ĐĂNG BỞI  - 
Trong phiên giải  trình, chất vấn về tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng qua biên giới trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng nay 7.1, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng hậu quả của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đang “phá hoại nền kinh tế”. Nhưng Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng lại cho rằng, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng chỉ dừng lại ở mức “ảnh hưởng tiêu cực” đến nền kinh tế.
Có tiêu cực ngay trong lực lượng chống buôn lậu và quản lý thị trường
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thay mặt Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127/TƯ) đọc “báo cáo về thực trạng, giải pháp phòng chống buôn lậu qua biên giới, góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm”, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, hiệu quả của lực lượng quản lý thị trường và…
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội 
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định: Việc xử lý loại ra khỏi ngành những cá nhân có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu cho thấy quyết tâm của Chính phủ nhưng đồng thời cũng chỉ ra hiện tượng tiêu cực còn tồn tại ngay chính trong lực lượng chống buôn lậu.
Để làm bằng chứng, ông Cương dẫn ra vụ việc buôn lậu 6.000 tấn dầu DO của Công ty Hoàng Sơn ở Thanh Hoa: Tàu này chính là tàu đã bị bắt trước đó, sau đó lại được bán thanh lý cho Công ty Hoàng Sơn và đơn vị này lại tiếp tục sử dụng để đi buôn lậu. Tàu không được đăng kiểm, chứa hàng ngàn mét khối dầu ngang nhiên hoạt động trên biển mà hải quan và cảnh sát biển “không biết”.
 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng khẳng định thêm: “Quản lý thị trường vẫn là khâu yếu” và lo lắng: “Chừng nào quản lý thị trường còn như hiện nay thì vẫn còn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Ở bất cứ địa phương nào cũng có thể mua được hàng buôn lậu hết sức dễ dàng”. Ông Cương đề nghị Bộ Công thương đưa ra giải pháp kiểm soát tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu và khắc phục yếu kém của quản lý thị trường.
Khẳng định hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng “phá hoại nền kinh tế Việt Nam”, làm các doanh nghiệp làm ăn ngay thật mất niềm tin và phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng phải xử lý được tận gốc là đầu nậu thay vì bắt những người cửu vạn nhỏ lẻ vác hàng qua biên giới như hiện nay. 
“Lực lượng chức năng luôn nói rằng khó tìm ra nguồn gốc. Nếu những người cửu vạn này mang vũ khí qua biên giới, sau 24 giờ bắt được ngay. Rải đinh trên đường thì không tìm được nhưng nếu rải truyền đơn, sau 24 giờ bắt được ngay”, đại biểu Lịch bức xúc.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Trần Du Lịch khẳng định thêm: “Gốc của vấn đề là tiêu cực chứ không đổ lỗi cho cơ chế” và đề nghị Bộ trưởng đánh giá để có cách giải quyết.
Về sự hoạt động của quản lý thị trường mà Bộ trưởng Công thương “kêu” là quá mỏng, chỉ có 5.200 người trên cả nước, đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết là cần đầu tư bao nhiêu tiền cho quản lý thị trường và cam kết đầu tư bao nhiêu tiền thì sẽ giải quyết được tình trạng hàng lậu, hàng giả tràn lan. Quốc hội Việt Nam dù nghèo cũng không đến mức không đầu tư được”.
“Lực lượng chức năng luôn nói rằng khó tìm ra nguồn gốc. Nếu những người cửu vạn này mang vũ khí qua biên giới, sau 24 giờ bắt được ngay. Rải đinh trên đường thì không tìm được nhưng nếu rải truyền đơn, sau 24 giờ bắt được ngay”, đại biểu Trần Du Lịch bức xúc.
Cũng đặt vấn đề về hiệu quả của lực lượng quản lý thị trường, đại biểu Đỗ Văn Đương cho hay, bản thân ông nhận được nhiều khiếu lại, tố cáo của người dân về tiêu cực trong lực lượng này và chất vấn: “Trong những năm vừa qua, quản lý thị trường đã phát hiện bắt giữ được bao nhiêu vụ. Hiệu quả có tương xứng với số tiền Nhà nước bỏ ra nuôi không?”.
Thừa nhận có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng bộ phận này “chỉ là thiểu số”.
Bộ trưởng cũng cho rằng, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại có một phần nguyên nhân do lực lượng quản lý thị trường quá mỏng. Với 5.200 người trên địa bàn cả nước, mỗi tỉnh chưa có đến 100 người. Nhiều địa bàn khó khăn, 3 huyện mới có một đội quản lý thị trường chỉ 4-5 người nên không thể bao quát hết.
Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch về tác động tiêu cực của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng “phá hoại nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Công thương đưa quan điểm cá nhân cho rằng chỉ ở mức “ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế”.
Chính sách còn nhiều bất cập 
Một vấn đề được cả báo cáo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và nhiều đại biểu nêu ra trong phiên giải trình đó là những bất cập về chính sách, sự chồng chéo của các cơ quan liên quan cũng khiến cho công tác đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới, chống hàng giả hàng kém chất lượng chưa được kết quả như mong muốn.
Đại biểu Trần Du Lịch 
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, chính sách của Nhà nước cho người dân biên giới được mang hàng giá trị dưới 2 triệu đồng/ngày/người qua biên giới đang bị các đầu nậu lợi dụng, biến người dân thành cửu vạn vận chuyển hàng lậu. Chính sách ưu tiên tạm nhập tái xuất cho doanh nghiệp cũng bị lợi dụng để buôn lậu, vụ lọt lưới 600 bánh heroin qua sân bay Tân Sơn Nhất là một ví dụ.
Trung tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục phòng chống tội phạm của Bộ Công an cũng cho rằng, chế tài xử lý phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi buôn lậu hiện nay là quá nhẹ, không có tính răn đe khi mà số hàng buôn lậu có thể lên đến hàng chục tỉ đồng.
Trung tướng Nguyễn Tiến Lực cũng cho biết, nhiều vụ buôn lậu không xử lý được khi chính sách của Nhà nước cho người dân mang hàng giá trị 2 triệu qua biên giới, đối tượng khi bị bắt thì khai là thu gom hàng ở chợ biên giới trong khi quy định của luật là phải phát hiện có chuyển hàng qua biên giới mới được truy tố trách nhiệm hình sự. Do đó, theo ông Lực, nên có quy định chặt chẽ hơn, chỉ cần phát hiện ra hàng không chứng minh được nguồn gốc là có thể truy tố hình sự.
Để tránh tình trạng chồng chéo như hiện nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết cũng đã đề nghị nâng cấp Ban chỉ đạo 127/TƯ, theo đó đề nghị một đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo để đảm bảo đồng bộ hơn giữa các bộ phận.
Tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được đánh giá có xu hướng gia tăng mạnh, đặc biệt là trong dịp cận Tết Nguyên đán. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn khiến cho ngân sách Nhà nước thất thu không nhỏ.
Bài: Tuấn Ngọc. Ảnh: Nam Phong