Nông dân thu hoạch lúa vụ đông xuân ở Cần Thơ. (Ảnh: Sài Gòn Báo)
Một phúc trình của Bộ Nông nghiệp CSVN cho biết tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vựa lúa lớn nhất cả nước, nông dân đang sống nghèo đói.
Diện tích đất sản xuất của nông dân nếu là 1 ha/gia đình (thực tế theo điều tra thì diện tích đất trồng lúa của nông dân ĐBSCL hiện nay là 0,7 ha/nhà), làm trong hai vụ lúa đông xuân và hè thu sẽ thu hoạch 10 – 12 tấn. Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5-6 tấn lúa. Thử lấy giá khoảng 6,000 đồng/kg cũng chỉ ở mức 30 triệu đồng/ năm, sau đó chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6 triệu đồng/người/năm, hay 500,000 đồng/người/tháng (20 USD).
Khoản thu nhập này được sử dụng để chi cho nhiều thứ như: ăn uống, học hành, trị bệnh, hiếu hỉ…, tính sơ sơ cũng lên đến tiền triệu. Đó là cách tính của 1ha/gia đình. Trong khi đó, một phúc trình của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lại nói rằng có tới 85% gia đình trồng lúa có diện tích sản xuất dưới 0.5ha.
Theo giáo sư nông học Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, thì 42 năm qua nông dân Việt Nam đang vẫn còn nghèo khổ. Với việc Hà Nội buộc ĐBSCL phải làm mỗi năm hai vụ lúa, không có thời gian đủ để đất nghỉ ngơi, buộc người nông dân phải lạm dụng phân bón, qua đó càng khiến chất lượng đất canh tác giảm sút, khiến giá thành sản phẩm tăng cao.
Ông Xuân nói, chi phí cho lúa từ 3,800 – 4,000 đồng/kg, trong khi nếu canh tác như trước năm 1975, chi phí chỉ khoảng 1,800 – 2,000 đồng/kg.
Đáng chú ý là thuốc trừ sâu bệnh cho cây lúa hiện nay, có tới trên 53% là nhập về từ Trung Cộng. Phúc trình của Bộ Nông nghiệp CSVN cho biết trong năm 2016, kim ngạch nhập cảng thuốc trừ sâu từ Trung Cộng cũng chiếm 47.1% trong tổng số 736 triệu Mỹ kim.
Còn theo một phúc trình từ Tổng cục Hải Quan, thì mỗi ngày Việt Nam chi 20.5 tỷ đồng để nhập thuốc trừ sâu từ Trung Cộng. Các nhà nông học đang rất lo lắng trước thực trạng ngập tràn thuốc trừ sâu Trung Cộng được sử dụng cho đồng ruộng Việt Nam.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment