GIA LAI (NV) – Loại cây mà người Bahnar gọi là Tờ Trung (na rừng) – thường thấy ở các khu rừng đầu nguồn, các con suối ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì thương lái Trung Quốc đặt mua… rễ.
Với những người cư trú lâu năm ở Tây Nguyên, Tờ Trung là nguồn nước dự trữ và là hệ thống điều hòa dòng chảy tự nhiên. Mùa khô, đi rừng mà thiếu nước, chặt một cây Tờ Trung là đủ nước cho vài người uống mà không sợ ngộ độc, đó cũng là lý do Tờ Trung được xem như hệ thống trữ nước, giúp các dòng suối không trơ đáy. Mùa mưa, khi nước từ thượng nguồn tràn về, rễ Tờ Trung khiến chúng chảy chậm lại, hạn chế khả năng gây ra lũ lớn, đột ngột ở hạ lưu…
Cách nay năm năm, thương lái Trung Quốc tìm tới Tây Nguyên hỏi mua… rễ cây Tờ Trung. Lúc đó, yêu cầu của thương lái Trung Quốc rất cao: Chỉ mua rễ nhỏ! Những người Bahnar suốt đời đói khổ, lúc nào cũng mong có cơ hội tìm được chút tiền để trả nợ cơm áo đổ xô vào rừng chặt rễ cây Tờ Trung dẫu cho một ký rễ cây Tờ Trung tươi chỉ có 3,000 đồng. Tới khi các rễ nhỏ của cây Tờ Trung trở thành của hiếm, giá tăng lên thành 5,000 đồng/ký thì thương lái Trung Quốc hạ yêu cầu xuống, mua cả rễ lớn.
Giờ thì thương lái Trung Quốc đang thu mua cả thân cây Tờ Trung. Sau năm năm, Tờ Trung – một loại cây dại, giờ đã thành của hiếm, khó có thể tìm thấy ở các khu rừng đầu nguồn và các con suối.
Ông Đinh Văn Viên, phó thôn Kon Bông, xã Đăk Rong, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai, thừa nhận, từ khi mật độ cây Tờ Trung giảm xuống, mùa khô, lượng nước ở các dòng suối giảm theo. Mùa mưa, lũ lớn hơn và thường là đột ngột đổ về, khó đoán trước.
Theo ông Viên thì ai cũng nhận ra điều đó nhưng đồng bào của ông nghèo quá, thành ra chuyện đi kiếm được tiền họ cũng làm. Trước đây, khi cây Tờ Trung còn nhiều, cả làng vào rừng đào rễ Tờ Trung để gùi đi bán là bình thường.
Phóng viên tờ Tuổi Trẻ kể rằng, mỗi làng thường có hai điểm thu mua rễ cây Tờ Trung, một ở đầu làng, một ở cuối làng và do người trong làng đảm nhận. Một trong số này bảo với họ là ông ta được thương lái Trung Quốc thuê đứng ra mua lại, phơi khô rồi đóng bao chuyển cho chủ hàng. Giống như những người Bahnar khác, ông ta cũng không rõ thương lái Trung Quốc mua rễ, nay thì mua cả thân cây Tờ Trung để làm gì.
Giống như ông Viên, ông Bùi Trọng Lượng, phó chủ tịch xã Đăk Rong xác nhận, chuyện chặt rễ, đốn cây Tờ Trung bán cho thương lái Trung Quốc đã kéo dài trong vài năm. Ông Lượng cho biết, chính quyền xã và chính quyền đã bắt đầu cảm thấy ái ngại nên đã yêu cầu dân chúng không được đụng đến cây Tờ Trung nữa.
Ông Trương Văn Bốn, giám đốc công ty Lâm Nghiệp Đăk Rong dù thừa nhận chuyện dân chúng vào vùng rừng do công ty của ông quản lý để chặt rễ, đốc cây Tờ Trưng đã xảy ra nhiều năm nhưng công ty Lâm Nghiệp Đăk Rong không ngăn chặn vì điều đó không ảnh hưởng gì đến rừng. Theo lời ông Bốn, trước kia, công ty Lâm Nghiệp Đăk Rong còn phải điều động nhân viên chặt bớt cây Tờ Trưng để nó không ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây khác.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, giám đốc vườn quốc gia Kon Ka Kinh, thú nhận chưa nhận được báo cáo nào của thuộc cấp về chuyện dân chúng vào vườn quốc gia Kon Ka Kinh để chặt rễ, đốn cây Tờ Trung. Tuy nhiên ông Hoàn nhấn mạnh, Ban Giám Đốc vườn quốc gia Kon Ka Kinh chưa bao giờ yêu cầu nhân viên “chặt bớt cây Tờ Trưng để nó không ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây khác.” Muốn đụng đến loại cây nào trong rừng cũng phải báo cáo với giới hữu trách. Chỉ có bị bệnh về thần kinh mới làm như thế. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment