Tuesday, January 3, 2017

Thủ tướng Phúc hàm ý gì với ‘nợ công đã vượt trần’?

Thủ tướng Phúc hàm ý gì với ‘nợ công đã vượt trần’?
Thủ tướng Phúc không muốn trở thành “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”? Ảnh: Một thế giới
Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào những ngày cuối năm 2016, Thủ tướng Phúc đã có một phát biểu đáng chú ý: “nợ công sát trần cho phép, và nếu tính đủ thì có thể đã vượt trần”.
Đây là lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm mấp mé đề cập về thực tế nợ công đã vượt trần, tức vượt ngưỡng nguy hiểm 65% GDP. Còn trước đó, tất cả các quan chức chính phủ, từ thủ tướng đời trước là Nguyễn Tấn Dũng đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đều khăng khăng rằng nợ công vẫn dưới ngưỡng nguy hiểm.
Vào thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công mà Chính phủ nêu ra chỉ dưới 60% GDP – như một thành tích để “tiến tới đại hội 12”. Cũng vào thời gian đó, một đánh giá đáng chú ý (nhưng không được công nhận) từ một viện nghiên cứu của chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nợ công Việt Nam “nếu tính đủ” thì đã vượt trần cho phép.
Sau đại hội 12 khi ông Nguyễn Tấn Dũng “rớt đài”, những kỳ họp quốc hội đã cho thấy giới quan chức Bộ Tài chính bắt đầu dao động. Tỷ lệ nợ công dần được nâng lên đến 60% GDP và gần đây là 62% GDP.
Tuy nhiên, những tỷ lệ báo cáo trên vẫn còn quá thấp so với thực tế.
Vào tháng 5/2016, một chuyên gia kinh tế là Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của Việt Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4.5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 220 tỷ USD.
Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150%/GDP, tức lên đến khoảng 300 tỷ USD, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam bị phá sản trong ít năm tới – không khác mấy trường hợp Argentina bị vỡ nợ đến hai lần vào năm 2001 và năm 2014.
Vậy “nếu tính đủ” về nợ công có nghĩa là thế nào?
Trong thực tế, Luật Nợ công của Việt Nam đã cố tình bỏ qua một tiêu chí tính nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, trong khi tiêu chí này nằm trong số 5 tiêu chí bắt buộc của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc. Theo con số nợ tương đối của các doanh nghiệp nhà nước được công bố từ tận… năm 2011, loại nợ này đã đạt đến khoảng 25-30 tỷ USD, chiếm khoảng 25-30% GDP. Cho tới nay, không ai biết số nợ này sẽ được trả bằng cách nào.
Nhưng tại sao đến giờ Thủ tướng Phúc mới “nói thật” về nợ công?
Nhiều khả năng ông Phúc không muốn bị biến thành nhân vật trong tục ngữ dân gian “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. Lịch sử cầm quyền của đảng CSVN chưa bao giờ chứng kiến một đời thủ tướng như Nguyễn Xuân Phúc, lại phải lãnh nhận quá nhiều hậu quả và di họa đến thế từ 9 năm đời thủ tướng trước. Không chỉ nợ công, mà còn là đủ thứ di họa khác về nợ xấu, ngân sách, môi trường, tham nhũng…
Đơn giản là nếu không tìm cách nói thật, ông Phúc sẽ phải gánh trách nhiệm của một quan chức cố tình che giấu những điều dối trá đã được tuyên truyền suốt bao năm qua.
Những quan chức khác cũng bởi thế sẽ dần theo gương Thủ tướng Phúc. Chẳng có gì phải che chắn cho những hậu quả gây ra bởi “”triều đại Nguyễn Tấn Dũng”.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment