Tuesday, January 3, 2017

Nhận diện người dân oan

Mai Tú Ân-03-01-2017

(VNTB) - Chính quyền phải đứng về phía người dân oan chứ không phải đứng về phía đối nghịch của dân oan. 


Có lẽ không có nhiều người trong chúng ta hiểu được khái niệm thế nào là một dân oan. Rồi một bộ phận khổng lồ những người làm trong bộ máy công quyền và thân nhân họ thường có cái nhìn chủ quan, phiến diện và không đồng cảm với những con người khốn khổ đến tận cùng đang tràn ngập các thành phố lớn, biểu tình trước các trụ sở công quyền ở Hà Nội và TP. HCM. Và cả một số lượng không nhỏ những người theo đuôi chính quyền đã tỏ ra căm ghét người dân oan khiến cho những người dân oan lại như chồng thêm oan, đã khổ lại như càng thêm khổ.

Vậy chúng ta, bằng sự công minh, bằng tình thương và sự rộng lượng hãy thử nhận diện những người được gọi là dân oan đó nhé.

Điều đầu tiên cần phải khẳng định rằng những người dân oan đang sống vật vờ ở các công viên hay cơ quan công quyền ở các thành phố như Hà Nội, TP. HCM không phải là những con người hay tổ chức phản động nào đang âm mưu lật đổ chính quyền cả. Họ đa số ở các vùng xa, nghèo nàn và cũng là những địa phương mà nạn hà hiếp, cướp bóc đất đai trầm trọng nhất ra Hà Nội là để đấu tranh, kiện cáo đòi công bằng, đòi tài sản. Nếu được giải quyết ổn thoả, họ sẽ trở về quê quán. Dĩ nhiên có người này người kia nhưng đa phần dân oan là vậy. Còn trong khi ở Hà Nội thì vì cùng chung cảnh ngộ, vì phẫn uất và cả vì những tình cảm mà họ tham gia biểu tình một cách ôn hoà về một việc khác thì cũng là bình thường trong một cộng đồng bị chà đạp khốn khổ rồi. 

Các địa phương có nhiều người dân oan nhất lại cũng là những nơi mà cái gọi là nạn bọn cường hào mới dựa vào thế lực của chính quyền để thủ lợi trên đất đai của người dân oan nhiều nhất. Các cuộc khiếu kiện của người dân oan bao giờ cũng bắt đầu một cách vô ích nhất tại địa phương, nơi chính các thế lực có tranh chấp với người dân đang lũng đoạn chính quyền. Rồi tất cả đều đổ về các thành phố trung ương, gây nên một làn sóng không dứt về khiếu khiện, tố cáo. Để hiểu được chút nào đó nỗi khổ nhất trên đời của người dân oan thì chúng ta chỉ cần đặt mình vào vị trí cúa họ, mất hết tất cả nhà cửa ruộng vườn, tài sản và mất luôn cả công lý lẫn hy vọng...

Các cơ quan liên quan đến việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ một cách cứng ngắc, quan liêu và không thể không nói đến sự bao che cho đám lợi ích địa phương. Tỷ lệ giải toả hồ sơ thấp, hồ sơ kéo dài, hồ sơ chết lẫn hồ sơ chờ đợi cứ chồng chất lên, trong khi các hồ sơ mới lại tiếp tục đến cùng với những người dân oan cũ mới. Có thể nói rằng với cung cách giải quyết kiện cáo của các cơ quan công lực, nếu không đổi mới triệt để cả về phương pháp lẫn con người thì vấn đề sẽ vẫn như cũ. Hiện tượng dân oan sẽ tồn tại mãi cùng với việc người dân oan vẫn tràn ngập Thủ Đô. 

Việc giải quyết dứt điểm hồ sơ của người dân oan, để tiến tới làm giảm đi những oan sai, đền bù xứng đáng sẽ khiến cho tình trạng dân oan có cơ may giảm đi cùng với người dân oan ngày càng ít dần. Đây là một công việc không đơn giản, không dễ dàng cho chính quyền nhưng không phải là một công việc không thể làm được. Và với một hệ quả kéo dài không dứt hơn 20 năm nay, thì việc chính quyền trung ương phải xuống nước để thoả mãn những đòi hỏi chính đáng của những người dân oan khốn khổ đó là việc nên làm và đáng làm. Chúng tôi không nói rằng tất cả những người dân oan đều đúng, nhưng cũng không ai dám bảo rằng tất cả họ đều sai. 

Chính quyền cần phải coi người dân oan đi khiếu kiện là một việc làm có ích cho một xã hội công bằng, dân chủ, chứ không phải là  những người phá hoại chế độ. Chính quyền phải đứng về phía người dân oan chứ không phải đứng về phía đối nghịch của dân oan. Chính quyền cần phải cởi mở, bãi bỏ những điều luật bất hợp lý, và mạnh tay với các vụ cướp đất ở các địa phương của các quan chức. Tổng số tiền, nếu phải chi cho người dân oan, không phải là lớn so với những hệ luỵ tai hại kéo theo của vụ việc dân oan khiếu kiện này.


Không làm những điều đáng làm đầy tính nhân văn trên thì không bao giờ hết được dân oan...

No comments:

Post a Comment