Monday, May 15, 2017

Cán bộ lơ là, nông dân Hà Tĩnh mất trắng 10,000 héc ta lúa


Hơn 10,000 ha lúa vụ xuân tại Hà Tĩnh nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. (Hình: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
HÀ TĨNH (NV) – Bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đã “ăn” hơn chục ngàn ha lúa Ðông-Xuân ở nhiều huyện ở Hà Tĩnh, trong đó nhiễm nặng 5,290 ha; mất trắng hơn 3,000 ha, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ bông, làm hạt bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông chủ yếu thuộc các huyện Ðức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê…
Nói với báo Thanh Niên, ngày 15 Tháng Năm, ông Nghiêm Sỹ Ðông, trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Ðức Thọ cho biết, nhìn từ xa, nhiều cánh đồng vẫn xanh màu lá lúa, nhưng khi lại gần sẽ thấy các bông lúa khô trắng, các hạt bị lép.
Ðứng giữa ruộng lúa đang trong thời kỳ làm hạt nhưng khô gần hết bông, ông Nguyễn Văn Bình, ngụ xã Ðức Hòa, huyện Ðức Thọ cho biết, gia đình ông gieo cấy 10 sào lúa, hai tháng đầu, lúa phát triển tốt nhưng vào thời kỳ trổ bông lại bị bệnh đạo ôn cổ bông tàn phá. Do chậm phát hiện bệnh nên dù đã phun thuốc đặc trị để cứu lúa nhưng vẫn không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện tích rộng, mức độ gây hại lớn như vụ Xuân năm nay là chưa từng xảy ra ở địa phương. “Năm nay thời tiết thay đổi thất thường khiến bệnh đạo ôn bùng phát. Dù người dân đã áp dụng các phương pháp phòng trừ nhưng không kịp nữa,” ông Thanh lý giải.
Liên quan đến vụ việc, trong cuộc họp với thuộc cấp cùng ngày, báo Nông Nghiệp Việt Nam dẫn lời ông Lê Ðình Sơn, bí thư Hà Tĩnh cho rằng: “Thời tiết năm nào cũng na ná nhau, không phải khác hoàn toàn nên đừng đổ do thời tiết. Cán bộ Sở Nông Nghiệp làm đề án sản xuất cho vui, triển khai xong là xong. Giống về bao nhiêu, dân bỏ ra bao nhiêu không nắm được. Công tác theo dõi dịch bệnh, dịch hại quá sơ sài. Dịch bệnh như vậy nhưng không có văn bản nào tham mưu cho tỉnh, ủy ban tỉnh cũng không có chỉ đạo nào. Văn bản khuyến cáo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cũng mấy ông chi cục phó ký, không đến ông giám đốc sở. Ðừng vội đổ lỗi nông dân chán ruộng, nếu dân chán tại sao ruộng khác vẫn tốt,” ông Sơn bất bình nói.
Tin cho biết, ông Sơn yêu cầu các địa phương phải làm rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên không ai đả động gì đến phần trách nhiệm. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment