Có một chuyện khiến tôi cứ suy nghĩ.
Đầu buổi sáng hôm nay, 9/3/2017, một ngày sau ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vốn được tổ chức rầm rộ và đã trở thành một phần văn hoá trong xã hội Việt Nam, một bức ảnh mà trong đó một người công an đang đạp lên vai một người phụ nữ, bên cạnh họ là lá cờ Việt Nam bạc màu, khung cảnh căn phòng khiến người ta liên tưởng tới đồn công an.
Tất nhiên, ngay lập tức, có hai luồng ý kiến về bức ảnh này.
Một phía phê phán gay gắt hành động bạo lực mang tính tra tấn của anh công an với chị phụ nữ, có nghĩa là bạo lực đối với đối tượng không có khả năng chống cự, ở một nơi mà dù có đủ sức khoẻ cũng không thể chống cự. Như đổ thêm dầu vào lửa, sự căm ghét công an vốn cháy âm ỷ trong xã hội Việt Nam cộng thêm hàng trăm trường hợp người dân chết trong đồn công an và vô số chuyện công an đánh đập hành hung người dân khiến người ta phản ứng mạnh mẽ. Rất nhiều tiếng nói yêu cầu chính quyền phải điều tra làm rõ mọi chuyện nhằm giải đáp những bức xúc của người dân.
Phía còn lại tỏ ra nghi ngờ, cho rằng đây là dàn dựng, có thể là đóng phim, vì mặt và cấp bậc của người công an đã bị che khuất, và ảnh thì rất rõ nét chứ không (lý ra phải) mờ như chụp lén thông thường. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là chuyện vớ vẩn, rằng kẻ đưa lên tất có âm mưu kích động quần chúng, rằng chuyện tra tấn đánh đập người bị bắt thì ở đâu chẳng có, bên Mỹ đầy.
Những lý lẽ để phản biện, nhiều người nói rồi, nếu ai muốn trao đổi, tôi sẽ trao đổi dưới phần comment. Ở đây muốn nói có một điểm chung của cả hai luồng ý kiến ở trên, đó là người dân yêu cầu nhà chức trách làm rõ câu chuyện phía sau bức ảnh này, để tránh sự hiểu lầm không đáng có trong xã hội, và đó là trách nhiệm của nhà chức trách trước những chuyện đồn đại và yêu cầu của người dân. Nếu ai không tin ở khả năng chỉ từ khuôn mặt của người phụ nữ trong ảnh mà có thể lần ra được thông tin, chỉ cần thử bằng cách viết thật nhiều status chỉ trích chính quyền, bên cạnh đó kêu gọi biểu tình tuần hành, facebook chỉ cần để một ảnh chân dung duy nhất, tắt hết mọi chế độ định vị, cứ kiên trì viết thật nhiều và liên tục, yên tâm vài hôm sau có an ninh ấn chuông tận cửa nhà. Đó là phép thử đơn giản và nhanh nhất, không lâu như việc đi tìm xe máy bị mất cắp. Còn nếu chính quyền không hành động, hoàn toàn có thể suy luận rằng họ e ngại vụ việc bất lợi và muốn bao che, làm chìm xuồng câu chuyện.
Nhưng đó không phải vấn đề cốt lõi của điều mà tôi muốn hướng tới.
Tôi nghĩ về những việc bạo hành trẻ em xảy ra trên khắp cả nước trong vài năm qua.
Cũng từ những bức ảnh chụp lén, cũng từ những thông tin được đưa lên bởi các cá nhân đơn lẻ. 100% ý kiến của người dân đều ngay lập tức bày tỏ sự bất bình, nhiều người còn quá khích đòi tìm đến đánh, đòi trừng trị thẳng tay các bảo mẫu đã hành hạ các cháu bé. Tất cả mới chỉ từ những bài báo, những thông tin trên mạng, tất cả đều chưa có kết luận điều tra, xét xử. Nhưng phản ứng thì rất rõ ràng, rất dữ dội.
Tại sao cũng cùng một bản chất là sự lén lút áp dụng bạo lực lên những đối tượng không thể chống cự, ở địa điểm không thể chống cự, trong bối cảnh đe doạ không cho tiết lộ, vậy mà phản ứng của xã hội lại khác nhau trong hai kiểu sự kiện này??
Tôi không nói tới tầng lớp dư luận viên và hồng vệ binh, bọn giẻ rách ba xu này tôi khinh, không đáng được quan tâm.
Mới những con người ấy, ngày hôm trước lên tiếng phê phán việc chướng tai gai mắt trong xã hội, đòi hỏi sự bảo vệ đúng mực dành cho họ và gia đình họ, đòi công lý phải được thực thi một cách nghiêm minh. Ngày hôm sau, họ đứng trước một sự kiện tương đồng, và cho rằng à, hãy bình tĩnh đi, hãy tỉnh táo đi, đừng để bị kích động, đừng để bị rơi vào âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc (haha, cười phát).
Đọc sách, biết tới khái niệm 'tiêu chuẩn kép', có nghĩa là cùng một bản chất, cùng một hiện tượng, nhưng người ta có thể thay đổi quan điểm trong trường hợp này thì thế này, trường hợp kia thì thế kia, tuỳ theo đối tượng của những trường hợp ấy. Một ví dụ kinh điển là việc đi ngược chiều, nhiều người rất khó chịu khi gặp người đi ngược chiều khi tham gia giao thông, chửi đồ vô ý thức, nhưng chỉ một lúc sau họ lại có thể tặc lưỡi đi ngược chiều một đoạn vì nó gần và tiện.
Quay trở lại chuyện này, câu hỏi tại sao chiếc bóng của lực lượng công an lại có thể bao phủ lên tâm hồn của nhiều người dân, làm bẻ cong khái niệm, bẻ cong cách nhìn, xoắn vặn những chiều tư duy của họ khiến nó trở nên phản bội chính những giá trị của họ, cứ lởn vởn trong đầu tôi.
Đụng tới chính trị là nhạy cảm, đụng tới công an là nhạy cảm. Nhìn đâu cũng thấy âm mưu, nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch, nhìn đâu cũng thấy sợ sệt. Tôi chợt nghĩ, hoá ra trong chúng ta, có quá nhiều người đang lương thiện chỉ bởi vì họ chưa có điều kiện để trở nên tàn ác. Chỉ cần được đặt vào đúng vị trí, những con người ấy sẽ rất có thể sẽ trở nên nhũng nhiễu, tham lam, trộm cắp, hung bạo với xã hội đang dung dưỡng họ. Để rồi sau đó, khi trở về với gia đình, bè bạn, họ vẫn là những người rất tử tế, rất vui vẻ.
Xã hội ấy, là cái xã hội gì??
No comments:
Post a Comment