HÀ NỘI (NV) – Sau gần một năm xảy ra vụ Formosa Hà Tĩnh xả nước thải ra biển làm cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, nay nhà cầm quyền CSVN vừa công bố việc “xem xét thi hành kỷ luật” các quan chức có liên quan, trong đó có một cựu bộ trưởng, hai cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường và cựu bí thư Tỉnh Ủy Hà Tĩnh.
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) hôm 22 Tháng Hai, 2017, loan tin Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN kết luận “những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán Sự Ðảng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và các cá nhân là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.”
Theo đó, “Ban Cán Sự Ðảng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường giai đoạn 2008-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.”
Các cựu quan chức cao cấp được nêu tên phải chịu trách nhiệm là các ông: “Nguyễn Minh Quang, nguyên ủy viên Trung Ương Ðảng, nguyên bộ trưởng; Ông Bùi Cách Tuyến, nguyên thứ trưởng, nguyên tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường và ông Nguyễn Thái Lai, nguyên ủy viên Ban Cán Sự đảng, nguyên thứ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.”
Vẫn theo TTXVN, “Ðối với tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan Ban Cán Sự Ðảng tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.”
Người bị quy “có trách nhiệm chính” để xảy ra các vi phạm nêu trên là ông Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị phó bí thư tỉnh ủy, bí thư Ban Cán Sự đảng, chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng ban quản lý khu kinh tế (2008-2010).
Một người khác cũng bị quy trách nhiệm là ông Hồ Anh Tuấn, trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (2010-2016).
Tất cả những cựu quan chức cao cấp kể trên đều được Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN nói là “ở mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” nhưng biện pháp kỷ luật là gì và cụ thể ra sao thì không thấy nhắc tới.
Vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam 2016 hay còn gọi là thảm họa Formosa đề cập đến việc hàng trăm tấn cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, bắt đầu từ ngày 6 Tháng Tư năm 2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm ngàn gia đình ngư dân và phá hủy gần như hoàn toàn ngành du lịch của khu vực này.
Trước sức ép của dư luận và nhiều cuộc biểu tình của người dân miền Trung và cả ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, cuối Tháng Sáu năm 2016, Formosa xin lỗi chính quyền và nhân dân Việt Nam kèm cam kết bồi thường 500 triệu đô la và không có truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ ai vì theo ông Mai Tiến Dũng – bộ trưởng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ – thì Việt Nam chỉ “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại.”
Việc cho phép Formosa đầu tư vào Vũng Áng đã từng được cảnh báo là nguy hại cho môi trường, tất cả những ưu đãi dành cho Formosa đã từng bị chỉ trích là bất thường, thậm chí là vi phạm luật pháp Việt Nam (ví dụ chính quyền các tỉnh chỉ có quyền cho thuê đất tối đa là 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh giao đất cho Formosa đến 70 năm, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn gật đầu) nhưng không có ai cản được sự nâng đỡ mà hệ thống công quyền Việt Nam dành cho Formosa.
Dù Formosa cam kết bồi thường 500 triệu đô la, nhưng cho đến nay, nhiều người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thỏa đáng từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, người dân Hà Tĩnh tiếp tục đi kiện và không được giải quyết.
Ðỉnh điểm sự phản kháng của người dân Hà Tĩnh là ngày 2 Tháng Mười 2016, hàng ngàn người kéo đến biểu tình trước nhà máy Formosa đòi đóng cửa thủ phạm đầu độc môi trường tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.
Cuộc biểu tình được cho là “lớn nhất từ trước đến nay” ở Hà Tĩnh với sự tham gia của giáo dân trong các giáo xứ Ðông Yên, Dụ Yên, Quý Hòa, Dụ Thành, làm chính quyền rúng động phải dùng rất đông cảnh sát cơ động đứng chắn ngang sát tường rào của cơ sở Formosa.
Gần đây nhất, hôm 14 Tháng Hai 2017, một cuộc tuần hành do Linh Mục JB Nguyễn Ðình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt thu hút hơn 600 người dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đi kiện Formosa. Cuộc tuần hành bị công an đàn áp dã man trong đó nhiều người bị đánh đập, câu lưu khi mới đi được 1/5 chặng đường. (KN)
No comments:
Post a Comment