Wednesday, December 25, 2013

Cán bộ sai phạm được thăng chức để... có cơ hội sửa sai ? !



(Dân trí) - Dù mắc hàng loạt sai phạm song Chủ tịch UBND xã Châu Thái (Quỳ Hợp, Nghệ An) chỉ bị cảnh cáo. Oái oăm hơn, ông này còn được “cơ cấu” giữ chức Bí thư Đảng ủy xã với lý giải là... để khắc phục hậu quả đã gây ra trước đó.

Nhiều sai phạm trong quản lý
Năm 2004, chính quyền xã Châu Thái có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm liệt sỹ. Để thực hiện, xã huy động đóng góp trong dân với mức thu 100.000 đồng/hộ. Tại thời điểm đó, toàn xã Châu Thái có 1.301 hộ tuy nhiên, khi mới thu được 26,3 triệu đồng/26 hộ thì dừng lại. Số tiền thu được lãnh đạo xã đã dùng để chi trả cho việc xây dựng cơ bản. Từ đó tới nay, xã không thu thêm hộ dân nào nữa, số tiền đã thu cũng chưa trả lại cho các hộ dân. Trong khi đó tượng đài liệt sỹ vẫn chưa được xây dựng khiến người dân bất bình.
Từ năm 2001 đến năm 2005, thực hiện chủ trương xây dựng các công trình cơ bản, lãnh đạo xã Châu Thái đã kí kết vay xi măng của Nhà máy Xi măng Cầu Đước và Xi măng 12/9 Anh Sơn 1.382 tấn.Trong đó, các xóm đăng ký nhận 667,1 tấn, trường học đăng ký vay 714,9 tấn. Ba công trình nhà sàn làm việc khối dân, Trường Tiểu học Tam Thành và cầu đi bản Lòng được thực hiện theo phương thức lấy xi măng đổi ngang công trình cho bên B thi công. Cả 3 công trình này đều không có hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầy đủ theo quy định; không ký nhận số lượng xi măng.
Trụ sở UBND xã Châu Thái được xây dựng một phần từ tiền vay tạm của dân
Trụ sở UBND xã Châu Thái được xây dựng một phần từ tiền "vay tạm" của dân
Thậm chí, sau khi nhận xi măng, UBND xã Châu Thái đã bán một phần với giá thấp hơn giá của nhà máy từ 80.000 - 130.000 đồng/tấn. Ngoài ra, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳ Hợp, tại Châu Thái đã bị thất thoát 35 tấn xi măng, không chứng minh được giấy tờ sổ sách. Theo thông báo giải quyết khiếu nại của UBND huyện ủy Quỳ Hợp thì trách nhiệm này thuộc về ông Lô Văn Thước (tại thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Châu Thái).
Không những thế, năm 2004, Lâm trường Quỳ Hợp giao trả cho chính quyền địa phương quản lý 64,96 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Châu Thái, phần đất này chủ yếu giao khoán cho các hộ dân trong vùng. Thường vụ Đảng ủy xã thống nhất giao cho UBND xã lập kế hoạch quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, thay vì giao đất rừng cho người dân quản lý, sử dụng và khai thác thì UBND xã đã Châu Thái hợp thức hóa cho hai anh em ông Lô Văn Thước (Chủ tịch UBND xã) và Lô Văn Trung (cán bộ địa chính) đứng tên 5 bìa đất, với diện tích trên 64 ha.
Năm 2004, xã Châu Thái lập quy hoạch khu đất ở tại Na Mon và bản Tiện với diện tích quy hoạch hơn 13.000 m2, trong đó quy hoạch đất ở chiếm gần 7.900 m2, được chia thành 34 lô. Quy hoạch này được UBND huyện Quỳ Hợp phê duyệt tại Quyết định số 210 ngày 29/3/2005.
Trụ sở UBND xã Châu Thái được xây dựng một phần từ tiền vay tạm của dân
Kết luận kiểm tra của UBND huyện Quỳ Hợp cho thấy lãnh đạo xã Châu Thái có nhiều sai phạm trong quản lý
Có 45 hộ dân xin cấp đất tại khu vực này, nhưng chỉ có 33 hộ đủ điều kiện. Trong đó, có 26 hộ đã nộp tiền và được cấp bìa. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong tổng số 26 hộ này thì chỉ có 8 hộ là đủ điều kiện được cấp đất và phiếu thu tiền hợp lệ do xã lập nên. Còn lại 18 hộ là không khớp, bìa đỏ mang tên người đứng đơn xin cấp đất nhưng phiếu thu tiền lại ký tên người khác.
Sau khi danh sách gửi lên huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường thông báo 18 trường hợp này không đủ tiêu chuẩn cấp đất theo quy định. Cán bộ xã đã lập lại danh sách, nhờ 18 hộ dân khác đứng tên để được cấp bìa. Tổng số tiền mà xã thu của các hộ dân là 708 triệu đồng, trong khi theo sổ theo dõi nội bộ là 655 triệu đồng. Sau khi có tiền, thay vì nộp vào Kho bạc Nhà nước, xã Châu Thái tạm vay số tiền hơn 585 triệu đồng để trả nợ cho bên B xây dựng thi công công trình nhà làm việc 2 tầng của xã.
“Cơ cấu” thăng chức để… khắc phục hậu quả (?)
Những sai phạm tại UBND xã Châu Thái đã được Đoàn kiểm tra của Huyện Quỳ Hợp làm rõ. Điều trái khoáy là với những sai phạm trong quản lý, lãnh đạo, thay vì bị kỷ luật thì Chủ tịch Lô Văn Thước lại được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã.
Ông Thân Quang Vinh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp - cho biết, những sai phạm của ông Thước trong thời kỳ ông này giữ chức Chủ tịch UBND xã là có thật. Huyện đã chỉ đạo thu hồi 5 sổ đỏ mang tên ông Thước và em trai là Lô Văn Trung. Tuy nhiên, hậu quả của những sai phạm còn lại đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trụ sở UBND xã Châu Thái được xây dựng một phần từ tiền vay tạm của dân
Quyết định thu hồi 2 lô đất lâm nghiệp được giao sai cho ông Chủ tịch UBND xã Châu Thái Lô Văn Thước
Sau khi phát hiện những sai phạm trên, Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã có nhiều cuộc họp, năm 2010 quyết dịnh hình thức kỷ luật cho thôi huyện ủy viên đối với ông Thước. Sau khi thôi giữ huyện ủy viên, ông Thước lại được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái. Lý giải cho việc “trái khoáy” này, theo ông Thân Quang Vinh là do công tác cán bộ, cần có người hiểu rõ đồng bào trong khi chưa đào tạo được cán bộ tại chỗ. Bên cạnh đó, việc để ông Thước đương chức là tạo điều kiện cho bản thân cũng như chính quyền xã tiếp tục có cơ hội khắc phục những hậu quả đang tồn đọng. Việc cơ cấu ông Lô Văn Thước giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái là để tạo điều kiện cho ông này khắc phục hậu quả những sai phạm ông này đã gây ra trước đó.
 
Nhưng thực tế cho đến nay, việc khắc phục hậu quả của ông Thước vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”.
Hoàng Lam - Thiên Long

No comments:

Post a Comment