Những người dân lao động tự do ở gầm cầu Long Biên tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức, với họ Tết có cũng như không
Một năm tất tả rồi cũng qua khi ngày cuối cùng ba mươi tết tới từng gia đình Việt Nam. Bên cạnh những mái ấm trông chờ thời khắc của nửa đêm không ít những gia đình mãi tới ngày 30 vẫn không biết tết là gì. Mời quý vị cùng Mặc Lâm tới thăm họ vào chiều tối hôm nay.
Những người không có Tết
Giống như đích đến của một cuộc đua ngày ba mươi tết vắng vẻ và êm ả lạ thường sau một tuần lễ chuẩn bị cho ngày mùng một tết. Ngày ba mươi đường xá thường vắng lặng, mọi người ở nhà làm những công việc cuối cùng của một năm. Ngồi thảnh thơi thở phào chờ thời khắc giao thừa để thêm một niềm hy vọng mới.
Thế nhưng không phải ai cũng thở phào trút được âu lo trong ngày cuối cùng này nhất là người nghèo, những cuộc đời mà đồng tiền cuối cùng trong ba ngày tết phụ thưộc vào người mua sắm hay từ các ông chủ doanh nghiệp trả lương cho người công nhân.
Đáng ra thì lương phải được phát trước vào ngày 23 tháng chạp cho công thợ mua sắm tết nhưng năm nay qua tổng kết cuối năm từ báo chí bức tranh ảm đạm của nhiều doanh nghiệp đã báo động một kết quả tối tăm trong năm 2013, kết quả ấy kéo theo sự khất lương công nhân khiến giới này phải bấm bụng ăn một cái tết khó thể nghèo hơn.
Một người sống tại thành phố cho biết ngày ba mươi trong gia đình của ông khi con cái tới 28 tết mới nhận được một phần lương ít ỏi:
Công nhân của mình tiền đem về trả tiền lương không có cho công nhân nên khờ khạo hết. Nó hứa cuối năm nó trả tiền nhưng chờ chực đến 28, 29 tết cũng không có gì. Thằng nhỏ về nói lãnh được mấy đồng gì đó để ăn tết sơ vậy thôi.
Lương tiền công nhân trực tiếp ảnh hưởng tới sự mua bán của tiểu thương, nhất là tiều thương nhỏ. Đồng tiền ít ỏi của công nhân không thể vào siêu thị mà những chợ nho nhỏ chung quanh thành phố, thị trấn là nơi họ có thể tựa vào nhau trong từng nồi cơm đạm bạc hay bó rau khiêm nhường. Một chị tiểu thương tại một chợ nhỏ như thế than thở vào ngày cuối năm:
Bán ba bữa tết bán bậy bạ có gì bán nấy. Ôi cha năm nay bẩn chật lắm ai cũng vậy hết. Năm nay đâu bằng mọi năm ra chợ rồi ngồi coi thôi, năm nay thấy nó khổ hơn năm ngoái chợ búa không đông đảo như năm ngoái.
Ngày 30 Tết đường phố bắt đầu vắng, người đi nhặt ve chai vẫn công việc là chính. RFA screen capture
Giống như mọi năm một số huyện nghèo được nhà nước hỗ trợ cho người dân neo đơn, trong hay dưới ngưỡng nghèo một ít thực phẩm và tiền để gọi là ăn cho qua ngày tết, thế nhưng không hiểu sao năm nay lại có sự trợ giúp rất đáng buốn khi tại Khu phố 7 phường 5 thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị mỗi hộ nghèo như vậy được trợ giúp 4 kg muối. Chị Lê Thị Phương Anh cho biết:
Dạ mọi năm vẫn có được 15 kg gạo với 3 trăm nghìn nhưng năm nay có được 4 ký muối thôi ạ. Họ tới nhà họ gọi họ phát và tất cả hộ nghèo đều được như vậy.
Nói về sự trợ giúp của chính quyền địa phương trong những năm trước chị Phương Anh chia sẻ:
Đa số họ đã bớt xén. Mấy năm trước có một năm họ cho một thùng mì tôm một chai nước mắm một gói mì chính. Họ ghi ra là hộ nghèo được 500 nghìn nhưng thực ra chỉ có 120 nghìn thôi.
Bà Trần Ngọc Anh khi thấy trên TV có phóng sự về sự trợ giúp này cho biết cảm nghĩ của mình:
Năm nay nhà nước lên TV họ nói là họ giúp đỡ cho người nghèo, lá lành đùm lá rách nhưng thật sự người dân oan đã bị họ đẩy ra ngoài lề xã hội không được ai quan tâm, thậm chí người dân oan còn đáng thương hơn là người nghèo hay nạn nhân thiên tai bão lụt. Từ chuyện này tụi tôi rất bức xúc muốn vào ngày mùng hai tết sẽ thể thể hiện cho quốc tế và mọi người biết đảng cầm quyền này nó cướp đất của dân oan chúng tôi rồi nó đẩy chúng tôi ra ngoài lề xã hội. Bây giờ chúng tôi đói khổ mất trắng không còn gì. Đi làm thuê làm mướn một năm trời ba ngày tết cũng không có để mà ăn nữa.
Thậm chí bây giờ con cái đi làm cù bất cù bơ ở thành phố mà giờ chưa về nữa. Bây giờ phải đi làm luôn cả ngày mùng một mùng hai tết để kiếm sống. Chính cái đảng cộng sản Việt Nam đã đẩy chúng tôi vào con đường không còn lối thoát.
Chính quyền không thể giúp hết mọi người nghèo trên đất nước này và vì vậy hàng xóm láng giềng sẽ tự giúp nhau. Gia đình bà Hồ thị Lan, chị ruột của tù nhân lương tâm Hồ Thị Bích Khương là một ví dụ. Bà Lan kể về em mình trong tù cũng như chính bản thân của bà bên ngoài nhà tù:
Hổm rày tết bận rộn và tôi không có đi thăm Bích Khương thì thằng cháu có đi về nó nói lại Khương bị trại cho con nghiện đánh đập ở trong tù. Chòm xóm có cho 10 ký gạo chứ nhà nước đâu cho gì đâu. Không có gì cả. Nông thôn thì bây gìờ có sao ăn vậy chứ biết sao được?
Trưa ba mươi tết vườn hoa Mai Xuân Thưởng tại Hà Nội không còn một bóng dân oan. Họ về đâu không ai biết. Họ ăn tết thế nào cũng chẳng ai hay. Số phận của những người dân oan này khó thể diễn tả cho ra ngọn nguồn khi chính bản thân của họ cũng đã quá quen với sự lưu lạc ngay trong những ngày cuối cùng sau một năm chờ đợi giải quyết đơn thư của mình trong tuyệt vọng.
Bà Trần Thị Huỳnh Mai có kinh nghiệm nhiều năm với vườn hoa này kể lại:
Tuy tôi không ở lại ăn tết nhưng mà qua thông tin của bà con người ta ở lại thì tôi cũng biết là nửa đêm hai ba giờ đêm thì công an họ dùng mọi biện pháp để đưa dân oan về họ sợ để vậy thì các lãnh đạo biết đâm ra không hay nên họ lấy lý do an ninh thủ đô nhưng thật sự tôi nghĩ đó là hình thức bưng bít thông tin không cho lãnh đạo biết là dân còn đang khổ, còn oan ức như thế
Tết trong tù
Dân oan dù sao cũng còn chút tự do để ngắm nhìn người khác ăn tết, những tù nhân chính trị không có cơ hội bằng vàng ấy. Người tù trẻ tuổi Nguyễn Tiến Trung đã khá lâu không được ai nhắc tới có lẽ năm nay anh ăn tết với gia đình đầm ấm hơn mọi năm. Theo lời mẹ anh là bà Lê Thị Minh Tâm kể lại thì anh sẽ có ba tiếng đồng hồ hạnh phúc do trại giam ban cho. Trong ba tiếng đồng hồ ấy có thể anh sẽ được nghe kể lại về một ngày ba mươi tết buồn hiu bên ngoài song sắt:
Hôm 28 tết có đi gửi quà cho Trung anh ạ. Thế còn ngày mùng 6 tết thì được gặp Trung, coi như người ta nói ngày đó là ngày hạnh phúc. Những tù nhân khác thì người ta được gặp cả ngày, riêng Trung thì chỉ được ba tiếng thôi. Trong ba tiếng đó thì gia đình được ngồi ăn uống với nhau nhưng người ta cũng cho hai công an cùng ngồi với mình.
Cũng là tù nhân nhưng số tù của anh Đặng Xuân Diệu thì khác. Anh là một trong 14 thanh niên Công giáo đang bị giam cầm và mới đây đã tuyệt thực chống lại sự đối xử thô bạo của trại giam. Có lẽ vì vậy mà anh bị cấm thăm nuôi trong ba ngày trước tết. Chiều 30 tết anh Đặng Xuân Hà anh ruột của Đặng Xuân Diệu cho biết:
Tết năm nay riêng Đặng Xuân Diệu thì không hề nhận được gì của người nhà đâu anh ơi vì mình đi thăm thì họ không cho đưa vào.
Cũng là con người như nhau nhưng xem ra nếp gấp giữa hai giai tầng xã hội vẫn còn quá lớn, đặc biệt nó không còn là nếp gấp nữa mà đã trở thành một ung nhọt khi vết thương nhân quyền vẫn còn hành hạ thân thể Việt Nam kể cả trong ngày cuối cùng của một năm, ngày ba mươi tết.
THEO RFA
No comments:
Post a Comment