Nguyễn Phúc11-03-2017
(VNTB) - Người đứng đầu danh sách nghi vấn là cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Ông Hoàng Trung Hải tại hiện trường vụ sập giàn giáo ở Formosa
Formosa Hà Tĩnh có tên đầy đủ là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan (một nguồn tin cho biết đa phần cổ đông của tập đoàn này là Trung Hoa lục địa).
Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (còn gọi Sơn Dương Formosa) bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỷ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II).
Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê.
FHS đăng ký kinh doanh 11 ngành nghề, một số ngành nghề quan trọng như: chế tạo và mua bán gang thép; kinh doanh cảng; sản xuất xi măng; kinh doanh nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý nước; xây dựng, lắp đặt, vận hành và kinh doanh nhà máy khí, bán các khí nén và các khí chất lỏng sử dụng trong công nghiệp như oxy, nitơ...; chế tạo, gia công, sản xuất, mua bán và xuất nhập khẩu các sản phẩm liên quan quá trình luyện than cốc, hắc ín, dầu thô nhẹ, và kinh doanh bất động sản.
Khi vào Việt Nam, chủ đầu tư dự án Formosa nhận được nhiều ưu đãi chưa từng có như được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền...
Thậm chí để đảm bảo ổn định đầu tư, tại khoản 7, Điều 4, Hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 quy định “đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; Đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Như vậy, dự án không bị chi phối bởi Điều 38, Luật Đất đai 2003.
Phớt lờ khuyến cáo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát lệnh khởi công xây dựng khu liên hợp gang thép - cảng Sơn Dương Formosa vào ngày 6-7-2008, tại Khu Kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh.
Năm 2009, Tập đoàn mẹ của FHS bị tổ chức bảo vệ môi trường của Đức Ethecon, trao giải “Hành tinh đen”. Giải này dùng để bêu tên doanh nghiệp gây ảnh hưởng môi trường lớn nhất trong năm. Tuy nhiên chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là người đại diện chính phủ để quản lý các hoạt động của FHS, đã bỏ qua mọi khuyến cáo khi ấy về chuyện gây ô nhiễm môi trường của FHS.
GS Nguyễn Đình Lương, cựu Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, nhắc nhở rằng phát triển ngành sắt, thép không phải là xu hướng của quốc tế. Trong khi thế giới đang tìm mọi cách để đẩy ra thì Việt Nam vẫn đang và luôn luôn làm một thùng rác để nước ngoài trút bỏ vào đó.
Khi ấy, ông Nguyễn Đình Lương đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Thứ nhất, đã biết rõ thế giới ‘đẩy ra’, nhưng vẫn đồng ý cho đầu tư, xây dựng nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh thì không thể không đặt ra câu hỏi: Vì lợi ích gì?
Thứ hai, người ta nói tới vấn đề nhạy cảm chính trị. Vị trí nhà đầu tư xây dựng không chỉ có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng mà ở đây người ta còn nói tới một chiến lược biến Việt Nam thành “cục sắt”. Tức là khi thế giới đẩy ra thì Việt Nam lại ra sức thu về, cụ thể như ngành thép ngay các nước phát triển trên thế giới từ lâu đã không làm và không muốn phát triển trong nước. Trong khi đó, Việt Nam lại coi đây là chiến lược phát triển, với những kỳ vọng như xây dựng nhà máy gang, thép Formosa sẽ trở thành nhà máy thép với quy mô lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, giúp ổn định cơ bản thị trường thép, giảm thiểu nhập siêu thép của đất nước trong những năm qua.
“Đây có phải là mục tiêu của Việt Nam không? Tôi cho rằng, đây không phải là xu hướng phát triển kinh tế hiện đại. Cái tình trạng các tập đoàn thế giới đến đây chủ yếu ngồi cò cử với quan tỉnh, quan huyện, và quan trên... chỉ có ở Việt Nam. Quan tỉnh quan huyện thì sao họ biết làm kinh tế, họ chỉ biết nhận phong bì nên mới có chuyện Hà Tĩnh cắt đất cho Formosa thuê tới 70 năm”. Ông Nguyễn Đình Lương nói.
Tham vọng một khu công nghiệp tự trị
Mặc dù đã nhận nhiều đặc quyền, thế nhưng khá bất ngờ là trong công văn số 1406022/CV-FHS gởi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, FHS tiếp tục những yêu cầu vượt quá khuôn khổ luật pháp và chính sách ưu đãi hiện hành của Việt Nam.
FHS đề xuất được hưởng một loạt biện pháp ưu đãi, như được chính phủ Việt Nam thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được chính phủ Việt Nam ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... FHS còn đề xuất thành lập đặc khu kinh tế Formosa, với ban quản lý đặc khu trực thuộc Văn phòng Chính phủ Việt Nam.
FHS đề xuất được xây ký túc xá hộ gia đình để cho thuê, bán lại cho nhân viên, trong đó nhân viên người Việt có thể nhận được quyền sử dụng đất lâu dài trong đặc khu. Thậm chí, mô hình khép kín có thể được hình thành với bệnh viện, trường học, nhà trẻ, lớp học song ngữ hoặc trường song ngữ.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm đầu tư, FHS đặt điều kiện nếu xảy ra các cuộc bạo động mà không phải do chủ quan từ phía nhà đầu tư, dẫn tới tổn thất kinh doanh và tài sản, toàn bộ sẽ do chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, đề xuất của FHS vấp phản ứng mạnh mẽ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, người nổi tiếng với phát ngôn: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Trước áp lực phản đối, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải đã để cho Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo từ chối đề xuất thành lập đặc khu kinh tế Formosa.
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ưu ái Formosa Hà Tĩnh
Trong Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường với chủ đề: “Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý” diễn ra tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày 8-3-2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong bài phát biểu, có nhấn mạnh (trích):
“Với hiện trạng công nghệ sản xuất còn lạc hậu ở Việt Nam hiện nay, việc đổi mới công nghệ để hướng tới một nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ, nếu không có sự trợ giúp về khoa học, vốn và công nghệ của các nước phát triển có công nghệ cao trên thế giới. Những thách thức về môi trường ấy đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột trong phát triển bền vững…”.
Trong thảm họa Formosa Hà Tĩnh, các nhà khoa học Việt Nam chỉ rõ đây là hệ lụy tất yếu của việc FHS tự ý thay đổi công nghệ xử lý từ “cốc khô” có trong nội dung giấy pháp đầu tư, thành “cốc ướt”. Tuy nhiên, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lúc nhận 500 triệu USD gọi là “tiền bồi thường”, đã gật đầu “không đánh kẻ chạy lại”, bằng việc cho phép FHS tiếp tục sản xuất theo công nghệ lạc hậu “cốc ướt” đến tháng 6-2019.
Như vậy, nếu lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là thật lòng, thì kẻ phá bĩnh môi trường Việt Nam ở đây không ai khác, chính là người đặt bút ký kéo dài thời hạn “cốc ướt” cho FHS đến cuối tháng 6-2019.
No comments:
Post a Comment