Monday, April 3, 2017

Giới luật sư Việt Nam đòi nhà cầm quyền bỏ những quy định vô lý

Công an bắt dân (Hình minh họa: nguồn diendanvietnam)
HÀ NỘI (NV) – Hàng chục luật sư tại Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền phải để cho các luật sư gặp thân chủ của họ khi đang bị giam giữ không bị giới hạn như hiện nay.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội vừa phát động chiến dịch của giới luật sư ký tên kêu gọi nhà cầm quyền “gỡ bỏ những bất cập của nền tư pháp, dẹp bỏ những chướng ngại trong môi trường hành nghề luật sư, góp phần thúc đẩy xây dựng nền tư pháp Việt Nam được trở nên công minh tiến bộ”.
Sau hai ngày phát động, đã có 47 luật sư tại nhiều địa phương trên cả nước ký tên trên bản kiến nghị này.
Theo luật sư Trai, quy định hiện nay của nhà cầm quyền chỉ cho luật sư được gặp người bị giam giữ “không quá một giờ mỗi lần” mà theo ông “chỉ là một trong số nhiều quy định pháp lý bất cập, không thân thiện và cản trở luật sư hành nghề.”
Trong các vụ án có tính cách chính trị, người bị tạm giam không được gặp thân nhân và luật sư cho tới khi sắp sửa bị lôi ra tòa nhận lãnh bản án thường được gọi là “bản án bỏ túi”. Tức là bản án được nhà cầm quyền trung ương quyết định sẵn mà tòa án chỉ là kẻ thừa hành, xét xử chiếu lệ bất chấp luật lệ tố tụng hình sự của chính chế độ đặt ra. Phần lớn các trường hợp, thân nhân chỉ được gặp mặt ở tòa án trong phiên xử.
Theo luật sư Ngô Ngọc Trai, từ trước tới nay các luật sư bị cấm không cho gặp mặt thân chủ trái với quy định của Luật Tố tụng Hình Sự vì “lâu nay nó tồn tại dai đẳng được vì nhiều lý do, trong đó có lý do là giới luật sư cũng chưa làm gì nhiều để thúc đẩy thay đổi”.
Bản kiến nghị của các luật sư tại Việt Nam viện dẫn “Báo chí trong nước đang đưa tin về sự kiện cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị bắt giữ. Theo nội dung các bài trên các báo như Tuổi trẻ, Người Lao Động, Vnexpress, Vietnamnet, Dantri … đều có thông tin bà Park có quyền được gặp luật sư không giới hạn thời gian. Điều này khiến chúng tôi rất cảm kích trước quy định pháp lý tiến bộ, tôn trọng con người và tôn trọng quyền bào chữa của pháp luật nước bạn.”
Nhìn vào sự hoạt động của luật sư tại Việt Nam, bản kiến nghị thấy “luật sư luôn bị khó khăn trong việc gặp gỡ thân chủ đang bị giam giữ.”
“Hiện tại, việc luật sư gặp thân chủ được quy định tại Điều 22 Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ ban hành về quy chế tạm giữ, tạm giam. Ngoài việc hay bị từ chối cho gặp vì đủ mọi lý do thì thời gian gặp làm việc không quá một giờ.” Bản kiến nghị viết. “Trong khi nhiều vụ án lớn phức tạp luật sư cần nhiều thời gian để trao đổi với thân chủ, hoặc luật sư phải mất công đi rất xa mới đến được nơi gặp, khi đó quy định thời gian gặp không quá một giờ rõ ràng là một cản trở cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị giam giữ, gây bất lợi cho họ cũng như bất lợi cho luật sư hành nghề.”
Trong bức thư gửi các đồng nghiệp tham gia ký tên, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói rằng “tồn tại những quy định pháp luật rõ ràng ràng vô lý ngang trái, xâm hại quyền hành nghề của luật sư, thì tôi hiểu đó là sự coi thường giới luật sư, đó là sự thật và không thể nào hiểu khác được”.
Trước đây nhiều năm, cũng đã từng có những kêu gọi nhà cầm quyền “cởi trói” cho giới luật sư, để họ hoạt động đúng chức năng bảo vệ pháp lý cho thân chủ một cách độc lập. Tuy nhiên, lời kêu gọi đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.
Tuy Liên đoàn luật sư tại Việt Nam là môt tổ chức độc lập, mỗi tỉnh đều có một chi nhánh, nhưng nhà cầm quyền luôn luôn cài cắm những người là đảng viên đảng CSVN hoặc những ai chịu khuất phục, tuân lệnh nhà cầm quyền, đứng đầu tổ chức này từ trung ương tới địa phương.(TN)

No comments:

Post a Comment