Thiền Lâm-26-02-2017
(VNTB) - Đầu năm 2017, chính quyền Thanh Hóa đã mở hàng tân niên bằng một dự án như thể lặp lại ý đồ xây dựng công trình trụ sở hành chính vài ba ngàn tỷ đồng được trưng ra vào cuối năm 2015.
Đồ án quy hoạch được tỉnh Thanh Hóa trưng bày
Theo đó, chính quyền tỉnh này đang cho trưng bày mô hình và phối cảnh công viên Văn hóa xứ Thanh, có quy mô xây dựng khoảng 500.000 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 2.360 tỷ đồng ở Thư viện tỉnh Thanh Hóa (đại lộ Lê Lợi, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) để “người dân tham quan và đưa ra ý kiến”.
Nhưng nhiều người dân đến tham quan đã phản bác thẳng rằng việc xây dựng công viên tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng vào thời điểm này là không cần thiết, vì Thanh Hóa đang là một tỉnh nghèo, chưa tự chủ được ngân sách.
Nhiều người yêu cầu cần phải làm rõ điều kiện kinh tế của Thanh Hóa hiện tại ra sao, nếu xây dựng dự án hơn 2000 tỷ đồng thì nguồn kinh phí lấy từ đâu, từ ngân sách hay xã hội hóa. Còn nếu làm theo hình thức BT thì nó cũng là hình thức xã hội hóa, chủ đầu tư bỏ tiền xây dựng rồi thu phí xong mới chuyển giao và chắc chắn là phải có lợi cho người đầu tư thì họ mới làm.
Nhưng sẽ rất nghịch lý vì đây là tài sản chung của dân Thanh Hóa, giao cho chủ đầu tư mà lại phải đóng phí, thì làm sao hài hòa được lợi ích giữa dân - nhà nước - doanh nghiệp. Như BOT đường giao thông vừa qua cũng xã hội hóa, nhưng dân chịu thiệt.
Vào năm 2016, chính quyền Thanh Hóa từng bị tai tiếng lớn vì ý đồ “hỗ trợ Tập đoàn FLC” để thu hồi đất, đẩy đuổi người dân khỏi bến thuyền Sầm Sơn, khiến hàng ngàn người dân phẫn nộ biểu tình, xô đổ hàng rào cảnh sát cơ động và cuối cùng đã buộc chính quyền phải đối thoại với dân, hủy bỏ kế hoạch giải tỏa bến thuyền Sầm Sơn.
Còn giờ đây, chưa hết dư luận ồn ào về tai tiếng của vị bí thư tỉnh Thanh Hóa, một lần nữa công luận lại phải lên tiếng phẫn nộ trước một tỉnh mà nhiều năm qua phải xin cứu đói cho dân nhưng lại đang tâm “vẽ” ra một công trình như muốn moi tiền ngân sách đến vài ba ngàn tỷ đồng.
Cần nhắc lại, 5 năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đều có văn bản gửi Trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán.
Năm 2014, tỉnh đề nghị hỗ trợ khoảng 500 tấn, năm 2015 tăng lên thành 934 tấn. Dịp Tết Nguyên đán 2017, tỉnh xin 650 tấn cứu đói cho hơn 43.000 nhân khẩu với mức hỗ trợ 15 kg mỗi người. Hai huyện đồng bằng ven biển xin gạo nhiều nhất là Hoằng Hóa (235 tấn) và Tĩnh Gia (143 tấn).
So sánh đáng nói là số gạo xin hỗ trợ tính theo giá hiện nay có khoảng 10 tỉ đồng nhưng Thanh Hóa lại “đòi” đến vài ba ngàn tỷ đồng để xây dựng công viên.
Cũng cần nhắc lại, Thanh Hóa là một trong những địa phương có thuế nông nghiệp lớp chồng lớp đã khiến nông dân rơi xuống tận cùng đáy vực.
Đây cũng là địa phương quá thê thảm truyền thống lo cho dân nghèo, hiện tượng quan xã ăn chặn gạo và tiền cứu đói của dân chúng đã không còn trong vòng lén lút, gần đay còn rộ lên chuyện chính quyền tận thu cả giường ngủ để ép dân phải đóng thuế…
No comments:
Post a Comment