Phạm Trần (Danlambao) - Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 24/10/2016 đã kiêu ngạo và trơ trẽn viết rằng: "Không có lực lượng chính trị nào có đủ lương tâm, trí tuệ và sức mạnh hơn Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện chế độ xã hội và bảo vệ Tổ quốc", nhưng đất nước tan hoang và lòng dân ly tán như ngày nay cũng bởi đảng Cộng sản mà ra.
Nghịch lý này đã chứng minh khi có những người Việt Nam vì lầm đường lạc lối đi theo Cộng sản như cựu tổng biên tập báo Lao Động (1989 - 1994), Tống Văn Công mà phải rút hết tâm can để viết tập Hồi ký "Đến già mới chợt tỉnh - Từ theo cộng đến chống cộng" (Nhà xuất bản Người Việt, California, USA, tháng 10- 2016).
Hay như ông Trương Như Tảng, bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) vì quá thất vọng với chế độ Cộng sản sau 1975, đã phải vượt biển đào thoát trên một chiếc thuyền vào tháng 8 năm 1978.
Sau khi định cư tại Pháp, ông Tảng viết hồi ký bằng tiếng Pháp để nói về nỗi cay đắng của những người miền Nam theo Cộng sản. Cuốn sách mang tên “Mémoire d'un Vietcong”, bản dịch Tiếng Anh là “A Vietcong Memoir”, tiếng Việt là "Hồi Ký của một Việt Cộng", viết chung với David Chanoff và Đoàn Văn Toại
Robert Manning, chủ bút nhà xuất bản Boston viết rằng “cuốn sách này viết về cái chết của một ước mơ, ước mơ tới một nước Việt Nam độc lập, hòa bình và dân chủ”. (theo Bách khoa toàn thư mở)
Nhưng không cần phải đợi đến sau ngày đất nước thống nhất dưới gông cùm Cộng sản năm 1975 thì những trí thức miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 mới nhìn ra bộ mặt thật của đảng Cộng sản Việt Nam.
Tác giả “Đường Đi Không Đến”, nhà văn Xuân Vũ là một tỷ dụ. Ông tên thật là Bùi Quang Triết, sinh quán tại làng Minh Đức, Quận Mỏ Cày, Bến Tre, ngày 19.3.1930. Ông cùng nhiều trí thức miền Nam đi kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra Bắc theo lời dụ dỗ của Cộng sản. Nhưng sau khi được gửi trở lại miền Nam ông đã ra hồi chánh với chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi quân Cộng sản mở cuộc tấn công tàn sát dân lành miến Nam trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Ông Xuân Vũ mất tại San Antonio, Texas ngày 1/1/2004.
Cũng chẳng phải vô lý mà Trung tướng Cộng sản Trần Độ (tên thật là Tạ Ngọc Phách ) đã viết: "...Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ..." (Trích “Nhật ký Rồng rắn” của Trung Tướng Trần Độ)
Sách này ra đời ở Việt Nam trước khi ông mất vào năm 2002, nhưng đã bị công an VN tịch thu. Rất may là Tập bản thảo đã được những nhà đối kháng lưu trữ và phổ biến rộng rãi.
Với những nhân chứng từng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản đã bỏ hàng ngũ và còn không tiếc lời phê phán chế độ như thế thì chính quyền này có vẻ vang gì mà khoe khoang?
Trương Tấn Sang - Trần Đại Quang
Do đó, cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi thấy nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải viết trên báo Tuổi Trẻ rằng: "Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu, suy vong của các triều đại trong lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước khiến cho những đảng viên cộng sản trung kiên, các bà mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu nhiều hi sinh mất mát
không thể yên lòng." (báo Tuổi Trẻ, 02.09.2016)
Ông Sang dẫn chứng: "Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí 112 trong số 168 quốc gia về chỉ số cảm nhận mức độ tham nhũng theo khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế; còn người dân thì có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực, theo báo cáo của Ủy ban
Kinh tế Quốc hội năm 2012.
Trong khi đó, nợ công đang ở mức trên 58% GDP (số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 8-2016), tức là mỗi người dân đang phải chịu khoản nợ 1.000 USD. Năng suất lao động thấp, làm không đủ để trả nợ, đất nước đang phải đi vay nợ để trả nợ."
Ông Trương Tấn Sang còn nói thẳng: "Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự câu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế."
Như thế thì làm sao mà diệt được 2 kẻ nội thù “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên đảng sợ chế độ tan cũng là điều dễ hiểu?
Nhưng nguyên nhân sâu thẳm của tình trạng cán bộ đàng viên bị chao đảo, hoang mang và mất định hướng vì ngày nay tuyên truyền giả dối của cán bộ Tuyên giáo không còn đánh lừa được ai nữa. Trước mắt nhân dân, nhà nước đã để lộ ra chính sách lựa chọn cán bộ chỉ biết dựa theo bè phái và dành ưu tiên những vị trí ngồi mát ăn bát vàng cho đám con ông cháu cha (hậu duệ), sau đó là phải quen biết (quan hệ), rồi phải đút lót để được thu dụng (tiền tệ) trước khi xét đến khả năng chuyên môn và trình độ học vấn (trí tuệ).
Bê bối như thế mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn có thế nói huyên thuyên vòng ngoài không dám đụng vào các “lãnh đạo cây đa, cây đề”. Ông bảo: "Tham nhũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng, Nhà nước ta đã xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đầy cam go." (Trích bài phỏng vấn cuối năm của nhà nước phổ biến trên các báo, 31/12/2016)
Nhưng khi dân và báo chí dám khui ra tham nhũng thì các cơ quan nhà nước, đảng và Quốc hội lại im như thóc ngâm hay không tình ra được mống tham nhũng nào ngay trong nội bộ của mình!
Ai tự diễn biến - tự chuyển hoá?
Khi được yêu cầu bàn về tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng, ông Quang chỉ biết nói những điều dân đã nghe mòn tai từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Quang cho rằng: "Yêu cầu đặt ra đối với công tác này là phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, đấu tranh là để tự hoàn thiện mình ngày càng trong sạch, vững mạnh, phòng ngừa, triệt tiêu cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Kẻ thù không bao giờ mong muốn chúng ta mạnh. Chúng luôn có nhiều âm mưu thâm độc, thủ đoạn xảo quyệt hòng chuyển hóa chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Mục tiêu của “diễn biến hòa bình” chính là thúc đẩy những người cộng sản “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng chúng có thực hiện được hay không là tùy thuộc ở chúng ta. Nếu chúng ta xây dựng được nội bộ trong sạch, vững mạnh thì kẻ thù không thể làm gì được."
Ô hay, ông Quang lại đổ quanh cho “kẻ thù” giả tưởng mà quên mất thất bại của đảng trong công tác này đã có từ khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư cho đến khóa đảng XII (2016), tổng cộng trên 20 năm.
Còn chuện ông bào "Nếu chúng ta xây dựng được nội bộ trong sạch, vững mạnh…" thì ai mà không “nếu” được?
Bỏ "bác" - bỏ luôn cả Mác-Lenin
Nhưng khi hô hào phản bác lại những bài viết chỉ trích đảng mà Ban Tuyên giáo gán cho “các thế lực thù địch” thì báo đài nhà nước và lãnh đạo đảng lại lờ đi không nhìn nhận đảng viên đã chán Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đến tận mang tai.
Trong một loạt phỏng vấn tìm nguyên nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đài Tiếng Nói Việt Nam (Voice of Vietnam, VOV), kể từ ngày 5-11-2016, Phó Giáo sư-Tiến sỹ (PGS. TS) Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nói: "Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Có biểu hiện xem nhẹ giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem nhẹ giáo dục đạo đức cách mạng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. “Cùng với đó, công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên".
Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thì bảo: "Thái độ xem nhẹ việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, chưa nghiêm túc thực hiện phê và tự phê bình... khiến không ít cán bộ, đảng viên sa ngã trước những cám dỗ đời thường”. Sự không chiến thắng, không vượt qua nổi cái “tôi” nhỏ bé để thành nô lệ của những ham muốn cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vừa là nguồn gốc sâu xa, vừa là sự tiếp tay dẫn đến những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mất đoàn kết… Chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguy cơ tiềm ẩn, thường xuyên bởi nó núp ngay trong bản thân mỗi con người".
Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương không ngần ngại nói thẳng: "Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ hiện nay có thể nói đã đến mức nghiêm trọng, không còn là cá biệt."
Ông Bảo diễn nghĩa thêm: "Tự diễn biến tức là sự yếu kém của mỗi người không có khả năng để tự bảo vệ chân lý, lẽ phải, những vấn đề lý luận quan trọng nằm trong ý thức hệ của dân tộc, của Đảng. Nói cụ thể hơn là bảo vệ chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng như thế nào trong công cuộc đổi mới, hay giao động về lập trường tư tưởng, vào hùa một cách vô ý thức, thậm chí có những suy tính cá nhân, cơ hội, vụ lợi. Vô hình chung tiếp tay cho kẻ thù, các thế lực chống đối để chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công vào sự nghiệp đổi mới của chúng ta hiện nay. Nguy hại hơn là làm mất đoàn kết, gây nên tình trạng không thống nhất về tư tưởng, quan điểm, dẫn đến không thống nhất về hành động, làm suy yếu Đảng từ tư tưởng đến tổ chức."
Nhưng tại sao đảng viên ngày nay lại chán Mác và bỏ luôn cả "Bác"? Vì trong thời đại hội nhập toàn cầu và thông tin điện tử phủ sóng không gian, nhiều người Công sản Việt Nam đã biết mở mắt và thông thái hơn lãnh đạo. Họ biết Chủ nghĩa Cộng sản là thứ bệnh dịch cả nhân loại không muốn bị lây nhiễm. Thế mà tại sao ở Việt Nam, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng lại vẫn u mê bắt đảng viên phải tuyệt đối trung thành và kiên định cho vừa lòng Trung Quốc?
Nhưng Đảng viên có thèm "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đâu. Khi ông Hồ còn sống đảng cũng không kiểm soát được đội ngũ lãnh đạo chỉ thích nói nhiều làm ít.
Ngày nay, sau 48 năm kể từ khi Hồ Chí Minh qua đời (năm 1969), có lãnh đạo nào đã công khai bản kê khai tài sản cho dân kiểm soát chưa? Ngay cả những cán bộ trung bình mà có nhà lầu, xe ô tô, đất đai dàn trải và còn dư tiền gửi con ra nước ngoài ăn học thì đảng ngồi trơ ra đấy để làm gì, hay học Bác có ích gì không?
Thế cho nên khi những cái loa Tuyên giáo chỉ biết thi đua ca tụng đảng đã “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (*) khi ban hành Nghị quyết Trung ương 4 là họ chưa hết mị dân.
(01/017)
(*) báo Quân đội Nhân dân, 26/12/2016
No comments:
Post a Comment