“Hiện Việt Nam chủ yếu đi vay mới chứ gần như không nhìn thấy nguồn nào để trả nợ”, TS Vũ Đình Ánh cho biết tại buổi Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 – 2015. Cũng tại đây, TS Trịnh Quang Anh nhận định, tâm điểm của 2014 sẽ phải là câu chuyện nợ công.
Làm 100 đồng trả nợ 98 đồng
Tại Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 – 2015, TS Trịnh Quang Anh nhận định, tâm điểm của 2014 sẽ phải là câu chuyện nợ công.
Mặc dù Bộ Tài chính công bố đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là 55,7% GDP, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (dưới 65% GDP).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng khẳng định, nợ công của Việt Nam trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).
TS Phạm Thế Anh – Quyền Viện trưởng Viện chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế quốc dân) cho hay, nếu cộng cả nợ doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam sẽ phải lên tới 98,2% GDP.
Nợ công theo công bố chính thức của Việt Nam là 55,7% GDP. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam phải lên tới 98,2% GDP.
Theo số liệu Tiến sĩ Phạm Thế Anh công bố, cứ 100 đồng tổng sản phẩm quốc nội được làm ra, người dân phải gánh hơn 98 đồng nợ, gia tăng so với mức 95 đồng đã được Ủy ban Kinh tế báo động trong báo cáo công bố hồi tháng 5 năm nay.
Một dấu hỏi lớn được đặt ra là nguồn trả nợ trong tương lai. Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương đặt giả thiết: “Giả sử có cú sốc về lãi suất, tỷ giá, hoặc một doanh nghiệp lớn nào làm ăn be bét khiến định mức tín nhiệm giảm, các nhà tài trợ ngừng cho vay, thanh khoản hệ thống ngân hàng có vấn đề, không mua trái phiếu để trả nợ trong nước thì nợ công sẽ ra sao?”.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng hiện Việt Nam chủ yếu đi vay mới chứ “gần như không nhìn thấy nguồn nào để trả nợ”.
Nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thế Anh cho biết, cơ cấu nguồn thu của Việt Nam có nhiều khoản không bền vững bởi phụ thuộc vào bên ngoài hoặc có nguy cơ cạn kiệt dần theo thời gian. Với việc thu nhập ngày càng tăng, nguồn thu từ viện trợ không hoàn lại đã giảm từ 0,61% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn 0,31% GDP giai đoạn 2011 đến tháng 9/2013.
Thu từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất cũng có xu hướng giảm dần từ 2,35% GDP xuống 1,52% GDP. Bên cạnh đó, nguồn thu của Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào bán dầu thô, song đây cũng là tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và phụ thuộc vào giá cả thế giới.
“Trong trường hợp không vay được nữa thì sao? Lúc đó chỉ không trả được 1 tỷ USD thì cũng là vỡ nợ”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Nợ doanh nghiệp nhà nước đe dọa nợ công
TS Phạm Thế Anh liệt kê tới 30 DNNN đang có hệ số nợ phải trả vượt xa mức ba lần vốn chủ sở hữu, trong đó có nhiều cái tên lớn như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Giấy…
Năm 2014: Thu ít, vay không được Việt Nam sẽ vỡ nợ?
Đáng lưu ý, Tổng công ty Lắp máy VN có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã lên tới trên 53 lần, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 lên tới trên 20 lần…
Ông Thế Anh cho rằng khi các DNNN không trả được nợ, rất có thể Nhà nước phải dùng ngân sách trả thay (ví dụ như khoản vay 600 triệu USD của Vinashin hay khoản nợ của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị HUD).
Việt Nam không đưa những khoản nợ của DNNN (không được Nhà nước bảo lãnh) vào nợ công. Nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương cũng chưa được tính vào. Nếu tính đủ, ông Thế Anh tính tổng nợ công của VN đã lên tới khoảng 98,2% GDP (khoảng 100 tỉ USD), vượt xa ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng chỉ ra rằng, nếu tính cả nợ tiềm ẩn của các DNNN vào nợ công thì tỷ lệ nợ công trên GDP không dừng lại ở con số khoảng 50% như hiện nay mà phải trên dưới 100%.
Chính vì lý do đó mà trọng tâm của quản lý nợ công của chúng ta không chỉ tập trung vào nợ của Chính phủ mà quan trọng là các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ trong khu vực DNNN có nguy cơ Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh giống như trường hợp Vinashin.
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, việc bảo lãnh cho các khoản nợ xấu của các DNNN không chỉ gây ra tâm lý ỷ lại cho các DNNN mà còn ảnh hưởng đến một số phương diện khác như tỷ lệ nợ công tăng làm tăng chi phí tài trợ của Chính phủ. Khi tỷ nợ công tăng lên lãi suất vay nợ của Chính phủ tăng theo, làm tăng gánh nặng tài trợ ngân sách để trả lãi.
Hơn nữa, khi chi phí vay nợ của Chính phủ tăng sẽ kéo theo chi phí vay nợ của khu vực tư nhân tăng theo, bởi vì Chính phủ được đánh giá có độ rủi ro thấp hơn tư nhân nhưng khi Chính phủ đi vay nợ với chi phí cao thì khu vực tư nhân rất khó vay được vốn rẻ.
Nói khác đi, khu vực tư nhân lúc này đã phải gánh luôn rủi ro nợ công của Chính phủ. Điều này cũng giải thích vì sao mặt bằng lãi suất của Việt Nam những năm qua luôn giữ ở mức khá cao ngay cả khi nền kinh tế suy giảm. Hệ quả của nó là làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Báo Đất Việt
No comments:
Post a Comment