Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-03-24
Vỉa hè là nơi mưu sinh của người nghèo. Ảnh chụp hôm 12/9/2016 tại Hà Nội. AFP photo
Phạt 1 triệu đồng/biệt thự trái phép
Trong tuần qua, thông tin chính quyền thành phố Đà Nẵng phạt 40 triệu đồng đối với công trình 40 móng biệt thự đang xây dựng không có giấy phép tại khu vực bán đảo Sơn Trà thu hút mối quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Nhiều khán thính giả và độc giả RFA chú ý theo dõi diễn tiến của vụ việc này; bởi lẽ họ nêu ra một trường hợp điển hình người dân thường muốn xây một chuồng nuôi vịt mà không xin phép, như trường hợp quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh-Sài Gòn, đã phải đối diện nguy cơ bị khởi tố hình sự; trong khi 40 ngôi biệt thự do Công ty Cổ phần Tiên Sa đang xây dựng trái phép, tác động rõ rệt đến cảnh quan và môi trường của thành phố Đà Nẵng thì chỉ bị phạt ở mức 1 triệu đồng/1 căn biệt thự. Bên cạnh đó, còn có những thông tin liên quan mà hầu như những người quan tâm đều phải cất lên tiếng than rằng “Không thể nào tin đó là sự thật!”, như chia sẻ của một thính giả từ Đà Nẵng gửi về Đài RFA:
“Một công trình, một dự án phá nát lá phổi thành phố nơi gia đình tôi và hàng triệu người dân đang sinh sống.
Rừng nguyên sinh Sơn Trà bị phá để xây khách sạn, biệt thự trái phép nhưng ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đăng đàn tuyên bố ‘làm sai thì đình chỉ, xử phạt theo đúng quy định, đồng thời xem xét để chủ đầu tư bổ sung đầy đủ giấy tờ, cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công. Đã có lệnh đình chỉ. Nhưng không biết bao lâu nữa sẽ được hợp thức hóa để tiếp tục xây đây?
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng, gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, mà qua đó cũng là nguyện vọng của người dân Đà Nẵng như tôi, khẩn thiết yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, đừng phá hoại rừng của bán đảo Sơn Trà. Vậy mà, Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng khẳng định kiến nghị này chỉ là ý kiến cá nhân của ông Huỳnh Tấn Vinh.
Không thể nào tin nỗi đó là sự thật!”
Nhiều thính giả có đồng quan điểm cho rằng công trình xây dựng 40 căn biệt thự của Công ty Cổ phần Tiên Sa cần phải bị phá dỡ vì phải như vậy thì luật pháp mới nghiêm minh.
Trong những ngày qua Đài Á Châu Tự Do cũng nhận được rất nhiều ý kiến liên quan hoạt động xây dựng này:
Nhà của dân có xây sai phép 1 cục gạch thì bị cả một lực lượng hùng hậu đập phá không thương tiếc. Còn bây giờ với 40 biệt thự thì lại không dám đụng vào. Thật trớ trêu tình đời
-Thính giả RFA
“Mình nghĩ hoài không tìm được nguyên nhân. 40 biệt thự xây không phép đến bây giờ chính quyền mới phát hiện ra? Hồi trước mình xây nhà mới, đổ một xe cát thì các anh quản lý đô thị có mặt sau nửa giờ đồng hồ. Lạ nhỉ! Có ai còn nhớ một gia đình xây tượng Trần Hưng Đạo trong sân nhà ở Lâm Đồng không? Bị phát hiện ngay và bị phạt vạ đấy!”
“Nếu đúng quy trình thì đợi xây xong rồi mới phát hiện và rút kinh nghiệm luôn. Tại vì chung chi không đồng đều nên mới bị phát hiện.”
“Chuyện có gì mà ầm ĩ đâu! Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chỉ công bố phần phạt. Còn phần lót tay cho các quan hữu trách bao nhiêu thì đó là ‘bí mật quốc gia’. Đâu lại vào đấy và lại cho phép xây tiếp tục.”
“Nhà của dân có xây sai phép 1 cục gạch thì bị cả một lực lượng hùng hậu đập phá không thương tiếc. Còn bây giờ với 40 biệt thự thì lại không dám đụng vào. Thật trớ trêu tình đời!”
Đây không phải là một vụ việc được cho là “trớ trêu” hay “không thể tin nỗi” tại Việt Nam. Trong tuần qua còn các thông tin mà quý thính giả Đài RFA cho là mang tính nghiêm trọng hơn. Trước hết, có thể kể đến thông tin Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu Trung Quốc được Hà Nội mời nghiên cứu lập quy hoạnh hai bên bờ sông Hồng, được báo giới trong nước loan tải vào ngày 20 tháng 3, khiến cho dư luận thắc mắc vì sao nhà thầu Trung Quốc luôn được Nhà nước Việt Nam ưu ái. Thính giả Thi Le đặt câu hỏi “Chỉ là quy hoạch một bờ sông mà phải giao dự án cho Trung Quốc thì Chính phủ Việt Nam còn gì để nói với người dân không?” Thính giả Duy Minh Nguyen trả lời rằng “Đảng và Nhà nước lãnh đạo không có đủ trình dộ chuyên môn. Họ không muốn nhờ dân vì không cùng quan điểm cho nên Hà Nội phải nhờ người ‘đồng chí’ Bắc Kinh vì cùng quan điểm và lý tưởng”. Còn thính giả Tienggoi Nguyen bày tỏ “Nghe mà vui làm sao! Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc vô Nam, công trình nào cũng được nhờ ông bạn ‘4 tốt-16 chữ vàng’ giúp đỡ. Cũng phải thôi vì ký kết Hội nghị Thành Đô năm 2020 đến rất gần rồi!”
Trước những tranh cãi sôi nổi của dư luận xoay quanh thông tin vừa nêu, chỉ một ngày ngay sau khi truyền thông trong nước loan tin, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lên tiếng rằng Hà Nội chưa đồng ý cho một đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và thông tin báo giới loan tải là chưa đúng. Một vài quý thính giả liên lạc Đài RFA với câu hỏi có tiên đoán được khi nào giới chức Hà Nội lại đăng đàn để xác nhận thông tin này là chính xác vì không những phía Trung Quốc giúp trong khâu thiết kế mà còn cả khâu thắng thầu và xây dựng, như thính giả Duc Lequang nói rằng “Xứ sở thiên đường xã hội chủ nghĩa mà, con lạc đà chui qua lỗ kim dễ dàng lắm!”
Những tin tức trái khoáy
Những thông tin tiếp theo trong tuần qua, quý thính giả RFA cho rằng không thể nào tin nổi là sự thật:
-Ba thanh niên uống rượu say, tự ý ấn nút van xả lũ hồ chứa nước Suối Vực, ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, hồi rạng sáng 15 tháng 3 gây thiệt hại cho vùng hạ lưu hơn 300 triệu đồng, theo ước tính ban đầu của Ủy ban Nhân dân huyện.
-Chiến dịch lấy lại vìa hè đang diễn ra rầm rộ tại thành phố Hồ Chí Minh còn gây nhiều tranh cãi. Và chính quyền Quận 1 vừa thông báo lần đầu tiên lập đề án kinh doanh hàng rong, đồng thời sẽ tiến hành thí điểm ở vỉa hè tại khu vực Nhà Văn hóa Thanh niên và Công viên Bách Tùng Diệp. Bên cạnh đó còn là đề án kinh doanh hàng rong qua mạng khiến nhiều người ‘sửng sốt’!
-Thủ đô Hà Nội cũng đang thi hành chiến dịch lấy lại vỉa hè, hàng loạt cây xanh hai bên đường liên thôn ở xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất bị đốn còn trơ gốc.
-Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, nhân Ngày Nước sạch Thế giới, tuyên bố nguồn tài nguyên nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.
Đất nước chúng ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới có thể xảy ra những ‘điều kỳ diệu’ như vậy và còn vô số những chuyện lạ đời khác mà tư duy của loài người không tài nào hình dung hay tưởng tượng ra được
-Thính giả RFA
-Và mặc dù ông Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định trước Quốc hội Việt Nam, hồi trung tuần tháng 11 năm 2016, rằng “Biển miền Trung đã an toàn” sau gần 7 tháng sự cố thảm họa môi tường do Formosa xả thải có độc tố ra khu vực biển 4 tỉnh Bắc miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần số tiền khổng lồ để tái tạo môi trường biển miền Trung khi tham gia thảo luận lấy ý kiến về Dự thảo Luật thủy sản vào sáng 21/3/2017.
Với các tin tức mới nhất tại Việt Nam trong hạ tuần tháng 3, thính giả Minh Đinh Ngọc chia sẻ rằng “Đất nước chúng ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới có thể xảy ra những ‘điều kỳ diệu’ như vậy và còn vô số những chuyện lạ đời khác mà tư duy của loài người không tài nào hình dung hay tưởng tượng ra được!”
Mục “trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi dứt lời Hòa Ái trả lời tin nhắn sau:
“John Đoàn, sống ở San Jose. Em muốn xin địa chỉ của chị Nga, ở Hà Nam và chị Mẹ Nấm, ở Nha Trang để xin đóng góp một ít cho gia đình. Nếu như đài có địa chỉ, xin gửi tin nhắn cho em. Nếu có địa chỉ hay số điện thoại cũng được. Cảm ơn. Xin chào.”
Quý vị nào có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ những gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn nào đó mà trong các bản tin của Đài RFA có đề cập đến, quý vị vui lòng liên lạc với Ban Việt ngữ như quý thính giả John Đoàn và nhắn lại số điện thoại hay địa chỉ email của quý vị để chúng tôi liên lạc và chuyển thông tin cá nhân của những người quý vị muốn giúp đỡ. Quý vị có thể liên lạc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775, hoặc qua địa chỉ emailvietweb@rfa.org và hoaai@rfa.org.
Đối với quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe chương trình phát thanh của đài qua điện thoại. Hiện Đài RFA có 2 số điện thoại để nghe các chương trình Việt ngữ của đài. Số điện thoại mới nhất là số 712-735-447. Riêng, quý vị nào sử dụng dịch vụ viễn liên của công ty T-Mobile, quý vị gọi vào số 360-398-4204.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
No comments:
Post a Comment