Đó là phát biểu của ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại cuộc họp phân tích về những bất cập, hạn chế trong luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 17.12.
Theo ông Cương, sau 4 năm ban hành luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, trường hợp được bồi thường thấp hơn nhiều so với thiệt hại. Đó là do hàng loạt vướng mắc như cơ chế lãnh đạo tập thể, không xác định được ranh giới trách nhiệm của các vị trí, dẫn đến việc quy trách nhiệm khó khăn, thủ tục bồi thường phức tạp, mất nhiều thời gian...
TS Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết theo luật hiện hành, một vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại do người thực thi công vụ trái pháp luật gây ra phải trải qua các thủ tục khiếu nại và tố tụng sẽ mất khoảng 15 tháng mới có quyết định của tòa án quyết định mức bồi thường. Đó là chưa kể thời gian chuyển hồ sơ. “Trong sửa đổi tới đây cần nghiên cứu theo hướng cá nhân tổ chức nếu thấy bị thiệt hại thì khởi kiện ra tòa giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, không qua thủ tục xem xét giải quyết khiếu nại như hiện nay”, ông Tỵ đề nghị.
Theo PGS-TS Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội), điều 6 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành quy định, trong hoạt động tố tụng hình sự nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong trường hợp: do lỗi của người bị thiệt hại, người bị thiệt hại che giấu chứng cứ, tài liệu hoặc sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc, do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết… là không rõ ràng và nhầm lẫn giữa trách nhiệm nhà nước và trách nhiệm của cá nhân. “Người bị thiệt hại là người bị động, do vậy họ không thể là người có lỗi trong trách nhiệm của nhà nước bồi thường thiệt hại”, ông Tập nói.
Tại cuộc họp này, Cục Bồi thường nhà nước cũng cho biết trong hướng sửa đổi tới đây sẽ đề nghị tăng mức bồi thường của cán bộ công chức thực thi công vụ sai, đồng thời rút ngắn quy trình, giảm các thủ tục hành chính cho người dân bị thiệt hại.
Thái Sơn
No comments:
Post a Comment