nếu PG mời họ dùng được bia của mình rồi thì chỉ việc để lại thùng bia, ướp đá lạnh, họ sẽ tự phục vụ. Nhưng đâu phải lúc nào cũng… hên như thế!
Điệp khúc "em không cho số…"
Dường như ai cũng biết rõ trên bàn nhậu thì chuyện trêu ghẹo, đùa cợt là quá... bình thường. 
Dù quản lý đã dặn khi khách mời uống bia phải nói “Em không được uống bia, quản lý mà thấy em ngồi uống sẽ bị trừ lương, các anh thông cảm cho em gái nha!”, nhưng cách đó chỉ giúp hạn chế, chứ không thể "thoát nạn" hoàn toàn. 
Nhiều khách còn nằng nặc xin số điện thoại cho bằng được, bảo “em không cho số thì anh không uống bia của em nữa”. Để không bị quản lý la vì làm mất khách, nhiều PG bia đành phải đọc số điện thoại. Và đó là nguyên cơ dẫn đến nhiều sự phiền phức từ những cuộc gọi đúng lúc nửa đêm, thậm chí kéo dài cả tuần liền. 
Hoặc là những tin nhắn kiểu như “hôm nay em có làm ở quán XYZ không, anh ra uống với em”, hay “tối nay em có làm không, đi chơi với anh”… cũng thường được gửi vào nửa đêm.
K.T - một PG bia đã 7 năm trong nghề chia sẻ tốt nhất không nên cho số điện thoại. Vì "mấy người nhậu chỉ khiến thêm bực mình bởi những cú điện thoại trêu ghẹo, thậm chí nói năng bất lịch sự. Nhiều em sinh viên còn ngây thơ lắm, nếu gặp phải dạng đại gia một tí, nó nhắn tin gọi điện chở mua áo quần, cho tiền nong là sa ngã ngay. Làm nghề này, không cẩn thận thì cái giá nó rẻ hơn bèo.
Ngày trước, chị đã chứng kiến một đứa cũng cỡ sinh viên năm 2 thôi nhưng do chưa biết nhiều. Làm ở quán mới được đâu một tuần thì bảo nghỉ việc vì được một anh đại gia bao tiền nhiều lắm. Sau này, chị biết được nhỏ bị ông đó lừa, cho được mấy đồng tiền rồi đá đít con nhỏ luôn”, K.T nói.
K.T cũng cho biết, chỉ cần làm cỡ vài tháng thôi sẽ gặp đủ loại người. Người lao động có, buôn bán có, trí thức có, dân đại gia cũng có và cả những “ông anh” chức to cũng không thiếu. Mỗi tầng lớp sẽ có một văn hóa nhậu khác nhau.
Chẳng hạn, nếu khách là dân kinh doanh thì thông thường PG làm rất nhàn. Họ không thích có người đứng bên khi đang nói chuyện vì vậy nếu PG khéo léo mời họ dùng được bia của mình rồi thì chỉ việc xách thùng bia lên, ướp đá lạnh và họ thích tự phục vụ.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng… hên như thế!
Để làm một nhân viên tiếp thị bia (PG bia), thông thường bạn phải đạt một số tiêu chuẩn như: chiều cao từ 1,6  trở lên, khuôn mặt xinh xắn và quan trọng nhất vẫn là "cái miệng”. Kinh nghiệm làm việc nếu có thì tốt, còn không sẽ được nói trực tiếp trong vài buổi làm đầu tiên. 
Vào thời điểm cận Tết, bộ phận kinh doanh những hãng bia lớn như San Miguel, Sapporo… thường tích cực đi “săn” người làm PG bia. Trong đó, đối tượng sinh viên luôn được nhắm đến hàng đầu. “Khách hàng thích sự chuyên nghiệp nhưng họ còn thích hơn cái sự bỡ ngỡ, thơ ngây, thẹn thùng của mấy em sinh viên. Vì thế, chịu khó tốn công đào tạo, chỉ bảo là… ngon liền”, một nhân viên kinh doanh làm việc cho hãng bia S. nói.
Bài: N.P - Ảnh minh họa: Nguyên Trương