ĐĂNG BỞI  - 
Tiến sỹ Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho rằng, tiến độ xử lý nợ xấu hiện nay còn chậm. Mục tiêu đưa dư nợ xấu về mức an toàn dưới 3% so với tổng dư nợ vào cuối năm 2015 đang đặt ra nhiều thách thức với VAMC và DATC.

Tại hội thảo “Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam” diễn ra ngày 17.12 tại Hà Nội, các chuyên gia tài chính Trung Quốc và Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý tài chính và xử lý nợ xấu tại Việt Nam và Trung Quốc.
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc
Bà Hàn Hiển Minh, Viện nghiên cứu tài chính Bộ Tài chính - Trung Quốc cho biết, một trong những nguyên nhân phát sinh nợ xấu tại Trung Quốc là chịu ảnh hưởng của các chỉ thị và chính sách hành chính. 
Các Ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc phải đảm nhận lượng lớn các khoản vay chính sách, chiếm 1/3 tổng kim ngạch vốn vay ngân hàng thương mại nhà nước. 
Mặt khác, việc xây dựng cơ chế quản lý vay vốn ngân hàng nhà nước và cơ cấu quản lý nội bộ chậm chạp, Chính phủ can thiệp, hay cơ cấu tài chính doanh nghiệp đơn nhất, chú trọng nguồn tài chính gián tiếp cũng là những nguyên nhân phát sinh nợ xấu. 
"Công ty quản lý tài chính (AMC) là cơ cấu xử lý nợ xấu quan trọng của Ngân hàng Thương mại nhà nước Trung Quốc, là doanh nghiệp tài chính độc lập nhà nước, và do Bộ Tài chính bỏ vốn thành lập. Từ năm 1999 đến nay, ACM đã hai lần tiếp nhận nợ xấu với quy mô lớn và đến giữa năm 2009, AMC đã thu mua và uỷ quyền quản lý nợ xấu đạt hạn ngạch hơn 3.400 tỉ nhân dân tệ" - bà Hiển Minh cho biết.
Xử lý nợ xấu tại Việt Nam còn chậm và nhiều thách thức (Ảnh minh họa)
Kết quả thu được sau khi xử lý nợ xấu tại Trung Quốc là các cơ quan quản lý giám sát ngân hàng Thương mại Trung Quốc đã đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với việc điều tiết nợ xấu sau cắt bỏ, và tạo ra được hiệu quả thực tế tương đối tốt. Việc xử lý nợ xấu cũng thúc đẩy hiệu quả tái cơ cấu giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Xử lý nợ xấu tại Việt Nam còn chậm
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tại Việt Nam, TS. Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho rằng, là do tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng cầu giảm.
"Doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ vay khiến nợ xấu của các ngân hàng tăng cao. 
Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các tổ chức tín dụng, khi mà những năm trước đây hầu hết các tổ chức tín dụng đều theo đuổi chiến lược tăng trưởng mạnh dẫn đến không kiểm soát được chất lượng tín dụng. 
Một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán... nên khi các lĩnh vực này, đặc biệt thị trường bất động sản đóng băng, giá bất động sản giảm sâu kéo theo nợ xấu trong lĩnh vực này tăng nhanh..." - TS. Thường cho biết.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc DATC, tiến độ xử lý nợ xấu hiện nay ở Việt Nam còn chậm. Mục tiêu đưa dư nợ xấu về mức an toàn dưới 3% so với tổng dư nợ vào cuối năm 2015 đã đặt ra thách thức cho VAMC và DATC. 
Đối với VAMC, ngoài việc tiếp tục mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ thì theo định hướng từ 2014 trở đi sẽ thực hiện phương thức theo cơ chế thị trường và bắt đầu phương thức xử lý nợ xấu.
Còn DATC thì việc mua nợ xấu gắn với tái cấu trúc và các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ quá trình sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
"Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận rằng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu đã thu được kết quả khả quan" - TS Thường nhấn mạnh.
Duyên Duyên