Chỉ kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với 27 công trình cầu đường được đầu tư trong giai đoạn từ 2011 đến 2016 chứ không hề đề nghị truy cứu trách nhiệm của các viên chức hữu trách.
Sau hàng loạt vụ biểu tình phản đối các trạm thu phí cầu đường thi nhau mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam, khiến mọi giới điêu đứng vì các loại chi phí tăng vọt, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Cơ Quan Kiểm Toán Việt Nam xem lại một số dự án cầu đường do các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao sau khi đã thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi).
Cơ Quan Kiểm Toán Việt Nam chỉ mới kiểm tra 27 dự án cầu đường và chứng minh, dự án nào cũng được phép thu phí dài hơn mức cần thiết. Tổng thời gian mà theo cơ quan này tính toán và đề nghị cắt bỏ, không cho các chủ đầu tư thu phí cộng lại chừng… 100 năm.
Thậm chí cơ quan Kiểm Toán Việt Nam còn đề nghị chấm dứt việc cho phép thu phí ngay lập tức một số dự án như dự án đầu tư tuyến đường nhánh để tránh thị xã Tam Kỳ khi lưu thông trên quốc lộ 1, tỉnh lộ 678 đi qua huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Tại buổi báo cáo kết quả kiểm toán 27 công trình cầu đường được đầu tư trong giai đoạn từ 2011 đến 2016 với Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam, cơ quan Kiểm Toán Việt Nam cho biết, 27 dự án đầu tư cầu đường đều là chỉ định nhà thầu chứ không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Do vậy, các yếu tố để quyết định thời gian mà chủ đầu tư được phép thu phí như: Tỉ lệ vốn của chủ đầu tư, tỉ lệ vốn đi vay, lãi suất đối với vốn đi vay, chi phí quản lý, lợi nhuận,… đều mập mờ và không hợp lý.
Sự mập mờ và không hợp lý còn thể hiện ở chỗ nhiều trạm thu phí cầu đường được đặt bên ngoài dự án, thành ra không sử dụng cầu đường, các loại phương tiện vẫn bị buộc phải trả phí. Đa số dự án cầu đường mà Cơ Quan Kiểm Toán Việt Nam đã kiểm tra đều buộc các loại phương tiện trả chung một mức phí, bất kể những phương tiện đó di chuyển trên công trình cầu đường dài hay ngắn.
Cơ Quan Kiểm Toán Việt Nam còn phát giác có sự nhập nhằng về bản chất của các dự án đầu tư cầu đường để thu phí. Nhiều dự án trong số những dự án mà họ đã kiểm tra chỉ là “cải tạo, nâng cấp” chứ không phải “làm mới” theo đúng tinh thần BOT. Cũng vì vậy, dân chúng bị tước mất cơ hội lựa chọn, sử dụng hệ thống giao thông miễn phí.
Báo cáo kết quả kiểm tra 27 công trình cầu đường được đầu tư trong giai đoạn từ 2011 đến 2016 của cơ quan Kiểm Toán Việt Nam cho thấy, không chỉ chính quyền các tỉnh phải chịu trách nhiệm về thực trạng vừa kể (chỉ định thầu, mặc kệ chủ đầu tư muốn dựng trạm thu phí ở đâu cũng được). Nó làm người ta thắc mắc tại sao Bộ Giao Thông-Vận Tải nhắm mắt phê duyệt các dự án đầu tư cầu đường, đánh đồng “cải tạo, nâng cấp” với “làm mới,” không đặt định cách thức kiểm soát lưu lượng phương tiện qua các công trình cầu đường, doanh thu thực của các dự án đầu tư? Tại sao Bộ Tài Chính không quy định về lợi nhuận của chủ đầu tư đối với trường hợp chỉ định thầu, không hướng dẫn về mức phí sao cho phù hợp với đặc điểm dự án, đặc điểm khu vực có dự án đầu tư? Tại sao Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư không có bất kỳ đề nghị nào về việc ban hành các quy định về đầu tư theo hình thức BOT?
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Việt Nam, bảo với báo giới, chỉ mới kiểm tra 27 công trình cầu đường mà đã lắm chuyện như vậy. Nếu kiểm tra hết thì sao?
Nhiều người khác có một thắc mắc khác, đó là thực trạng vừa kể dứt khoát do một trong hai nguyên nhân, hoặc các viên chức hữu trách từ địa phương đến trung ương nhắm mắt và ngậm miệng ăn tiền, hoặc là quá kém. Do nguyên nhân nào thì cũng phải xử lý tới nơi, tới chốn nhưng tại sao lại không có ai đả động đến chuyện này? (G.Đ)
No comments:
Post a Comment