Cát Linh, phóng viên RFA 2017-02-24
Hiệp Lê (trái) và Kim, chị họ của anh. Hình facebook
Gần đây, đoạn video clip về chàng thanh niên hát trên đường phố ca khúc “Việt Nam tôi đâu” của nhạc sĩ Việt Khang được loan truyền trên mạng xã hội với số người xem ngày càng nhiều.
Cát Linh trò chuyện với chàng thanh niên ấy để tìm hiểu vì sao các bạn trẻ ngày nay chọn hát những nhạc phẩm đấu tranh bị cho là “phản động” mà không lo sợ?
Ý nghĩa
Con phố Trần Quang Diệu, Hà Nội, chiều tối 20 tháng 2 vẫn bình thường như mọi ngày, cho đến khi hai chị em Kim và Hiệp xuất hiện.
Và chỉ trong vài giờ ngắn ngủi sau đó, đoạn video phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook về một thanh niên trẻ, hành nghề bán kẹo, hát rong trên đường phố, đang hát “live” bài hát “Việt Nam tôi đâu” của ca nhạc sĩ Việt Khang đã chiếm hơn 200 ngàn lượt người xem.
Không phải người xem chỉ khen thanh niên ấy có giọng hát hay mà phần nhiều mọi người bày tỏ lòng cảm phục vì anh đã hát một ca khúc bị cho là “phản động” ngay giữa đường phố.
“Bài hát hôm trước em hát ở đường phố thì nó rất ý nghĩa đối với em. Hôm ấy, em đã hát bằng tâm hồn, con tim của em. Em thấy từ ngữ trong bài hát ấy rất ý nghĩa và em rất thích.”
Đó là tiếng hát của Hiệp Lê, một thanh niên trẻ, hàng đêm bán kẹo hát rong trên đường phố Hà Nội.
“Em biết bài hát đó cách đây khoảng bốn năm, năm 2013. Cũng đã từng hát nhiều nhưng em không hát ở đường phố. Nghề của em thì bắt buộc em phải hát rất nhiều dòng nhạc khác nhau như nhạc trẻ, nhạc vàng, bolero…tuỳ vào khác. Nhưng em lại rất thích hát dòng nhạc của anh Việt Khang.”
Bốn năm tù là bản án mà nhạc sĩ Việt Khang phải chịu sau khi anh cho ra đời ca khúc “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai?”. Việt Khang từng nói, anh viết hai nhạc phẩm này trong đời điểm tàu Bình Minh 2 và tàu Hải Kiên 2 của Việt Nam đang thăm dò dầu khí mà bị cắt cáp, người dân bị đàn áp khi xuống đường biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội.
Hai nhạc phẩm này đã làm nức lòng người Việt Nam, trong và ngoài nước. Nhiều năm qua, hai bài hát đã trở thành bài hát đấu tranh của người dân, thay họ nói lên tiếng nói chung của người Việt Nam. Mọi người đã cùng hát vang những lời ca này trong các cuộc đấu tranh đòi nhân quyền và dân chủ.
Nghề của em thì bắt buộc em phải hát rất nhiều dòng nhạc khác nhau như nhạc trẻ, nhạc vàng, bolero…tuỳ vào khác. Nhưng em lại rất thích hát dòng nhạc của anh Việt Khang.
- Hiệp Lê
Trong những người ấy, phần nhiều là các bạn trẻ. Họ hát khi xuống đường biểu tình, khi gặp gỡ nhau để chia sẻ về tình hình diễn biến của đất nước, trao đổi với nhau về con đường dẫn đến dân chủ, nhân quyền.
Cô gái trẻ tên Kim, người đồng hành với chàng thanh niên hát rong trên đường phố cho biết vì sao cô đến với thể loại nhạc này.
“Em nghe cách đây được mấy năm rồi. Em nghe của nhạc sĩ Việt Khang, đợt đấy anh bị bắt. Em nghe và ngẫm nghĩ trong nước này rất là đúng ạ. Kể cả bài Triệu con tim. Em rất thích nghe nhạc của anh Trúc Hồ và ca đoàn Ngàn Khơi.”
Triệu con tim là ca khúc của nhạc sĩ Trúc Hồ được người Việt Nam trong và ngoài nước biết đến đại diện của một tiếng nói cho nhân quyền Việt Nam. Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam ngày nay biết đến và thuộc ca khúc này.
Sỹ Bình, cũng là một trong những người ấy. Không những một mà rất nhiều lần, anh đã cùng với bạn bè của mình hát những ca khúc đấu tranh mỗi khi có dịp gặp nhau.
“Vì cảm thấy bài hát đúng với thực trạng và có thể thay được lời muốn nói của nhiều người dân.”
Chàng thanh niên hát rong Hiệp Lê và cô gái tên Kim cho biết họ đến với dòng nhạc này vì cảm xúc của lời nhạc là trước tiên:
“Thứ nhất là lời nó hay, ý nghĩa, em thích. Nhiều người ở Việt Nam bị bắt vì không có tự do nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, nói chung là rất nhiều yếu tố.”
Không sợ
Với nội dung truyền tải như thế, các ca khúc đấu tranh không phải dễ dàng đưa đến người nghe ở những chương trình biểu diễn có tổ chức hoặc được hát lên trên đường phố.
Thế nhưng, những người trẻ ấy vẫn hát say sưa như dàn đồng ca đang trình diễn trên sân khấu. Chỉ có khác rằng, sân khấu của họ là những nơi họ tuần hành đòi quyền sống, là thánh đường, là những buổi tiệc chúc phúc cho những đôi tân lang tân nương gặp nhau trong phong trào đấu tranh dân chủ; là đường phố rộng thênh thang không cần đến giá vé cao ngất trời.
Đó là nơi mà những bài tình ca truyền thống phải nhường chỗ cho các nhạc phẩm mưu cầu tự do dân tộc và quyền cho người dân Việt.
Và đó cũng là những nơi mà “sự cố, nguy cơ” bị bắt giam, tù đày sẽ đến với họ bất cứ lúc nào.
Thế nhưng họ không sợ.
“Dạ lúc ấy thì em không sợ. Đến bây giờ thì chưa có khó khăn gì với em.”
Sỹ Bình cũng thế. Anh nói “Không bao giờ sợ”, luôn cảm thấy “đầy hào khí mỗi khi hát”.
Em nghe cách đây được mấy năm rồi. Em nghe của nhạc sĩ Việt Khang, đợt đấy anh bị bắt. Em nghe và ngẫm nghĩ trong nước này rất là đúng ạ.
- Bạn trẻ Kim
Nếu Lịch sử Việt Nam có những vị anh hùng trẻ tuổi như Trần Quốc Toản, Thánh Gióng đã đánh đuổi giặc ngoại xâm bằng sức khoẻ, mưu lược và lòng yêu nước, thì ngày nay, Việt Nam có những thanh niên bày tỏ sự bất bình trước những bất công của xã hội bằng tiếng hát. Hơn ai hết họ hiểu rõ sự nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhưng họ vẫn hát, vẫn chọn những ca khúc đấu tranh để nói lên tiếng nói của tuổi trẻ.
Những việc họ làm, những ca khúc họ hát được đón nhận rất nhiều tình yêu thương của người trong xã hội.
“Phải thế chứ, các anh hãy tiếp lửa cho các bạn trẻ thức tỉnh và biết bày tỏ lòng yêu nước mà các bạn trẻ đã ngủ mê rất nhiều năm nay.”
“Các em hát hay lắm, tuối trẻ Việt Nam quốc nội.”
“Hay, cứ mạnh dạn hát và nói lên sự thật bất công của xã hội”
“Hay lắm bạn à Việt Nam cần những bạn trẻ như bạn cảm ơn bạn.”
Mỗi đêm, con phố Tôn Thất Tùng, Trần Quang Diệu lại vang lên ca khúc Việt Nam tôi đâu, Anh là ai? của hai bạn trẻ bán kẹo hát rong trên đường phố.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/youth-people-sing-the-songs-of-activist-composers-cl-02242017115213.html/vi-sao-ho-hat-nhac-dau-tranh
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/youth-people-sing-the-songs-of-activist-composers-cl-02242017115213.html/vi-sao-ho-hat-nhac-dau-tranh
No comments:
Post a Comment