Tuy đã có hai đầu máy và hai toa đã được đưa đến depot Hà Đông nhưng metro vẫn còn xa tầm với của cả chính quyền thành phố Hà Nội lẫn chính quyền thành phố Sài Gòn.
Đầu thập niên 2000, chính quyền Việt Nam tuyên bố sẽ phát triển hệ thống metro ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn và xem đó như một giải pháp để giải quyết các vấn nạn về giao thông, hỗ trợ Hà Nội lẫn Sài Gòn phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, sau 17 năm, các dự án metro ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn là trái đắng.
Hồi hạ tuần tháng này, Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt Đô Thị (cách chính quyền Việt Nam gọi các dự án metro) của thành phố Hà Nội vừa thú nhận, chín dự án metro ở thành phố này đều “chậm tiến độ và đội vốn.” Có tới 6/9 dự án chưa nghiên cứu xong. Một yếu tố khác tuy không được liệt kê nhưng chắc chắn sẽ khiến các dự án metro tại Hà Nội còn lâu mới xong là… tiền.
Theo Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt Đô Thị của thành phố Hà Nội, chín dự án metro ở thành phố này sẽ cần khoảng $31.4 tỷ. Từ nay đến năm 2030 cần phải có $18.2 tỷ và sau đó thì cần thêm $13.1 tỷ nữa. Trong bối cảnh công khố cạn kiệt, nợ nần chồng chất, giám đốc Sở Kế Hoạch – Đầu Tư Hà Nội thông báo rằng, từ nay mắt đến 2020 vẫn phải “kiên trì với nguồn vốn ODA” (vốn hỗ trợ phát triển). Chưa rõ chính quyền Việt Nam và chính quyền thành phố Hà Nội sẽ “kiên trì” thế nào khi giữa năm nay, Việt Nam sẽ không được hưởng các ưu đãi khi vay ODA nữa.
Tình trạng tương tự cũng đã và đang diễn ra dối với tám dự án metro tại Sài Gòn. Hồi năm 2015, Ban Quản Lý Dự Án Đường sắt đô thị ở Sài Gòn, thú nhận, chi phí xây dựng các tuyến metro 1, 2, 5 (ba tuyến metro đầu tiên) đã tăng thêm $3 tỷ! Sang năm 2016, ngoài tin chi phí thực dự án metro số 1 tăng từ $1.1 tỷ lên $2.4 tỷ còn có tin nhà thầu đòi Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt Đô Thị ở Sài Gòn bồi thường 2.5 tỷ đồng/ngày vì chậm bàn giao mặt bằng. Tính ra dân chúng Việt Nam phải chia nhau gánh khoản 2,000 tỷ đồng vì Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt Đô Thị ở Sài Gòn không dự tính được chuyện đó.
Hồi Tháng Mười, 2014, ông Đinh La Thăng, lúc đó là bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam từng thú nhận, sở dĩ có tình trạng “chậm tiến độ và đội vốn” là vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án metro, cũng như chưa có nhân sự đủ kiến thức, đủ bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo.
Lúc đó, ông Trần Đức Toàn, vụ phó Vụ Kết Cấu Hạ Tầng và Đô Thị của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, cũng bảo rằng, hiểu biết của Việt Nam về metro rất kém, việc lập các dự án, giám sát, thi công,… đều dựa vào quốc gia cho vay tiền thực hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia không tán thành những ý kiến đó. Ông Phan Văn Trường, một kỹ sư từng là phó chủ tịch Alsthom Transports của Pháp, cho biết, khi thực hiện các dự án metro, người ta có rất nhiều lý do để điều chỉnh tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện. Lý do khiến vốn đầu tư các dự án metro tăng vọt còn nằm ở chỗ thay đổi công nghệ. Nếu chủ đầu tư không “cứng” thì vốn đầu tư dễ tăng lên nhiều lần.
Cũng vì vậy, ông Trường khuyến cáo, Việt Nam không thể nhún nhường và để phụ thuộc hoàn toàn vào phía cho vay vốn thực hiện các dự án metro. Phía cho vay đã hưởng lợi qua việc doanh nghiệp của họ được ưu tiên thực hiện toàn bộ dự án. Thành ra, Việt Nam phải có sự ràng buộc chặt chẽ cả về chuyển giao công nghệ, lẫn giá cả.
Theo ông Trường, nếu chủ đầu tư có hiểu biết và có bản lĩnh thì tổng vốn đầu tư của một dự án metro không bao giờ tăng quá 10% một năm. Ông Trường nhấn mạnh, nếu dự án tăng quá 10% mỗi năm thì điều đó đồng nghĩa với việc “chủ đầu tư quá dễ dãi và chắc chắn có tham nhũng.”
Tổng vốn đầu tư của các dự án metro tại Việt Nam không chỉ tăng hơn 10% mà là tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi nhưng cả chính quyền lẫn chủ đầu tư và nhà thầu đều xem đó là… tất nhiên bởi đó là tiền của bá tánh, không phải tiền trong nhà của họ. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment