ĐĂNG BỞI  - 
Dù bị ép đủ đường do làm lao động bất hợp pháp, nhưng nhiều khách Việt vẫn chấp nhận mua tour du lịch nước ngoài để trốn ở lại.
Ông Lâm Tứ Khôi, phụ trách thị trường khách Việt Nam ra nước ngoài của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, sở dĩ du khách trong nước đi tour trốn ở Hàn Quốc, Nhật Bản… nhiều là do đã có người thân quen đang sinh sống ở đây. Những người này đi theo diện xuất khẩu lao động nhưng khi hết hạn hợp đồng đã trốn lại, rồi dắt díu người nhà qua. 
Đối với một số nước như Mỹ hoặc trong Liên minh châu Âu, khách Việt dường như không thể trốn lại vì khi xin visa có khâu phỏng vấn. Hồ sơ đầy đủ thủ tục là một chuyện, phỏng vấn được hay không là chuyện khác. Còn xin visa đi Nhật hay Hàn thì không có khâu phỏng vấn. Cũng có ý kiến cho rằng, phía Hàn Quốc không xử phạt người lao động bất hợp pháp nghiêm khắc vì nhu cầu lao động phổ thông ở đây khan hiếm. Các nhà máy cũng thích mướn lao động bất hợp pháp bởi giá rẻ, dễ bắt nạt.
Nguyễn Thanh Bình (nhân vật đã được đổi tên), quê ở Biên Hòa (Đồng Nai) là du học sinh ở Seoul, nhưng sau khi ra trường đã quyết định ở lại làm việc tại một công ty du lịch trong vai trò một hướng dẫn viên tiếng Việt. Thỉnh thoảng, Bình được mời làm phiên dịch cho các bà, các chị người Việt qua Hàn Quốc chỉnh sửa nhan sắc. Nhưng những lần làm phiên dịch đáng nhớ nhất trong đời của Bình là hỗ trợ ngôn ngữ cho các lao động Việt Nam bất hợp pháp bị bắt ở Hàn Quốc.
Số liệu thống kê vào năm 2013 của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (nguồn TTXVN) cho biết, tính từ năm 2004, có hơn 72.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Thu nhập bình quân của người lao động từ 900-1.200 USD/tháng, hàng năm số lao động trên chuyển về nước ước trên 700 triệu USD.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, khi hết hạn hợp đồng đã có rất nhiều lao động Việt Nam tiếp tục ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp mà không về nước. Tình trạng này là nguyên nhân khiến Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc không ký gia hạn bản ghi nhớ về việc đưa lao động Việt Nam sang làm ở nước này theo chương trình EPS đã hết hiệu lực từ tháng 8.2012. Mới đây, chính sách này mới được kết nối trở lại. 
Du khách mua tour đi du lịch rồi trốn lại không chỉ làm xấu hình ảnh Việt Nam mà còn khiến các công ty du lịch gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. 


Tỉ lệ người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước ở mức cao nhất so với lao động nước ngoài ở Hàn Quốc, lên tới 57% vào năm 2012. Theo phía Hàn Quốc, tổng số lao động Việt Nam bất hợp pháp là 22.708 người vào năm 2013. Do chương trình EPS bị gián đoạn, nhiều lao động Việt Nam không được qua Hàn Quốc làm việc theo con đường chính thức. Đây cũng chính là nguyên nhân nhiều người theo các tour du lịch đến Hàn Quốc rồi lợi dụng tình hình không bị kiểm soát, đã trốn ở lại để kiếm tiền.
Theo Bình, người Việt lao động bất hợp pháp ở các nhà máy gần Seoul rất đông. Thường thì được trả lương rẻ bèo, sống chui nhủi, hầu như chẳng dám ra đường. Với mức lương quá thấp, nhiều người chỉ đủ sống qua ngày trong các nhà trọ giá rẻ, trong khi chi phí sinh hoạt như điện, nước, ăn uống… lại rất cao. Thậm chí, có người bị chủ nhà máy quỵt tiền lương, hoặc trả lương rất chậm. Nhưng người lao động bất hợp pháp không dám lên tiếng tố cáo với công an. Vì nếu tố cáo, chẳng khác nào thông báo với công an là mình đang làm chui.
Biết rõ tình cảnh đó, nên nhiều chủ nhà máy Hàn Quốc rất thích nhận lao động bất hợp pháp, phần vì trả lương giá rẻ, phần khác có thể bắt nạt bất cứ lúc nào. Bình kể, có lần anh được công an Hàn Quốc mời làm phiên dịch cho một thanh niên Việt Nam bị bắt do đánh chủ nhà máy. Số là, chủ nhà máy không trả lương cho anh này nhiều lần, khiến anh ta bức xúc nên đã dùng đến chân tay. Ngay lập tức, công an đến để can thiệp và bắt anh ta.
Do không đủ tiền mua vé máy bay để về nước, nên anh này bị buộc phải làm việc công ích, cơ cực, thiếu thốn đủ điều. Lần gặp Bình gần đây, anh nhắn bạn bè gom tiền để mua vé về nước và gửi lời đến những ai có ý định trốn lại Hàn Quốc để làm việc thì nên từ bỏ. Sau bao năm ở nước ngoài, anh trở về Việt Nam với đôi bàn tay trắng. Ngay bản thân Bình, lúc mới qua Hàn Quốc, đi làm thêm, cũng bị chủ nhà máy quỵt tiền lương do nghĩ anh không có giấy tờ. Đến khi Bình đòi gọi công an tới can thiệp, chủ mới chịu trả lương sòng phẳng.
Du khách mua tour đi du lịch rồi trốn lại không chỉ làm xấu hình ảnh Việt Nam mà còn khiến các công ty du lịch gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. 
Theo ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, nếu công ty nào có khách trốn lại sẽ hết cửa xin visa đưa khách vào nước đó. Ngoài ra, nếu xảy ra thường xuyên, quốc gia có khách Việt trốn lại sẽ khó khăn hơn trong quá trình cấp visa cho những khách có nhu cầu đi du lịch thực sự. Trường hợp này đã từng xảy ra, thậm chí, có thời điểm Macau không cấp visa cho khách Việt hoặc Hồng Kông tăng cường nhiều thủ tục khắt khe.
Nguyên Trần
Ảnh: Khách Việt du lịch ở Hàn Quốc. Ảnh: N.Trần