Tuesday, January 3, 2017

Hãy chờ xem, chào 2017!

Lê Trọng Vũ-02-01-2017
   Hà Nội ơi, một trái tim hồng!

Không phải văn hoá hay vị trí địa lý mà thể chế chính trị mới quyết định sự phồn thịnh của một quốc gia. Điều này hẳn nhiên không có gì phải bàn cãi, nhưng thể chế chính trị tương đồng, các vấn đề xã hội cũng báo động như nhau thì chưa ai đề cập.

7/12/2015, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Bắc Kinh nâng mức báo động màu cam sang đỏ, mức nguy hiểm nhất về ô nhiễm không khí. Cách đây hai tuần 16/12/2016, mức báo động đỏ lại được ban hành, Bắc Kinh chìm trong khói mù dày đặc, người ta không thể nhìn thấy các tòa nhà chọc trời, thậm chí khó nhìn thấy mặt nhau khi chỉ đứng cách 10 m. Mọi hoạt động và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ước tính của Berkeley Earth, Mỹ, mỗi ngày có khoảng 4.000 người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, và hít thở không khí ở thủ đô Bắc Kinh tương đương hút 40 điếu thuốc lá mỗi ngày. Báo cáo khác của Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu cũng chỉ ra 1,23 triệu người đã chết ở Trung Quốc trong năm 2010 vì ô nhiễm không khí. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm với tuổi thọ của người dân. Theo đó, mật độ bụi PM 2,5 trong không khí tại các thành phố ở miền bắc Trung Quốc cao hơn 55% so với miền nam nước này dẫn đến tuổi thọ trung bình người dân ở đây cũng thấp hơn 5 năm so với miền nam.

Khi Bắc Kinh gọi Hà Nội lập tức trả lời. Tháng 10/2016, chỉ số chất lượng không khí đo được ở Hà Nội là 245, mức độ "rất không tốt cho sức khoẻ". Với chỉ số này, Hà Nội "vươn lên" xếp thứ hai các thành phố ô nhiễm nhất TG, chỉ sau Barzar, Ấn Độ và cao hơn rất nhiều các thành phố khác. Có thể số liệu được ghi nhận bởi hệ thống máy quan trắc tại tòa Đại sứ Mỹ không phản ánh chính xác tình trạng không khí của cả một thành phố nhưng nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Không chỉ giống nhau về hậu quả của việc phát triển kinh tế mà bất chấp tất cả, giờ sự tha hoá của xã hội của hai đất nước láng giềng này cũng giống nhau đến kỳ lạ, giống như cùng một quốc gia, giống hơn cả những xã hội người Hoa là Hồng Kông hay Đài Loan, giống không chỉ ở bộ quân phục bên ngoài của quân đội hai nước mà ngay cả tâm hồn nghèo nàn bên trong cũng không khác nhau mấy, cũng tôn thờ vật chất, cũng buôn thần bán thánh, cũng thứ văn hoá kệch cỡm khoe của của đám nhà giàu mới phất. Những thanh niên ăn mặc thời trang chen lấn trước thang máy các trung tâm thương mại hay những đám đông lố nhố, ồn ào ở các điểm văn hoá nước ngoài, nếu không lại gần thì khó mà phân biệt được là người Trung quốc hay Việt nam.

Ở đâu cũng có điều này điều kia nhưng chẳng ở đâu các thang giá trị bị đảo lộn tất cả, cái xấu dày đặc đến mức hiển nhiên, thậm chí lên ngôi, được đám đông noi theo. Nhưng điều chua chát hơn cả là cách người trí thức, tầng lớp có nhiệm vụ thức tỉnh, cảnh giác công chúng lại quên đi trách nhiệm bảo vệ kẻ yếm thế, cúi đầu sống trong một xã hội ô nhiễm báo động như vậy. Không ai lên tiếng, vẫn cười đùa về những trò nhố nhăng giăng đầy trên "báo chí cách mạng", luôn thể hiện "lý trí", "khách quan" nhưng tuyệt nhiên không bao giờ bày tỏ quan điểm của mình trên mạng xã hội.

Đọc Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến đoạt Nobel Hoà Bình viết trong "Triết lý con lợn" mới thấy họ Lưu dường như không chỉ nói về xã hội nơi anh sống: "Giới trí thức đang bị tha hóa vì cam tâm lãnh nhận những ân huệ vật chất và các tiện nghi thỏai mái do nhà nước chu cấp để đổi lại sự im lặng làm ngơ trước sự nhũng lạm thối nát, sự đàn áp cướp bóc của cán bộ nhà nước đối với đa số quần chúng dân oan".

Họ Lưu nhấn mạnh đến sự đồng lõa, thỏa hiệp của giới trí thức với chủ trương mê hoặc ru ngủ của nhà cầm quyền đương thời qua các chiêu bài “phải bảo vệ sự ổn định xã hội”, “phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu" để mà bỏ qua những đòi hỏi về tự do, công bằng xã hội và phẩm giá của người công dân.

Cuối cùng, người tù nổi tiếng nhất Trung quốc này mỉa mai đám trí thức chẳng khác gì những con lợn được vỗ béo và ngoan ngoãn đi vào cái chuồng được dọn sẵn.

2016 đã khép lại với thật nhiều biến động, những vấn nạn xã hội ngày càng nhức nhối hơn và không chừa một ai, cái sau xảy ra thường xuyên và lớn hơn cái trước. Một bạn trẻ hỏi tôi khi nào thì đến ngưỡng chịu đựng của dân, tôi không biết nữa nhưng loài tồn tại được không phải là loài mạnh hay thông minh hơn mà là loài thích nghi tốt nhất.


Hãy chờ xem, chào 2017 !

No comments:

Post a Comment