ĐĂNG BỞI  - 
Đức Vịnh
Năm học 2013-2014 này tỉnh An Giang đã có 4.927 học sinh bậc THCS và THPT bỏ học. Đó là chưa tính con số học sinh theo gia đình chuyển đi địa phương khác, bởi trong số này trường hợp bỏ học cũng khá cao...
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bỏ học, trong đó có từ căn bệnh chạy theo thành tích để học sinh lên lớp non.
Cố ngăn mà vẫn tăng
Nhà nghèo, cha mẹ làm thuê mướn, bán vé số chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên mấy anh chị của Nguyễn Văn Thái (ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú) lần lượt bỏ học sớm để phụ gia đình mưu sinh.
Năm học này Thái vào học lớp 6 Trường THCS Đa Phước được vài tháng thì nghỉ học đi bán vé số. Thầy cô đến tận nhà vận động thuyết phục đủ điều gia đình mới cho cậu đi học trở lại. Những học sinh như Thái đang được nhà trường dạy phụ đạo cho theo kịp chương trình để thi học kỳ.
Ông Dương Minh Hùng - hiệu trưởng Trường THCS Đa Phước - cho biết đầu năm học này mặc dù nhà trường áp dụng đủ cách cố gắng duy trì sĩ số ở các lớp nhưng đến đầu tháng 12 này vẫn có 23 học sinh bỏ học hẳn. 
Nhiều trường học khác trong huyện An Phú cũng tương tự, trong lớp học một số dãy bàn ghế bắt đầu... lác đác chỗ trống. 
“Ấy là thời điểm này chưa phải lúc cao điểm của học sinh bỏ học. Thường qua tết các em nghỉ học hàng loạt, nhiều lớp học trở nên thưa thớt” - một số giáo viên cho hay.
Trường THCS Đa Phước, huyện An Phú thường xuyên tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém, giúp các em theo kịp chương trình để hạn chế bỏ học - Ảnh: Đ.Vịnh 
Theo báo cáo của Phòng giáo dục huyện An Phú, mới đầu năm học 2013-2014 mà hiện toàn huyện đã có 133 học sinh bậc tiểu học và THCS bỏ học, theo chu kỳ như một “quy luật” ở địa phương này thì tới mùa thu hoạch lúa và qua tết con số học sinh bỏ trường bỏ lớp sẽ tăng lên đột biến. 
“Thường các em theo gia đình, anh chị làm thuê, theo bạn bè rủ rê rời bỏ quê nhà lên TP.HCM, miền Đông... làm việc kiếm sống” - ông Nguyễn Văn Phú, hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Trường, nói.
Ông Thái Kim Khải - phó Phòng giáo dục huyện - cho hay nhiều năm trước tỉ lệ học sinh bỏ học mỗi năm của huyện từ 12,5%, thậm chí trên 15%. Cụ thể, mỗi năm học có 1.300-1.700 học sinh hai bậc tiểu học và THCS bỏ học. 
Mấy năm gần đây ngành giáo dục phối hợp cùng với chính quyền, đoàn thể tập trung thực hiện các biện pháp... cố ngăn dòng bỏ học, nhưng tỉ lệ học sinh bỏ học ở hai bậc học này vẫn còn khá cao. Chẳng hạn năm học 2011-2012 có 1.026 học sinh và năm học 2012-2013 có 1.134 học sinh bỏ học.
Nghèo, học kém và chạy theo thành tích
Ông Hùng kể phần lớn học sinh bỏ học đều có gia cảnh khó khăn, cha mẹ làm thuê mướn kiếm sống qua ngày, nhiều em bị buộc ở nhà để chăm nom em nhỏ, phụ giúp gia đình trong chuyện mưu sinh. 
“Không ít trường hợp cha mẹ bỏ lên Bình Dương kiếm sống, bây giờ kinh tế khó khăn, đồng lương không đủ chu cấp, ở nhà các em phải bỏ học đi bán vé số kiếm tiền lo cho ông bà đã già yếu để cùng nhau đắp đổi” - ông Hùng xúc động nói.
Theo ông Khải, qua phân tích nguyên nhân cho thấy phần lớn học sinh bỏ học xuất phát từ gia đình nghèo buộc trẻ em phải lao động sớm, nhiều gia đình rời bỏ địa phương đến nơi khác tha phương mưu sinh thường dẫn các em phải đi theo. 
Điều đó ngoài hoàn cảnh kinh tế địa phương còn khó khăn, nhiều hộ dân không có nghề nghiệp ổn định thì còn do nhiều bậc cha mẹ ít quan tâm đến chuyện học hành của con em mình.
Một số gia đình có tâm lý “giao khoán” cho nhà trường, thậm chí không tạo điều kiện mà còn lợi dụng các em vì mục đích cá nhân như đặt yêu sách đòi hỏi nhà trường và chính quyền phải hỗ trợ mới cho con đi học.
Tuy nhiên theo ông Khải, còn có một nguyên nhân quan trọng khác nữa là do học kém nên bỏ học. Trách nhiệm này thuộc về đội ngũ giáo viên, trong đó có việc chạy theo thành tích để học sinh lên lớp non khiến các em không theo kịp chương trình dẫn đến học lực yếu, đâm ra chán ngán việc học rồi nghỉ luôn. 
“Cùng với gia cảnh nghèo thì học lực yếu là giọt nước làm tràn ly dẫn tới bỏ học” - ông Khải đánh giá.
Trưởng Phòng giáo dục huyện Tịnh Biên Trương Chính Văn cũng cho rằng ngoài các nguyên nhân về kinh tế - xã hội thì tình trạng “ngồi nhầm lớp” cũng là nguyên nhân rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt việc dạy và học thì ngành đã yêu cầu các trường dạy phải đúng chuẩn kiến thức, đồng thời thường xuyên kiểm tra chất lượng đội ngũ giáo viên. 
“Những trường hợp bị phát hiện dạy không đạt chuẩn, cho học sinh lên lớp non sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nếu giáo viên thay đổi nhận thức, đầy đủ tinh thần trách nhiệm thì việc ngăn dòng bỏ học mới bền vững” - ông Văn nhận định.
Học sinh vào học lớp 10 chỉ đạt 43,53%
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT An Giang, mấy năm qua ngành giáo dục cùng với các cấp ngành, đoàn thể địa phương triển khai nhiều biện pháp khá đồng bộ nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Dù vậy tỉ lệ học sinh bỏ học ở tỉnh này vẫn còn khá cao, đặc biệt ở bậc trung học.
Mặt khác, mỗi năm An Giang có khoảng 21.600 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó số không tiếp tục học lên lớp 10 chiếm khoảng 14%. Nếu tính trên tổng số học sinh phải huy động đi học đúng theo độ tuổi thì tỉ lệ học sinh vào học lớp 10 của tỉnh chỉ đạt 43,53%.
Ông La Công Tâm, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết để ngăn dòng bỏ học hiệu quả thì các địa phương cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, song song đó cần tuyên truyền tầm quan trọng của sự học, đẩy mạnh phong trào khuyến học rộng khắp. 
Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường cần tạo sân chơi, tạo ra môi trường trường học thân thiện, vui vẻ để các em gắn bó thêm với trường lớp. Đồng thời thường xuyên theo dõi nắm số học sinh có nguy cơ để động viên giúp đỡ kịp thời, cũng như báo cho địa phương tạo điều kiện hỗ trợ để các em đi học.
Theo Tuổi trẻ