Hải Âu (Danlambao) - Sau khi cộng sản đảng tổ chức đại hội 12 diễn ra trong năm 2016, phải mất gần nửa năm sau, tức là cuối năm 2016 thì nhà cầm quyền mới kiện toàn hệ thống cai trị của mình. Kể từ đó, quốc hội và chính phủ Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo các cấp lớn nhỏ, để bàn về những vấn đề chính trị, xã hội.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những chế tài của cộng đồng quốc tế bởi những vi phạm nhân quyền cùng vấn nạn tham nhũng. Bên cạnh đó đảng cộng sản dần phơi bày sự độc tài toàn trị khiến người dân phải gắng gượng sống trong nỗi căm phẫn ngày một cao trào. Lòng căm phẫn ấy là kết quả của một quá trình hơn 40 năm cộng sản cai trị nhân dân. Trong cách cai trị ấy, cộng sản luôn dùng võ lực để khiến người dân sợ hãi mà không dám phản kháng. Từ đó quan chức cộng sản tha hồ cưỡng cướp tất cả những gì có thể cướp được. Thời kì đầu sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, cộng sản đã "trưng thu, trưng dụng" nhà cửa, dinh thự, cơ quan, văn phòng, trường học, nhà thờ, chùa chiền… của “bên thua cuộc”. Tuy vậy “lý tưởng đảng” cùng với những bài học “đạo đức” của Hồ Chí Minh phần nào vẫn được đảng viên cộng sản áp dụng.
Nhưng với những biến chuyển trong cuộc sống vật chất mà xã hội văn minh của miền Nam để lại, đã khiến những “bần cố nông” sau khi “giải phóng” miền Nam khó mà giữ được tư tưởng thế giới đại đồng. Một xã hội mà cộng sản ảo tưởng tất cả mọi người sống trong đó đều bình đẳng. Một đất nước mà công nhân vệ sinh cũng có thu nhập ngang bằng giám đốc một công ty. Lý tưởng ấy thực ra chỉ là một trò mị dân của Hồ Chí Minh khéo léo tạo dựng để đánh bóng tên tuổi cá nhân, để đánh bóng hình ảnh đảng và để nhân dân “ngoan ngoan” nghe theo sự lãnh đạo của cộng sản đảng.
Sau khi nhận ra “ảo tưởng đại đồng thế giới” là điều không thể, đảng viên cộng sản đã không còn muốn giữ lý tưởng do Hồ Chí Minh vẽ ra. Đó cũng là lúc nhân dân Việt Nam bắt đầu cuộc sống khó khăn trước những hành động cưỡng cướp của nhóm lợi ích, của những tên tham quan tàn độc. Người dân Việt phải chịu đựng cảnh đàn áp từ “thanh gươm, tấm khiên” của đảng là côn an. Lãnh đạo cộng sản thì ưu ái những đề xuất, những dự án của doanh nghiệp, đổi lại bằng những biệt thự, siêu xe. Nạn tham ô, tham nhũng của quan tham cộng sản đã và đang đưa đất nước đến bờ vực của sự sụp đổ. Nỗi bức xúc trong nhân dân ngày một dâng cao và có thể lật đổ cộng sản trước khi nó tự sụp đổ.
Khi cộng sản nhận ra những thứ có thể cướp được trong nhân dân ngày một cạn kiệt, lòng căm phẫn trong dân chúng ngày càng dâng trào. Điều đó chắc chắn gây nguy hại cho cộng sản đảng, gây nguy hiểm cho cá nhân những kẻ cầm quyền. Tình thế trước mắt khiến cộng sản phải làm sao “hạ nhiệt” nỗi căm phẫn trong dân. Thế là hàng chục buổi làm việc cấp chính phủ, hằng trăm hội nghị, hội thảo các cấp sở ban ngành được tổ chức sau đại hội đảng 12. Phải tìm ra kế sách, chiến lược mới để người dân giảm bức xúc, không còn căm phẫn đảng những vẫn phải “ngoan ngoãn” dưới sự cai trị của đảng cầm quyền. Điều ấy tưởng chừng rất khó nhưng hóa ra lại cực kỳ dễ dàng thực hiện khi áp dụng bài học do Hồ Chí Minh để lại.
Mị dân, một chiến thuật cũ nhưng vẫn mới
Chiến thuật này được cộng sản đảng kế hoạch thành một chiến lược để xây dựng lại niềm tin trong quần chúng. Trong chiến lược mị dân ấy, điều đầu tiên làm là phải tế thần một vài “con dê” cỡ như Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, Nguyễn Quang Minh hay Võ Kim Cự… để dân chúng thấy đảng ta thanh liêm khi can đảm “trảm” những “con dê” bự cỡ cấp bộ, cấp sở nêu trên. Đó là chiến dịch “đã hổ giệt ruồi” do Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm để làm sao đập chuột mà không vỡ bình.
Bên cạnh đó phải xây dựng hình ảnh đẹp cho “mặt tiền của mặt tiền”, tạo ra những vở diễn “con sâu gặm tiền” giúp đỡ người gặp nạn trong dịp tết. Hay kiểu thiếu tá công an ngồi vỉa hè 30 phút tìm người phụ nữ mất ví có giá trị cao để trả lại. Phần diễn này do Trần Đại Quang cùng ban tuyên giáo cộng sản phụ trách tổng đạo diễn.
Tiếp nữa là phải trọn một số tỉnh thành để Nguyễn Xuân Phúc biến nơi đây thành đầu tàu của cả nước. Đã diễn là phải diễn cho thật sâu cùng những phát biểu mang hơi hám “bom mìn” được Thủ tướng Phúc nổ tại khu công nghệ cao. Những chuyến vi hành của Nguyễn Xuân Phúc ngồi ăn phở bò tái điên, uống cà phê hóa chất nhưng vẫn khen ngon, bổ, rẻ tại thành phố Hồ Chí Minh đã phần nào tạo ấn tượng.
Chiến lược diễn lại trò vở “mị dân” này sẽ còn tiếp diễn nhiều tập ở nhiều tỉnh thành trên đất nước hình chữ S. Những ngày gần đây thì thành Hồ đang cho thấy tính quan trọng của vở diễn, nhằm lấy lại hình ảnh cộng sản đảng, với hy vọng lấy lại niềm tin trong quần chúng.
Đoàn Ngọc Hải, một cái tên đang nổi lềnh bềnh trên báo chí cộng sản trong thời gian gần đây. Phó chủ tịch UBND quận 1 đang “ra sức giành lại” vỉa hè khi phá bức tường sắp sập ở Bộ công thương, rồi lại gỡ bỏ trụ sở khu phố lấn chiếm vỉa hè. Lần này thánh nổ Đinh La Thăng không xuất hiện trong vở diễn. Tuy nhiên ai cũng ngầm hiểu đằng sau vở diễn ấy là cả một kịch bản, cả một ban biên tập, và cả ê kíp lãnh đạo dưới sự chỉ đạo của cộng sản.
Ngày xưa Hồ Chí Minh có thể dễ dàng thành công trong kế hoạch và chiến lược mị dân là nhờ có sự hậu thuẫn của Trung cộng. Cùng với việc ngăn sông cấm chợ, đóng cửa dạy con kiểu cộng sản, nên nhân dân Việt Nam đã phải khổ sở mãi cho đến ngày hôm nay. Nhưng ngày này thế giới đã xích lại gần nhau nhờ công nghệ phát triển. Truyền thông một chiều của cộng sản không thể bưng bít trước sức mạnh cộng đồng của mạng xã hội. Vì thế vở diễn “mị dân” khó có thể thành công. Tuy nhiên nói thế xem ra có phần coi thường cộng sản. Bởi dù truyền thông mạng xã hội phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng quả thật phần lớn người dân vẫn chưa thoát ra sự mê muội bởi chính sách ngu dân của cộng sản đã bao trùm lên người Việt suốt thời gian dài.
Vì thế, những người làm truyền thông lề dân, những độc giả truyền thông lề dân hãy cùng nhau vạch trần âm mưu của cộng sản trong trò mị dân. Hãy cùng nhau nhìn thật kỹ những gì cộng sản làm, phân tích thật sâu những chiến lược của cộng sản. Để cùng nhau khai sáng, và để đồng hành với nhau trong cuộc chiến truyền thông nhằm giải thể chế độ cộng sản.
25/02/2017
No comments:
Post a Comment