Friday, March 24, 2017

Việt Nam không thể chống tham nhũng trong ngành tư pháp

Nguyên thẩm phán Bùi Anh Đức bị bắt vì ăn hối lộ “chạy án”. (Hình: Báo Dân Trí)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Đương sự ngồi vân vê nhẫn kim cương, thẩm phán sao kềm lòng nổi,” ông Trần Văn Độ, cựu phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, nói tại hội thảo phòng chống tham nhũng trong ngành tư pháp CSVN.
Tình trạng tham nhũng, hối lộ rất phổ biến trong hệ thống tư pháp Việt Nam lại được đem ra mổ xẻ trong buổi “hội thảo hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp” vừa được Ban Nội Chính Trung Ương đảng CSVN và Chương Trình Phát Triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức sáng ngày 24 Tháng Ba tại Hà Nội
Theo tường thuật trên tờ Dân Trí, báo cáo của nhóm nghiên cứu về vấn đề này cho thấy tình trạng tham nhũng, hối lộ trong hệ thống tư pháp CSVN diễn ra ở tất cả các “khâu” ngay từ việc “tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự” cho đến điều đình để giảm án hoặc thay đổi kết quả bản án.
Người ta thấy có nhiều “khoảng hở” dễ làm nảy sinh tiêu cực trong hoạt động công vụ của cán bộ tòa án, tạo cơ hội cho tham nhũng. Chẳng hạn, muốn tòa thụ lý đơn kiện thì cũng phải “bôi trơn” mới nhanh, theo lời phàn nàn của ông Trần Văn Độ trong cuộc hội thảo.
Còn ông Trần Ngọc Đường, được tường thuật trên tờ Thanh Niên, nói rằng pháp luật của chế độ “hiện nay chưa ngăn cấm một cách tuyệt đối mối quan hệ giữa những người trong hợp đồng xét xử với luật sư, đương sự. Làm thế nào để không có sự tiếp xúc giữa hai bên dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm chưa độc lập nên dễ móc ngoặc với nhau làm thay đổi bản án.”
Ông Độ cho rằng việc phân công trách nhiệm không rõ ràng giữa người có trách nhiệm trong tòa án trực tiếp nhận đơn và thẩm phán thụ lý dẫn đến tình trạng thẩm phán lựa chọn vụ án để thụ lý, một cơ hội dẫn đến dễ dàng ăn hối lộ.
Phát biểu trong cuộc hội thảo này, ông Dennis Curry, phụ tá giám đốc UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh “minh bạch là yếu tố quan trọng và xuyên suốt trong việc phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, xây dựng khung pháp lý mạnh và rõ ràng, tránh những lỗ hổng pháp lý và việc áp dụng công nghệ để tăng cường minh bạch trong hoạt động là những yếu tố quyết định đối với việc phòng, chống tham nhũng hiệu quả,” theo thông tấn xã Việt Nam.
Cuối Tháng Mười năm ngoái, báo chí cho hay, cơ quan điều tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao “thụ lý 169 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 126 tố giác, tin báo; ra quyết định khởi tố 30 vụ án hình sự, trong đó có 16 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp.” Nói cách khác, chỉ có một số rất nhỏ trong tổng số cáo vụ tố cáo quan chức chế độ trong ngành tư pháp ăn bẩn bị truy tố.
Ngày 27 Tháng Tám, 2014, trong buổi hội thảo “Tăng cường liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong ngành hành pháp,” ông Nguyễn Chí Công, đại diện Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, được thuật lời nói: “Tham nhũng và lạm quyền của cán bộ trong ngành tư pháp cũng như công an ở Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu năm 2010 đến nay, các hành vi như bức cung, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến oan sai, bao che, bỏ lọt tội phạm, ‘chạy án,’ nhận hối lộ, ra quyết định trái pháp luật… liên tục được phát hiện.”
Theo báo cáo của bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội, đọc trong một phiên họp tại Hà Nội ngày 21 Tháng Chín, 2016, tham nhũng tại Việt Nam đang “ổn định,” chưa bị đẩy lùi, và “số vụ được phát hiện ngày càng ít.”
Rất nhiều người kêu gọi Hà Nội từ bỏ con đường độc tài cộng sản lỗi thời, tổ chức guồng máy công quyền tách biệt ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp. (T.N.)

No comments:

Post a Comment