Friday, January 17, 2014

Thanh tra vi phạm sử dụng đất: Chuyện chưa hồi kết



NGUYENSINHHUNG-NHATHO5



Tình trạng vi phạm quản lý, sử dụng đất vẫn “nhức nhối” kéo dài ở Hà Nội cũng như trên toàn quốc.
Năm 2013 vừa khép lại, Thành ủy Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án trên địa bàn toàn thành phố.

Ngập tràn… sai phạm

Thời kỳ bất động sản bắt đầu “rũ bỏ” những giá trị “bong bóng” và “rùng mình” trở lại bản chất thực, lĩnh vực xây dựng – bất động sản khu vực phía Bắc liên tiếp đón nhận đủ cú “sốc”. Bắt đầu từ nửa cuối 2012, toàn thị trường xây dựng Hà Nội chứng kiến hàng trăm doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản; hàng nghìn nhà đầu tư “lướt sóng” “vỡ trận”, vì ôm đất đầu cơ và vô kể những người dân “tiền mất tật mang” mà vẫn chẳng thể lo được một chốn an cư.
Kèm theo đó, giới hành pháp và tư pháp cũng bận bịu hơn với đủ loại kiện tụng, tranh chấp liên quan tới quyền lợi từ bất động sản. Về phía các cơ quan đầu ngành xây dựng (hay tài nguyên, môi trường), tình trạng tràn lan đất dự án bỏ hoang, sử dụng đất sai mục đích, giao đất, thu hồi đất tùy tiện của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bắt đầu “báo động đỏ”.
Trước khi bất động sản vào cơn “sốt” đỉnh điểm năm 2010, thông tin phát đi từ Tổng cục Đất đai đã hé lộ những “điểm tối” trong ngành. Thời điểm giữa năm 2009, tình trạng các dự án quá 12 tháng, nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, hoặc sử dụng đất chậm tiến độ còn phổ biến ở hầu hết các địa phương. Theo đó, cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo”, với diện tích trên 130.000 ha, trong đó có 670 dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, diện tích 48.000 ha; 230 dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, diện tích 14.000 ha; 180 dự án xây dựng, chỉnh trang khu đô thị và khu dân cư nông thôn, diện tích 3.900 ha. Các địa phương có nhiều dự án “treo” gồm: Nam Định (80 dự án), Tp.HCM (50), Quảng Nam (50), Đồng Nai (40), Vĩnh Phúc (32), Hà Nội (29), Cần Thơ (24)…
Tới năm 2013, tình hình dường như vẫn chưa có chiều hướng tích cực. Tháng 1, tại hội nghị triển khai kế hoạch 2013 của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận: tại nhiều địa phương chưa kiểm soát đô thị theo quy hoạch, cứ nhà đầu tư “xin” là chính quyền chấp thuận, mà không căn cứ xem đô thị phát triển đến mức nào, dân mỗi năm tăng bao nhiêu để xây dựng phù hợp với tốc độ phát triển.
Bộ Xây dựng có thể sẽ đề xuất Chính phủ “mạnh tay” hơn trong việc thu hồi khoảng 30 – 40% số dự án bất động sản hiện có, trong đó tập trung vào số dự án quá chậm hoặc không thể triển khai, qua đó góp phần khắc phục tình trạng dự án tràn lan, siết chặt được nguồn cung ra thị trường, tránh tình trạng dư thừa.
Thực trạng thanh tra “trống giong cờ mở” rồi mọi chuyện sai phạm vẫn đâu đóng đấy diễn ra thường xuyên tại Hà Nội. Năm 2013 được coi là năm của rất nhiều chính sách, quyết sách hướng tới quản lý, phát triển thị trường bất động sản cũng như chấn chỉnh kỷ cương ngành xây dựng. Nhưng kết quả đạt được vẫn rất hạn chế so với tổng quan những sai phạm còn hiện hữu.

Chế tài bị “nhờn thuốc”

Còn nhớ, tháng 2/2013, UBND Tp. Hà Nội ra quyết tâm trong năm 2013 sẽ tăng cường kiểm tra các dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa. Trong giai đoạn 2009 – 2012, các cơ quan chức năng của Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý 75 tổ chức vi phạm Luật Đất đai, lập hồ sơ thu hồi 16 dự án. Đặc biệt, năm 2013, thành phố tập trung chỉ đạo xử lý đối với 23 chủ đầu tư được giao và quản lý 33 khu đất, dự án với diện tích hơn 488.000m2.
Tới tháng 8/2013, UBND Tp. Hà Nội yêu cầu các sở ngành liên quan có biện pháp xử lý đối với 131 dự án chậm triển khai trên địa bàn (chiếm tới hơn 1.618ha còn chậm triển khai và chưa triển khai GPMB). Đáng chú ý, đối với những dự án này, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải rà soát, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm đề xuất phương án xử lý dứt điểm trong năm 2013.
Rốt ráo là vậy, những thông tin mà giới chức Hà Nội công khai tại Hội nghị Tổng kết ngành tài nguyên (7/1/2014) lại chẳng mấy lạc quan. Cụ thể, trong năm 2013, các sở, ngành chức năng của thành phố thanh, kiểm tra 925 dự án; phát hiện 39 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng khởi công chậm quá 12 tháng và chậm hoàn thành dự án quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt mà không có lý do chính đáng; 291 dự án chậm hoàn thành GPMB dẫn đến chậm triển khai; 100 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính và 595 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai (!)
Mới đây nhất, Thành ủy Hà Nội lại khởi động một “chiến dịch” thanh tra. Đây là kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án trên địa bàn toàn thành phố theo nhiều nội dung như: nghĩa vụ tài chính, chậm bồi thường GPMB, để hoang hóa… Theo đó, từ 1 – 31/5/2014, thực hiện kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp được thành phố giao đất, cho thuê đất từ 1/1/2009 đến 31/12/2013, trừ một số dự án đã được hoặc có quyết định thanh tra, kiểm tra và cấp thẩm quyền có ý kiến xử lý theo quy định.
Các hộ gia đình, cá nhân được giao đất để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cũng nằm trong diện kiểm tra đợt này. Hy vọng, với cuộc ra quân mạnh mẽ này, Hà Nội sẽ không còn nằm trong danh sách vi phạm Luật Đất đai hàng đầu cả nước (Tp. HCM có 134.000 trường hợp, Hà Nội có 130.700 trường hợp).
Theo Thời báo Kinh doanh

No comments:

Post a Comment