SÀI GÒN (NV) – Ban hành một nghị định từ hai năm trước nhằm cắt bớt những người dôi dư trong guồng máy cầm quyền, nay ông bộ trưởng Nội Vụ của chính phủ CSVN kêu rằng “không tìm ra được người để giảm biên chế.”
Trong một cuộc họp ở Sài Gòn với các quan chức địa phương được tờ Đất Việt tường thuận hôm 10 Tháng Ba, 2017, ông Lê Vĩnh Tân, bộ trưởng Nội Vụ nhìn nhận như vậy sau khi các chức sắc địa phương kêu là thi hành cái lệnh cắt bớt biên chế “rất khó.”
“Biên chế” là ngạch công chức được ăn lương của nhà nước. Gần hai chục năm qua, các định chế tài trợ quốc thế thúc hối nhà cầm quyền CSVN giảm bớt sự cồng kềnh của guồng máy công quyền, nhưng nhiều báo cáo của các năm gần đây cho thấy càng hô hò “tinh giản biên chế” thì guồng máy từ trên xuống dưới lại phình ra to hơn.
Cuối năm 2014, chính phủ CSVN cho ra nghị định 108/CP đòi hỏi cả hệ thống phải duyệt xét lại nhân sự các cấp, loại bỏ những người không cần thiết, dôi dư vốn được đưa vào vì là cán bộ 5C “Con Cháu Các Cụ Cả,” hoặc các xếp ở trên ăn hối lộ, đưa thêm người vào.
Hàng năm đều có các cuộc họp về “Tinh giản biên chế” nhưng lệnh vẫn cứ thúc còn, cắt biên chế thì hiếm hoi. Cái nghị định nói trên đề ra 8-9 tiêu chuẩn để theo đó thi hành, ông Lê Vĩnh Tân kêu rằng “ khó thực hiện” và “các địa phương không có đối tượng để giảm.”
Ngày 22 Tháng Tư, 2016, báo Đất Việt kể rằng: “Sau khi sắp xếp lại ‘các phó phòng thuộc ủy ban đang thừa 27 đồng chí’ theo lời ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói tại ‘hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Đảng Bộ Hà Nội ngày 21 Tháng Tư, 2016.’”
Gần một tháng trước đó, cũng tờ Đất Việt kể rằng năm 2015, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã phải chi ra 2 tỷ đồng để thực hiện công tác “cắt giảm 20 biên chế.” Bà Phó Bí Thư Thành Ủy Ngô Thị Thanh Hằng, giải thích về con số ít ỏi “tinh giản” là do có “quá nhiều cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ” xuống đến cấp phường. Báo chí trong nước từng tố cáo những ông bà này mua bằng ở những cơ sở bán bằng dỏm.
Cuối năm 2015, khi còn là thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng từng thấy kêu ca “Trong khi chúng ta kêu gọi tinh giản biên chế mà viên chức lại tăng lên rất mạnh.”
Bản tin ngày 30 Tháng Mười Hai, 2015, của tờ Đất Việt kể rằng “Theo số liệu của Bộ Nội Vụ, qua năm năm thực hiện Nghị Định 132 của chính phủ về tinh giản biên chế, đến cuối năm 2012, tổng số biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ trung ương đến cấp huyện tăng thêm 388 – 480 người và CBCC cấp xã tăng hơn 14,000 biên chế). Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Riêng Hà Nội, tổng biên chế năm 2013, so với trước khi có chủ trương tinh giản biên chế tăng 4,704 người. Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18,000 người, Thanh Hóa 17,300 người, nhiều hơn cả CBCC ở Sài Gòn – nơi có số dân đông nhất và nhiều cơ quan hành chính công. Điều đáng nói, trong khi các nỗ lực cắt giảm biên chế đang thực hiện thì nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục có văn bản đề nghị xin thêm biên chế.”
Theo các con số được nêu ra, tổng số “biên chế” trong guồng máy công quyền CSVN không kể công an và quân đội là khoảng 2.8 triệu người. Khi còn là phó thủ tướng, ngày 23 Tháng Giêng, 2013, ông Nguyễn Xuân Phúc từng thấy than phiền trong một phiên họp của “Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” là “Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về.”
Bây giờ, ông Phúc lên làm thủ tướng, ông bộ trưởng Nội Vụ của ông kêu không tìm ra người để “tinh giản biên chế.”
Khi chính phủ CSVN đưa ra Nghị Định 108/CP, dân số của nước Mỹ khoảng 315 triệu người và số công chức quản lý bộ máy nhà nước là 2.1 triệu người. Trong khi tại Việt Nam thời điểm đó dân số chừng 89 triệu người mà số công chức quản lý bộ máy nhà nước là 2.8 triệu người.
So sánh dân số thì dân số Việt Nam chưa bằng 1/3 dân số Mỹ, nhìn về mặt địa lý thì rất nhỏ bé chỉ bằng chưa tới một phần mười nước Mỹ. Rõ ràng guồng máy cồng kềnh và tham nhũng là đầu mối của nghèo nàn, lạc hậu. (TN)
No comments:
Post a Comment