ĐĂNG BỞI  - 
Mới đầu năm 2014, các ngân hàng đã liên tiếp gặp “tai nạn" như nhân viên ăn cắp tiền tỉ, phó tổng giám đốc bị bắt vì thiếu trách nhiệm, ATM bị đập phá… Liệu đây có phải là dấu hiệu cho một năm không "may mắn" đối với ngành này?
Kết thúc năm 2013, khối ngân hàng chịu nhiều tai tiếng với những vụ “thụt két” đình đám do chính nhân viên ngân hàng gây ra, có những vụ số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Bước sang đầu năm 2014, tình hình cũng chưa mấy khả quan. 
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là một ngân hàng lớn. Vừa qua, ngân hàng này bị chính nhân viên của mình “rút ruột” gần 4 tỉ đồng. 
Cụ thể, lợi dụng vai trò đảm nhận nhiệm vụ chuyên viên ATM và quản lý 35 máy ATM, nhân viên Lý Chí Nguyên đã lợi dụng những sơ hở trong khâu vận chuyển để chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng. Theo thống kê từ cơ quan điều tra, có hơn 20 máy ATM bị nhân viên này “rút ruột”.
Cũng liên quan đến ATM nhưng là một trường hợp khác. Máy ATM của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) tại 187 Giảng Võ, Hà Nội mới đây đã bị kẻ gian đập phá. 
Theo đại diện ngân hàng, tên tội phạm đã móc kéo ATM ra khỏi cabin, nhưng do cảm biến rung lắc và độ nghiên điều khiển loa báo động đã hú ngay lúc đó nên tội phạm bỏ chạy… Rất may là tiền vẫn còn nguyên, két sắt chưa bị phá.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó Tổng Giám đốc bị bắt vì nghi có dính đến những sai phạm trong việc Agribank (chi nhánh Nam Hà Nội) cho vay quá hạn mức quy định, gây thiệt hại gần 4.000 tỉ dồng.
Ông Võ Thành Công, Giám đốc Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) chi nhánh Bạc Liêu và ông Trần Quốc Thống, Phó Giám đốc ngân hàng này cùng bị bắt tạm giam 4 tháng vì vi phạm các quy định trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. 
Ông Công đã chỉ đạo cấp dưới mượn sổ tiết kiệm một khách hàng là doanh nghiệp để mang ra ngoài thế chấp vay 10 tỉ đồng. Số tiền này được ông cho khách hàng quen mượn để trả lãi sau, nhằm giúp đơn vị giảm nợ xấu khi báo cáo hội sở. Tuy nhiên, những khách hàng này không có khả năng trả, hậu quả khiến nhà băng khó thu hồi vốn lẫn lãi với số tiền lớn.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), ông Phạm Trung Cang, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố ngày 18.9.2012 về hành vi cố ý làm trai quy định Nhà nước trong việc quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. 
Tuy nhiên, sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trả hồ sơ vụ “bầu” Kiên để Viện Kiểm sát điều tra lại thì nhận được tin ông này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam vào ngày 24.12.2013 trước đó, qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Những vụ lùm xùm đình đám kể trên đã phơi bày nhiều thiếu sót, sai phạm trong hệ thống ngân hàng hiện nay, càng đáng chú ý hơn khi hầu hết trường hợp đều xảy ra tại các ngân hàng lớn. Thế mới thấy, ngành ngân hàng Việt Nam cần một hướng đi mới, giải quyết những bất cập trong hệ thống quản lý hiện nay. 
Hiện quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như chủ trương của Nhà nước đề ra dường như vẫn chưa cho thấy được dấu hiệu tích cực.
Ngọc Diễm