ÐÀ NẴNG (NV) – Công ty Trung Nam – nhà đầu tư kiêm nhà thầu hệ thống cầu vượt ngã ba Huế vừa gửi “tối hậu thư” cho chính quyền Ðà Nẵng đòi phải sớm có quyết định chính thức về việc trả nợ.
Năm 2013, công ty Trung Nam được chọn để đầu tư-xây dựng hệ thống cầu vượt ngã ba Huế – một trong những nơi có mật độ xe cộ lớn nhất ở Ðà Nẵng.
Công ty Trung Nam đã vay Ngân Hàng Thương Mại Sài Gòn-Hà Nội (SHB) 2,050 tỉ đồng để thực hiện hệ thống cầu vượt ngã ba Huế. Tuy công trình đã hoàn tất từ Tháng Ba năm 2015 nhưng đến nay công ty Trung Nam chưa được thanh toán đồng nào. Cuối tháng này là thời điểm công ty Trung Nam phải hoàn trả cho SHB 2,050 tỉ đã vay và 600 tỉ tiền lãi.
Trong “tối hậu thư” gửi chính quyền Ðà Nẵng, công ty Trung Nam yêu cầu chính quyền thành phố này chọn một trong hai: Hoặc thanh toán sớm khoản nợ 2,050 tỉ đồng. Hoặc để công ty này tự tổ chức thu hồi vốn đầu tư bằng cách cấm xe ở một số tuyến đường, lập trạm thu phí ở tất cả các lối dẫn vào hệ thống cầu vượt ngã ba Huế.
Khi được hỏi về hoàn cảnh, đại diện công ty Trung Nam phân trần với báo giới Việt Nam rằng, họ không muốn tổ chức thu phí giao thông đối với phương tiên qua lại hệ thống cầu vượt ngã ba Huế nhưng họ đang trong tình trạng chẳng đặng đừng. Tới hạn mà không trả được cả nợ gốc lẫn lãi cho SHB thì hết đường làm ăn.
Chưa thấy SHB nói gì trước viễn cảnh có thêm 2,050 tỉ dồng nợ xấu (nợ không có hoặc chưa thấy khả năng thu hồi).
Ðáng nói là theo tờ Tuổi Trẻ thì lúc này, cả chính quyền thành phố Ðà Nẵng lẫn Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đều chưa biết đào đâu ra tiền để trả cho công ty Trung Nam.
Sở dĩ hệ thống cầu vượt ngã ba Huế dính dáng tới Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam vì chính quyền Ðà Nẵng đã “xin” và thủ tướng Việt Nam đã đồng ý giao cho Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đứng ra “thu xếp vốn.” Thời gian “thu xếp vốn” để thanh toán là từ nay đến năm… 2020!
Chuyện chính quyền thành phố Ðà Nẵng nợ công ty Trung Nam 2,050 tỉ giờ mới “lòi” ra nhưng lý do chuyện này làm thiên hạ chưng hửng không phải vì khoản nợ khổng lồ đó mà vì đang nợ như thế, chưa biết làm sao trả nợ thì Tháng Tám năm ngoái, chính quyền thành phố Ðà Nẵng công bố ý tưởng bỏ trung tâm hành chính hiện tại để xây một trung tâm hành chính mới. Cần nhắc lại rằng, trung tâm hành chính hiện tại chỉ mới hoàn tất cách nay hai năm và ngốn tới 2,000 tỉ. Lý do dẫn tới ý tưởng bỏ cũ xây mới là vì trung tâm hành chính hiện tại không… thoáng khí.
Dư luận xoay quanh chuyện bỏ trung tâm hành chính hiện tại vừa lắng xuống thì Tháng Mười Hai năm ngoái, Thành Ủy Ðà Nẵng thông qua một… nghị quyết, khẳng định sẽ làm đường hầm băng ngang sông Hàn.
Lý do Thành Ủy Ðà Nẵng phải soạn riêng một… nghị quyết cho kế hoạch xây dựng đường hầm băng ngang sông Hàn vì có nhiều người, nhiều giới ngăn cản. Theo nhiều chuyên gia thì mật độ công trình vượt sông Hàn vốn đã rất dày. Trong phạm vi 12 cây số đã có tới 11 cầu và bên kia sông Hàn chỉ có 150,000 gia đình. Mặt khác, Ðà Nẵng chỉ có 1.1 triệu dân với 60,000 xe hơi, chưa tới 800,000 xe hai bánh gắn máy, xây thêm một công trình nữa để vượt sông Hàn là quá thừa. Những chuyên gia này gợi ý, nếu chính quyền thành phố Ðà Nẵng khăng khăng phải có thêm công trình vượt sông Hàn thì nên làm cầu, chi phí sẽ chỉ gần một nửa chi phí làm đường hầm song bí thư Thành Ủy Ðà Nẵng tuyên bố, không làm được đường hầm qua sông Hàn sẽ… từ chức. Có lẽ sợ mất một… nhân tài nên Thành Ủy Ðà Nẵng “nhất trí” thực hiện ý kiến bí thư!
Ðường hầm băng ngang sông Hàn – nối quận Hải Châu với quận Sơn Trà, dự trù khởi công vào năm 2018, hoàn tất vào năm 2021 và sẽ ngốn… 4,700 tỉ đồng!
Tỉnh, thành phố nào ở Việt Nam cũng như Ðà Nẵng.
Hồi cuối năm 2013, bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu Tư của chính phủ Việt Nam lúc đó là ông Bùi Quang Vinh từng cảnh báo: “Kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn đào củ mài để ăn.”
Theo lời ông Vinh: “Ðất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan.” Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.
Hơn ba năm sau, dẫu nợ nần càng ngày càng cao, xây dựng cơ bản kiểu như trung tâm hành chính mới, đường hầm vượt sông Hàn,… vẫn tràn lan. Có thể vì các viên chức Việt Nam hâm mộ viễn cảnh chết chùm. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment