Kiều Phong-11-03-2017
(VNTB) - Một nhà văn Nga vĩ đại, nhà văn Chekhov được xem là một bậc thầy về truyện ngắn tầm nhân loại. Ông có sáng tác truyện ngắn nổi tiếng Người trong bao hiện đang giảng dạy trong nhà trường Việt Nam. Nhân vật chính trong truyện, Belikov, là người luôn luôn ngợi khen quá khứ, ghê tởm hiện tại và sợ hãi tương lai. Những người hiểu được dụng ý của Chekhov bắt gặp Belikov ở khắp nơi: Bắc Hàn, Cu-ba, Trung Quốc, Lào, Cam…
Người giáo viên lập dị
Nước Nga cuối thế kỷ XIX, ở một thành phố nọ, có anh thầy giáo dạy tiếng Hi-Lạp tên là Belikov. Ở khu đó, ngạc nhiên thay, nhưng hoàn toàn dễ hiểu nếu bắt được ý tác giả, chỉ có duy nhất Belikov dạy tiếng Hi-Lạp. Thứ ngôn ngữ cổ của văn minh Hi-Lạp - La Mã cổ xưa không còn là sinh ngữ trong cộng đồng nào ở Tây Âu và Bắc Âu nữa. Con người lập dị Belikov chọn học rồi dạy một thứ tiếng đó. Tiếng Hy-Lạp chỉ còn dùng để đọc những sách vở, tác phẩm cổ xưa. Báo chí và văn học đương thời không còn in ấn bằng tiếng Hi Lạp nữa, tiếng Hi-Lạp tránh được tính thời sự. Do đó, Belikov không lo về sự thay đổi mặt chữ, không gặp bất thường về thay đổi ngữ pháp và cách phát âm, càng không gặp các từ mới chuyên ngành kỹ thuật hay máy móc . Việc dạy học của Belikov về cơ bản là an toàn.
Dân trong thành phố coi Belikov là người mất hết tự do, không ai bỏ tù Belikov cả ngoài anh ta. Anh giáo chẳng giống ai, tự trùm lên người mình những cái bao hữu hình và vô hình. “Đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô cốt bông”; “Đeo kính râm, mặc áo bông, lỗ tai nhét bông va khi ngồi lên xe ngựa thì bao giờ cũng cho kéo mui lên”. Mọi thứ của Belikov đều để trong bao, kể cả bộ mặt cũng giấu sau chiếc cổ áo bành bẻ đứng lên; ở nhà cũng mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then, có đủ sự ngăn cấm và hạn chế; buồng ngủ chật như cái hộp, khi nằm ngủ thì kéo chăn trùm đầu kín mít.
Lời tiên tri về đảng của những người trong bao
Tác phẩm Người nằm trong bao sáng tác năm 1898 ở Nga nhưng dường như đã tiên tri về một đảng độc tài mà cả chục năm sau đó mới hiện hình: Đảng Bôn-sê-vic Nga. Đảng này giống hệt Belikov trong tất cả mọi đặc điểm của kẻ lập dị: ngợi ca quá khứ, ghê tởm hiện tại và sợ hãi tương lai.
Đảng Bôn-sê-vic, đảng bộ cộng sản đầu tiên trên thế giới, là những người tổ chức rất giỏi bằng biện pháp bạo loạn cổ truyền, nhưng lại kém văn minh và ăn nói phản tiến hóa. Đây là điểm chung của tất cả các đảng Cộng sản khác trên thế giới. Chẳng hạn như ở Việt Nam, đảng Cộng sản nếu văn minh thì đã dùng chữ “giành chính quyền”, nhưng vì họ nông cạn nên chỉ nghĩ được chữ “cướp chính quyền”. Khi cướp được chính quyền rồi, họ ngay lập tức sa lầy và thể hiện mình là những người chỉ giỏi phá hoại xã hội. Liên tiếp sai lầm trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại, bộ máy thao túng bởi đảng Cộng sản có phần đa những quan chức hễ mở miệng ra là bị dân nguyền rủa, càng nắm chính quyền lâu thì sự nhục nhã càng chồng chất. Chính vì vậy, để níu kéo danh dự, suốt ngày họ ôn lại dĩ vãng, suốt ngày kể công lao xưa kia đánh thắng quân đội này quân đội nọ, đây là ngợi ca quá khứ. Họ tự khen mình như vậy, vẫn không làm cho hệ thống của mình vận hành tốt lên được, nhiều người trong bọn họ lắc đầu khi thấy bộ máy của mình càng ngày càng man rợ và tha hóa, đây là ghê tởm hiện tại. Đặc biệt là, đảng cộng sản không biết sẽ đưa đất nước đi về đâu (“ Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” *). Vì không biết tương lai mình đi về đâu, cho nên hoàn toàn giống như ông thầy giáo điều lập dị Belikov, đảng cộng sản sợ hãi tương lai.
Hình tượng nhân vật Belikov càng ngày càng được giới nghiên cứu văn học tin rằng được nhà văn Chekhov dựng lên để ám chỉ những người cộng sản. Belikov – và tổng quát hơn là đảng Cộng sản hễ được ai khuyên làm điều gì tốt thì hắn lại nói “nhỡ xảy ra chuyện gì”, “cần phải cân nhắc một chút”... Chính vì vậy mà cũng giống như cá nhân Belikov đẩy cả cộng đồng đến chỗ khó xử, 100% số đảng cộng sản trên thế giới đều đưa dân tộc mình đến chỗ trì trệ. Ai nói gì đến mình thì đảng cộng sản- cũng như Belikov tự ái rồi phản ứng đáp trả ngay tức thì, bởi vì “sợ dị nghị”, “sợ người ta có thể kháo rằng”… “Ý nghĩ cũng giấu vào bao”, “chỉ những chỉ thị, thông tư lệnh cấm mới là rõ ràng”- Belikov thu mình trong bao để tự vệ thế nào, đảng cộng sản các nước tự vệ bằng cách bóp nghẹt tự do dòng chảy thông tin y như vậy.
Bệnh truyền nhiễm
Belikov luôn muốn điều tốt cho cộng đồng, nhưng anh ta không biết rằng thái độ sống của anh ta làm hại những người xung quanh. Giống như một căn bệnh truyền nhiễm, nỗi sợ hãi vu vơ của Belikov lây lan cho cả thành phố: “trong vòng mươi, mười lăm năm trở lại đây, dân chúng trong thành phố đâm ra sợ hãi tất cả. Sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, sợ giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ…” Đến độ, sau khi anh ta chết một tuần rồi mà cuộc sống của những người xung quanh lại diễn ra như cũ, tức là lại nặng nề, mệt nhọc và vô vị. Ảnh hưởng của Belikov tác dụng lên những người xung quanh, làm nhiều người trong thành phố nơi anh ta ở sợ cuộc sống, ý chí của cộng đồng bị thủ tiêu. Thật chẳng khác gì những dân cư nơi đảng cộng sản chiếm đóng. Dân sự các nước này sợ nói to vì có thể bị công an bắt, sợ gửi thư vì nghi làm gián điệp, sợ làm quen vì lo bị vu là gặp gỡ “phản động”, sợ giúp đỡ người nghèo vì lo bị vu là “diễn biến hòa bình”…Và kể cả khi chủ nghĩa cộng sản đã chết đi, đừng tưởng là dân chưa hết khổ. Nước Nga là một ví dụ, sau khi đảng cộng sản mất quyền lực thì để lại một xã hội Nga đã bị gian dối và lưu manh hóa, cuộc sống thì mệt nhọc, đường mưu sinh phải giẫm đạp lên nhau mà sống. Nguy hại hơn cả, một cuộc sống vô vị bởi bao nhiêu lý tưởng cao đẹp đã vỡ mộng trong thời Xô-viết hết cả rồi.
Trong câu chuyện đó, một người là Ivan Ivanưch đã quả quyết phủ định lối sống của Belikov: “Không, không thể sống như thế này được”. Đây chính là tiên báo về những người bất đồng chính kiến với chế độ cộng sản ở Nga, mà thực thể là tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô ông Gorbachev và tổng thống Nga ông Boris Elsin.
Trong thiên chức của mình, Chekhov là một nhà văn. Nhà văn đó biết rằng người trong bao Belikov và những đảng độc tài nhóm chủ sẽ có đầy dẫy trên mặt đất này. Ông đã khéo léo đề cập ở một câu văn: “Hiện còn bao nhiêu là người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa.”
Một tác phẩm có tính tiên tri viết năm 1898, đã được ứng nghiệm vào năm 1917 khi những người Bôn-sê-vic Nga cướp được cung điện. Tính tiên tri này vượt ra ngoài lãnh thổ nước Nga, ngoài ra còn ứng nghiệm cho tất cả các xã hội theo chế độ cộng sản trên thế giới. Văn hào Anton Pavlovich Chekhov thật quả là một bậc thầy vĩ đại, có tầm nhìn vượt thời đại, cả về văn học lẫn xã hội học.
---------------------
(*)- Câu nói đi ra từ miệng của đảng trưởng đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.)
No comments:
Post a Comment